CREATE: là chuỗi nội dung chia sẻ về cách làm từ sáng tạo nội dung, đến thực hiện các cách thu thập insights và kinh doanh tiếp thị hiệu quả.
Hello hello chào bạn,
Mình hy vọng những ngày đầu tháng 11 của bạn diễn ra tốt đẹp. Nhân sự kiện gần đây của Chandler Bing từ sitcom FRIENDS, mình có một số quan sát về nhân vật con người và cả sự kết nối.
Nhân vật Chandler do Matthew thủ vai có thể nói là người đầu tiên cho mình hiểu sự hài hước quan trọng như thế nào? Hài hước cũng là một nét văn hóa khá phổ biến ở phương Tây và những người có khả năng hài hước thường cũng gây được thiện cảm tốt hơn. Adam Grant từng có một nghiên cứu chỉ ra rằng “Hài hước là một tiêu chí để người lãnh đạo có thể thành công và gắn kết nhân viên với nhau”. Trong khi đó, nghiên cứu về quản lý của McKinsey cũng nhấn mạnh “Hài hước là một kỹ năng thiết kếu của lãnh đạo cấp cao” (Humor as a senior leadership skill) (Nguồn: Báo Economist).
Nói tóm lại sự hài hước là một khả năng và chúng giúp phá băng trong các buổi gặp gỡ, từ đó giúp người với người tiến lại gần nhau hơn. Nhưng nếu bạn không phải là người dí dỏm thì sao? Có cách nào để kết nối với người khác, cụ thể ở đây là độc giả (audience) của bạn không?
“Làm sao để viết và kết nối với độc giả?” là câu hỏi lâu lâu mình lại được nhận về. Bản tin hôm nay, mình xin chia sẻ quan sát và một vài cách mình đã thực hành nhé:
1. Xác định độc giả (audience) của bạn
Việc xác định độc giả của bạn là ai luôn là câu hỏi bản thân bạn cần truy vấn đầu tiên. Khi bắt tay vào viết, hãy trả lời rõ ràng “Tôi viết bài này cho ai? Người đó sẽ tìm thấy điều gì ở chia sẻ này của tôi? Sau khi đọc xong nội dung này họ nên có hành động gì?”
Xác định độc giả đồng nghĩa với xác định chân dung khách hàng, từ tính cách, nỗi đau cho tới nhu cầu của họ. Nếu được hãy liệt kê cho mình một danh sách các khó khăn, nỗi đau mà bạn thường quan sát thấy ở khách hàng tiềm năng của mình. Sử dụng danh sách đó như một bản đồ để bạn xác định ý tưởng và quy hoạch nội dung bài viết.
2. Xây dựng độc giả (Build your audience)
Với những người chân ướt chân ráo đi làm tiếp thị, chắc chắn bạn đâu biết được độc giả của mình là ai và họ cần cái gì. Bạn sẽ thường chơi với trí tưởng tượng của mình, bạn sẽ đoán. Và dễ đoán nhất bạn hãy tự lấy bản thân mình ra là đối tượng để viết cho.
Trong những ngày đầu tiên, và cho tới tận bây giờ, mình sẽ viết như một tác giả và đọc lại bài viết của mình như một người lạ. Viết như một tác giả là việc áp dụng các câu hỏi ở phần 1, còn đọc lại là mình hoàn toàn đọc lướt lại nội dung bài viết, một cách trung thực nhất như một độc giả.
Có dễ nắm ý không? Bài này đọc lên có thấy là dành cho mình? Hay vừa đọc vừa phải suy nghĩ để tự diễn giải thêm ý của tác giả? Đọc xong bài này có giúp giải quyết được gì không?
Trung thực đóng vai độc giả sẽ giúp bạn nhìn nhận khách quan nội dung mình viết. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa người làm phân tích và người làm truyền thông là khả năng xây dựng lượng độc giả cho mình.
Nếu bạn bắt đầu viết từ số 0, bạn bắt buộc phải xây từng viên gạch, chồng từng thứ lên nhau. Điều này tương tự với việc bạn bắt đầu chia sẻ nội dung, đều đặn, có lượng bài nhiều hơn, độc giả mới dần dần xuất hiện.
Nếu bạn đã viết được một thời gian, có một lượng độc giả nhất định, thì xây dựng độc giả ở đây là việc định hình bản sắc của bạn, tìm kiếm sự nổi bật về phong cách nội dung, thể hiện hình ảnh. Điểm giao nhau giữa bản sắc cá nhân và xu hướng hành vi của độc giả lúc này là thứ bạn cần quan sát. Đây cũng là lúc bạn dễ dàng tô đậm hơn các chân dung độc giả của chính mình. Nói chung, xây là phải bền chí, còn phân tích là phải tỉnh táo. Bạn cần cả hai để thiết lập cây cầu kết nối với người đọc của mình.
