Hello hello,
Chào bạn, chào cuối tuần.
Tuần rồi bạn khỏe không? Có ai bắt đầu lấy giấy bút ra review một năm 2022 và lên kế hoạch cho năm sau chưa? Và có thấy chia sẻ về đo đạc ước mơ, tầm nhìn của mình áp dụng được không?
Hôm nay mình muốn chia sẻ về sự CHỦ ĐỘNG. Nếu bạn còn nhớ thì đầu tháng, mình có một trích dẫn về việc luôn chủ động để đặt bản thân vào vị thế tốt, vị thế của người có quyền chọn lựa. Và hôm nay, mình sẽ nói thêm một chút về tính chủ động trong marketing nhé.
Mà chủ động trong Marketing là sao?
Với mình, nó nôm na là tự động làm một cái gì đó, nghĩ một cái gì đó TRƯỚC khi một việc gì đó xảy ra, mà việc này có thể khiến bản thân mình bối rối, rơi vào thế không chuẩn bị, tạm cho là bị động.
Ví dụ như: nếu một học sinh có sự chuẩn bị trước khi vào lớp, đọc bài vở trước, xem qua các ý chính và tới lớp ngồi nghe giảng bài. Đó đã là một sự chủ động rồi. Thêm nữa, tâm thế của việc “đã biết” hôm nay thầy cô dạy gì cũng khiến bạn đó thoải mái và có thời gian để thẩm thấu, cũng như đưa câu hỏi làm rõ vấn đề. Trong trường hợp giảng viên đưa ra đề bài ngay trên lớp, thì người nào càng chủ động “biết trước”, người đó càng có một vị thế tốt, biết mình nên chọn cái gì để làm.
Nói tóm lại, nó đơn giản là sự chuẩn bị trước thôi. Không có gì cao siêu cả.
Trong marketing, sự chủ động này có lẽ dễ hiểu nhất là sự “tiên đoán trước” đối tượng của mình sẽ làm gì tiếp theo sau khi họ:
Nhìn thấy ảnh mình thiết kế
Đọc bài mình viết
Sử dụng sản phẩm của mình
V..v..
Để mình tạo ra những trải nghiệm mượt mà có tính kết nối với nhau. Và đây chính xác là nghệ thuật cốt lõi của UX - User Experience Design, Thiết kế trải nghiệm khách hàng.
Chủ động trong digital marketing sẽ có thể có những gì?
Bạn có nhớ bài chia sẻ của mình về digital consumers chứ, hầu hết người tiêu dùng ngày nay đều hưởng thụ một thế giới số, một thế giới của sự tiện lợi khắp nơi khắp chốn. Tại sao nó lại tiện lợi vậy?
Bởi vì tất cả mọi hoạt động của bạn online đều được ghi nhận. Bạn đi đến đâu, sẽ để lại dấu vết tới đó, mà chuyên ngành gọi là digital trace (dấu vết số). Cho nên, nếu bạn:
Dừng ở một trang web nào lâu thiệt lâu để đọc thông tin sản phẩm, thì marketer sẽ tập trung vào làm cho thông tin và cách trình bày ngay chính cái chỗ bạn dừng đó hấp dẫn hơn, tiện lợi hơn.
Hay lướt điện thoại và dừng lại ở những nội dung bổ ích, thì người marketer sẽ xem sau khi bạn dừng bạn sẽ làm gì, để họ tiếp tục tạo ra những điểm chạm tiếp theo cho bạn. Ví như sau một video về sản phẩm thì có dấu giỏ hàng để bạn sẵn tay bỏ vào giỏ luôn cho tiện vậy đó.
Và còn rất nhiều ví dụ khác nữa, mình sẽ cập nhật trong một báo cáo nhé.
Vậy nếu không biết mấy cái đo lường đó thì có tạo trải nghiệm tốt cho khách hàng không?
Được chứ, hoàn toàn nằm vào sự chủ động của bạn thôi.
Trải nghiệm khách hàng và thiết kế bao bì
Một trong những thứ mình cực kì thích thú ở thị trường nước ngoài là lối tư duy chủ động, tất nhiên nó ngấm vào cách họ làm marketing: online hay offline đều có. Hôm nay phân tích một case nhỏ xíu với mình thông qua nhãn hiệu trà Yogi nhé.
Cái tên nói lên tất cả. Yogi là thương hiệu trà tập trung vào những giá trị như thiền, tỉnh thức, cho mấy bạn tập yoga v..v.. Rõ ràng với giá trị đó, bạn không thể nhan nhản làm marketing dập quảng cáo như các thương hiệu tiêu dùng nhanh hoặc có giá trị có tính vật chất khác, đúng không?
Nên cách họ làm truyền thông, đặc biệt là product marketing (tức là nhánh tiếp thị sản phẩm thay vì thương hiệu), khá ý nhị nhưng rất truyền cảm hứng.
Hộp trà của họ trông từ trên xuống dưới sẽ như thế này. Thiết kế liên tục từ phần chóp trải dài xuống mặt trước của hộp bao bì. Mặt trước ghi rõ loại trà, hình minh họa các thành phần chính và một vài tính từ gợi mở cảm xúc đưa người dùng vào một miền tưởng tượng khi dùng loại trà này.