Chủ đề xây dựng thương hiệu cá nhân vốn không mới nhưng chưa bao giờ cũ, bởi con người ta luôn muốn khẳng định mình với một ai đó và tạo ảnh hưởng. Với GenZ ngày nay, truyền thông mạng xã hội vô tình lại đẩy nhanh tiến trình nhận biết thương hiệu. Lẽ dĩ nhiên, nó cũng đẩy nhanh nhu cầu cần khẳng định chính mình với một cộng đồng ngoài kia.
Hôm nay mình được mời tham dự chia sẻ về Personal Branding trên OnMic. Với kinh nghiệm 10 năm đi phân tích thương hiệu nhiều hơn là đi làm thương hiệu, mình từng nghĩ làm branding cần phải lăng xả thậm chí có khi là “aggressive” xuất hiện để có cơ hội được biết đến. Một mặt khác, là một người làm việc nhiều với số liệu (data), việc để lại digital footprint nhiều trên truyền thông xã hội với mình, là một điều khá đáng sợ. Thế thì hôm nay mình đã nói gì về Personal Brand?
Bản chất của Branding là đi tìm và làm rõ hình ảnh thương hiệu của mình
Khi mạng xã hội ồ ập len lỏi vào từng khía cạnh cuộc sống, đôi khi ta nghĩ làm branding là phải ở trên social media. Thực chất, MXH cũng chỉ là một nền tảng, quy tụ nhiều người dùng, và khả năng phát tán thông tin nhanh hơn trước - những hình thức truyền thống thôi. Tuy vậy, với sự phát tán thông tin đi rất nhanh và rất xa, việc đăng tải nội dung và truyền đạt hình ảnh của một cá nhân hay tổ chức lại trở nên quá dễ dàng. Nếu biết nắm bắt xu hướng thiết kế ảnh, nội dung và một vài thuật toán của mạng xã hội; việc một cá nhân khuyếch trương hình ảnh của mình là rất dễ dàng.
Thực sự điều đó có đúng không? Làm personal branding là làm như thế nào?
Đã gọi là personal thì tất nhiên những yếu tố branding này là thuộc tính cá nhân. Với mình, thương hiệu cá nhân chính xác là ấn tượng, là cảm xúc, là tất tần tật những gì người khác nghĩ và nhớ về mình khi mình không ở đó.
Và đây là điểm mấu chốt để chúng ta đi đến authentic branding.
Ai không biết làm branding là thể hiện những hình ảnh mình muốn người khác biết đến mình, và để những hình ảnh đó được “gắn” vào tên tuổi của mình. Dần dà, nó sẽ là đặc điểm thương hiệu cá nhân? Câu hỏi là mình xác định những hình ảnh đó như thế nào?
Trong buổi talkshow hôm nay, một thính giả 60 tuổi, lão làng 30 năm trong ngành Advertising Việt Nam, hỏi bọn mình là “Các em có thấy khi làm personal branding bản thân mình phải gồng lên không? Các em có nhận thức được MXH thực ra rất ảo không? Và branding thì cũng sẽ được phát triển theo hướng tích cực và tiêu cực. Miễn sao nổi tiếng là đã là branding đó. Các em thấy sao?”
Mình rất trân trọng những chia sẻ này bởi mình là một người anti-social, mình hiểu thế giới ảo của MXH và những chiêu trò để được nổi tiếng. Danh tiếng hay tai tiếng đều là tạo tiếng vang. Một chia sẻ của Simon mình nghe hôm qua, cảm giác nhận được like, comment hay các lượt share trên bài viết mạng xã hội cũng giống như nhận một liều dopamine vậy. Đó là cảm giác gây nghiện. Mà nghiện cái gì nhiều, cũng không tốt. Thế nên, làm branding đi từ nhu cầu “được quan tâm chú ý” bất kể cách làm là một điều rất không nên.
Quay trở lại câu chuyện personal branding, cá nhân mình không vui thì không làm, nên với mình sẽ không có câu chuyện “gồng”. Bởi mình biết mình không xây, cái mình làm đơn giản là hiển lộ những thuộc tính cá nhân của mình, và để mọi người xung quanh thấy nó rõ hơn. Mình bắt đầu với câu hỏi “Mình là ai?”. Và khi quyết định cần làm personal branding, mình rõ ràng với bản thân và thoải mái mời mọi người bước vào thế giới của mình. Vậy thôi.
Nhưng cũng sẽ có rất nhiều trường hợp, chúng ta bắt đầu với câu hỏi “Mình muốn được nhìn nhận như thế nào?”, “Những hình tượng nào thì được chú ý và hình tượng đó cần những gì?”. Thương hiệu cá nhân xây theo cách này cũng không sai, nhưng nó thiếu hẳn cái “riêng” bản sắc mỗi người và không sớm thì muộn, bản thân người chủ thương hiệu sẽ rất mệt mỏi. Bạn thiếu mất giai đoạn đầu - tìm hiểu về mình.