3. Trở thành một người bạn với độc giả
Viết nhiều không có nghĩa là sẽ trở nên thân thiết và gầy dựng được niềm tin với độc giả. Bài viết có giá trị chắc chắn sẽ giúp ích độc giả rồi, nhưng bài viết có cá tính sẽ giúp họ nhớ tới bạn. Đây là cái mình liệt kê ở trên: bản sắc.
Cái bản sắc này không gì khác hơn là tính cách con người của bạn. Chúng ta không viết đại diện cho một thương hiệu to oạch như Cocacola hay Nike, chúng ta viết xây dựng thương hiệu cho cá nhân mình. Vậy tính cá nhân ở đây sẽ cần có các nét về tính cách, sở thích, hoạt động thường nhật, quan điểm sống của bạn bên cạnh những nội dung mang tính giá trị chuyên môn.
Bạn có biết tại sao càng xem một series phim, chúng ta càng kết nối với các tuyến nhân vật hơn không?
Là vì chúng ta bắt đầu bước vào thế giới của họ. Chúng ta hiểu hơn về quá khứ, cái kiểu cách suy nghĩ của họ và thậm chí ta có thể dự trù được xích mích giữa hai nhân vật chính trong phim sẽ kịch tính thế nào. Đây là cái drama, cũng là cái đời thường, và cũng chính nó là cái giúp chúng ta kết nối một cách âm thầm với những con người trên màn ảnh, mà ta ngỡ đã quen biết họ từ đời nào đó.
Đoạn này mình xin ngả mũ với kịch bản và nghệ thuật xây dựng tuyến nhân vật của FRIENDS - một bộ phim khiến hàng triệu con người kết nối, và họ thực sự xem những nhân vật đó là BẠN của họ, mặc dù chưa gặp bao giờ. Bối cảnh đơn giản, những câu chuyện thường ngày của một nhóm bạn mà mỗi người sở hữu một bộ tính cách rất đặc trưng.
Với bản thân mình, cái hay ho của FRIENDS là sự logic và mạch lạc trong việc xây dựng tính cách nhân vật, và bản thân sự gắn kết của các nhân vật với nhau. Khi Monica (một nhân vật nữ) luôn cạnh tranh trên mọi mặt trận. Đối với cô, “trở thành người đứng đầu” là quan trọng nhất, thậm chí là người “bị ghét nhất” dễ chấp nhận hơn là người “được thích nhì”. Đó là vì một tuổi thơ luôn bị so sánh với ông anh giỏi giang, và một bà mẹ luôn không hài lòng với bất kì điều gì cô làm.
Bạn đọc thêm ở đây nếu hứng thú về mạch truyện trong cách kể chuyện nhé.
Adam Grant, trong một nghiên cứu về việc “Điều gì khiến chúng ta trở thành bạn của nhau?”, đã dùng cặp bài trùng Chandler và Joey để minh họa. Hai con người này gặp nhau thông qua một người bạn cùng nhà, và liên tục tìm được niềm vui trong các hoạt động giải trí với nhau, là chơi bàn bi lắc, hay nuôi vịt như thú cưng. Nghe rất chi là ngớ ngẩn, nhưng chúng ta sẽ có xu hướng kết bạn với một ai đó khi hai bên đang ở mental age (độ tuổi tinh thần) giống nhau.
Cũng trong chia sẻ của Adam, hai con người sẽ cần trải qua ít nhất 50 giờ tương tác qua lại với nhau để từ người lạ thành người quen, và 200 giờ đồng hồ tương tác tiếp tục để có thể bắt đầu làm bạn.
Nói chung, thông điệp ở đây là ngoài việc cung cấp thông tin giá trị giúp độc giả của bạn giải quyết khó khăn, thì trở thành một cái tên gần gũi bằng sở thích tính cách của mình là điều tất yếu.
4. Phong cách giao tiếp phù hợp
Bản sắc cá nhân của bạn không thay đổi vì đây là thứ độc giả cần để nhận diện và cảm thấy an toàn, tin tưởng ở bạn. Nhưng phong cách truyền thông tiếp thị ở mỗi nơi sẽ cần phù hợp.
Giống như chuyện bạn đi ăn tối trong lần hẹn hò đầu tiên, phong cách ăn mặc và giao tiếp sẽ cần một màu sắc khác. Hay khi bạn đi ăn với đám bạn thân thì ăn mặc và phong cách cũng lại khác. Tựu chung lại, ở tất cả các lần xuất hiện, bạn đều cần sự thoải mái thể hiện tính cách của mình, có điều cách thể hiện sẽ khác nhau.