Chọn sân mà chơi, chọn nơi mà hót
Khi đã có cái nhìn rõ ràng về bản thân và khẳng định lý do tại sao mình muốn xây dựng thương hiệu cá nhân, lúc này bạn cũng sẽ nhìn ra “người mà bạn muốn tạo ấn tượng”.
Với trường hợp của mình, làm thương hiệu để phục vụ cho công việc, mình sẽ chọn LinkedIn là sân chơi. Mình đã có LinkedIn từ 2010, trước khi tốt nghiệp Đại Học, mình đã sớm có kết nối với các giảng viên và những công ty trong tầm ngắm. LinkedIn với mình là nơi để cập nhật thông tin và là nơi để kết nối cho công việc. Mình có mặt ở các networking event, gặp gỡ chia sẻ với các chuyên gia, kết nối qua LinkedIn, và tiếp tục giữ liên lạc với họ. Mình chia sẻ các kiến thức, trải nghiệm và những cảm nghĩ về công việc, hoặc quan điểm trong một ngành nào đó. Bởi mục đích làm branding của mình là các cơ hội việc làm trong các tập đoàn quốc tế.
Trong trường hợp một bạn muốn xây dựng personal branding để trở thành KOL, những người có tầm ảnh hưởng với giới trẻ hoặc một nhóm độc giả khách hàng nào đó; có lẽ Facebook, Instagram, hay thậm chí Zalo, Twitter, Youtube, Tiktok sẽ là nơi đúng đắn hơn. Và lúc này, mục tiêu của bạn sẽ dẫn dắt lối đi và cách đi. Cả tông giọng, hình ảnh, format nội dung … Tất cả nhằm phục vụ cho việc “hót đúng chỗ cho đúng người”.
You attract what you are
Trong quá trình học về chiến lược và marketing, mình thích nhất khái niệm customer-driven và customer-led. Thông thường, chúng ta nghĩ mình nên làm nghiên cứu thị trường, để xem khách hàng đang muốn gì và họ đánh giá như thế nào về mình? Từ đó, ta sẽ tạo nên các sản phẩm dịch vụ hoặc xây dựng hình ảnh thương hiệu của mình cho đúng cái mà khách hàng muốn.
Nhưng không nên và không bao giờ nên như vậy, bởi nếu chúng ta dựa vào “ý kiến khách hàng”, ta đang đựa mình vào thế bị khách hàng dắt đi. Và khách hàng hay độc giả đều luôn luôn thay đổi. Chỉ có bản chất, DNA của thương hiệu, là tinh hoa của chúng ta mới bất biến nhất. Cái gì là core sẽ mãi mãi là core, có thêm mắm giậm muối thì vẫn còn cốt lõi ở đấy.
Và đây là lý do tối quan trọng khi làm branding: phải xuất phát từ DNA của bạn. Bạn là ai, là người như thế nào, bạn sẽ thu hút fans, những công ty, những đối tác với “vibe” như thế đó. Cũng tương tự cho các thương hiệu doanh nghiệp, tại sao Coca Cola lại có nhóm khách hàng khác với Pepsi? Đều cùng là nhãn hàng bán nước giải khát, nhưng rõ ràng Coca có nhóm đối tượng chững tuổi hơn so với Pepsi. Bởi tính cách người chủ thương hiệu và cái brand identity của hai tổ chức này là khác nhau.
You attract what you are là như vậy. Và nếu thực sự là vậy, tại sao không là phiên bản nguyên bản nhất của chính mình, khi xây thương hiệu cá nhân? Nó sẽ bền vững và đáng sống hơn rất nhiều đúng không?
Cọp chết để da, người chết để tiếng
Chính xác là như vậy. Thương hiệu cá nhân là cái ngày nào ta còn thở, ngày đó ta còn xây và phải giữ gìn. Nó giống như “cách bạn sống chính là thông điệp bạn muốn truyền đạt lại cho mọi người” vậy. Thương hiệu cá nhân chính là tất cả mọi thứ của bạn trong cuộc sống này, là lời ăn tiếng nói, hành động, là cả những thành tựu và thất bại, là cái ấn tượng mà mỗi con người trong cuộc đời này đi qua và có về bạn.
Nếu đã là như vậy, việc chấp nhận một hình ảnh cá nhân không hoàn hảo, có sai và có thể sửa là hoàn toàn bình thường. Thương hiệu cá nhân vì vậy mà sẽ đời, sẽ bền và sẽ luôn vận động. Một khi đã dũng cảm chấp nhận việc đó, bạn đã thoát khỏi việc theo đuổi một hình tượng đặt ra. Bạn đã bước đi trên con đường đi tìm và hiển lộ thương hiệu cá nhân của mình một cách rất tự nhiên rồi đó.
Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Bạn nghĩ sao về câu chuyện làm “Personal Branding”? Chia sẻ với mình nhé.
Norah VO
From Insights To Intelligence
Mấy hnay t trăn trở rất nhiều về câu chuyện personal branding thì đọc đc bài này. T cũng muốn làm branding xuất phát từ con người mình chứ ko phải để chiều lòng người khác nhg t vẫn đg trong giai đoạn khám phá chính mình nên hành trình làm branding chắc sẽ còn gian nan với nhiều thay đổi :)