Ví dụ nhé: bài viết trên Facebook cá nhân của bạn có thể giao thoa của phong cách chuyên nghiệp và đậm tính cá nhân, như các cuộc hội thoại ngắn hoặc vừa. Trong khi đó, nội dung như bản tin chuyên môn sẽ cần đào sâu phân tích diễn giải. Tính cá nhân vẫn cần, nhưng tính chuyên môn sẽ cần nổi bật hơn. Hoặc nếu kênh tiếp thị là hình ảnh như Instagram, ngoài những ảnh carousel với text nội dung giá trị, thì tính cá nhân của bạn vẫn cần bộc lộ qua câu chuyện con người, reels có kết hợp các hiệu ứng tương tác của Instagram.
Tại sao vậy? Bởi vì cùng một người nhưng ở mỗi nền tảng, hành vi và sự kì vọng của họ sẽ khác nhau. Khi một người lướt Instagram, họ có thể biết tới bạn rồi đấy nhưng hành vi thao tác chung trên Insta sẽ ảnh hưởng tới cách họ giao tiếp ngược lại với bạn. Nói đúng hơn là sân chơi nào thì chơi kiểu đó.
Mời bạn đọc thêm bài xây dựng thương hiệu cá nhân
5. Nói ngôn ngữ của họ
Cuối cùng là nói theo ngôn ngữ của độc giả. Một thứ mình rất ấn tượng sau khi xem The Good Doctor, một series phim về một bác sỹ phẫu thuật mắc chứng tự kỷ (Shaun), bạn này cực kỳ giỏi chuyên môn. Trong một lần, khi bệnh nhân cấp cứu trên băng ca đang bấn loạn và các bác sỹ khác không tài nào trấn tĩnh được anh ta, Shaun đi ngang qua thấy, lập tức anh nhận ra bệnh nhân đó cũng có hội chứng tự kỷ “Anh ta không muốn bị đụng vào.”
Mặc dù đều mắc chứng tự kỷ, có những triệu chứng giống nhau, nhưng hai người vẫn có tính cách và cách giao tiếp khác nhau. Quan sát thấy bệnh nhân rất thích đếm bước đi, ví như “33 bước” là khoảng cách từ cửa chính tới thang máy bệnh viện, Shaun bắt đầu cuộc hội thoại giữa anh và bệnh nhân bằng các con số. Để từ đó gợi mở câu chuyện, hiểu về bệnh lý và tìm cách thuyết phục bệnh nhân làm phẫu thuật.
Tương tự cho việc làm tiếp thị hay ngôn ngữ khi bạn viết thôi, nếu bạn viết cho phụ huynh có con nhỏ, bạn sẽ cần hiểu cách các bà mẹ ông bố nói chuyện với con. Câu chữ gãy gọn, súc tích, có hình ảnh. Thậm chí, những từ gợi hình so sánh như “thật là cà rốt” (dốt) hay các nhân vật hoạt hình nổi tiếng với trẻ nhỏ sẽ gần gũi với độc giả của bạn.
Làm cách nào bạn biết được ngôn ngữ của độc giả? Hãy vào các hội nhóm có độc giả tiềm năng và quan sát phong cách trò chuyện. Bạn cũng có thể dùng keyword search để tham khảo, xem các nội dung reviews để biết độc giả dùng thuật ngữ hay kiểu cách như thế nào để từ đó kết hợp vào nội dung bài viết của mình.
6. Thật tâm kết nối
Điểm cuối cùng và mình nghĩ là điểm quan trọng nhất là sự chân thật. Khi bạn chân thật chia sẻ, bạn sẽ nhận về các kết nối chân thật. Chân thật chia sẻ nghĩa là bạn tin nội dung mình soạn ra có giá trị với người khác, là câu chữ bạn dùng không đánh đố họ, là phong cách viết mang tính chia sẻ chứ không lên gân giảng đạo, và sau cùng khi viết xong và trao đi bạn hy vọng những gì mình chia sẻ giúp ích được cho khó khăn của họ.
Với tinh thần này, sự thật tâm kết nối của bạn chắc chắn sẽ được đáp trả. Và bạn biết sao không?
Độc giả một khi cảm nhận được sự thật tâm này, nếu bạn hỏi, họ sẵn sàng dang tay ra trả lời đối đáp. Vì kết nối sau cùng luôn luôn là mối quan hệ hai chiều, khi bạn toàn tâm chia sẻ, chiều còn lại sẽ tự khác muốn thúc đẩy sự gắn kết này lại thôi.
Cám ơn bạn đã đọc tới đây. Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn.
Norah VO
From Insights To Intelligence
Bài viết hay. Nhưng tại sao lần nào đọc cũng như là lần đầu.
Đọc xong hiểu tại sao mình viết xong lại ngại chia sẻ, vì tui k bít độc giả của mình là ai huhu… viết kiểu cho mình mình đọc, post lên lại rén, sợ mn nghĩ viết như này để làm gì +_+