Trong sáng tạo nội dung hoặc thậm chí là trong bất kì loại hình nội dung nào cũng vậy, mình nghĩ cái cốt lõi để khiến nội dung đó hấp dẫn là mạch chuyện và cốt truyện. Tại sao lại có “chuyện/truyện” ở đây?
Storytelling - kể như không kể với sự “thường tình”
Storytelling hay lối kể chuyện luôn luôn là thứ khiến chúng ta dán mắt vào theo dõi. Bởi tính hiếu kì của con người là một, bới thói quen thích nghe kể chuyện là hai. Mà thói đời tréo ngoeo, những tình tiết càng bình dị đời thường bao nhiêu, lực lượng người theo dõi lại càng hùng hậu bấy nhiêu. Tại sao? Tại nó đời, nó gần gũi, chân thực và dễ hình dung liên tưởng tới đại đa số chúng ta.
Lấy ví dụ một sitcom (phim truyền hình dài tập) nổi tiếng bậc nhất và vẫn còn sức quyến rũ gây nghiện cho tới ngày nay của màn hình Hoa Kỳ: FRIENDS. Bộ phim rất đơn giản, kể về một nhóm bạn quen nhau từ thuở sinh viên đến khi ra trường. Mỗi một tập phim là một vấn đề nào đó liên quan đến chuyện công việc tình cảm đôi lứa. Nhưng sợi chỉ đỏ nối liền các tập truyện với nhau là mối quan hệ bạn bè chân tình, vững vàng và bình an.
Mạch chuyện bình bình an an vui tươi hóm hỉnh của FRIENDS
Viết về chủ đề này vì mình khá bất ngờ rằng bản thân cuối tuần rồi khi ngồi lại xem các clip cắt nhỏ của FRIENDS, mình vẫn say sưa theo dõi mặc dù mình biết kết cục và phản ứng của các nhân vật như thế nào. Và mình chắc chắn có rất nhiều fan cuồng của FRIENDS cũng sẽ gật đầu với mình vì điều này.
Năm ngoái, 2021 một số phỏng viên và fan hâm mộ nhân dịp FRIENDS Reunion ra mắt đã phỏng vấn 2 đạo diễn của bộ phim này. Mình không ghi chú lại cụ thể lý do đằng sau các câu chuyện, nhưng mình nhớ cái chủ đích của cả hai là “tạo ra một không khí bình dân nhẹ nhàng không sex (như các phim Mỹ khác) của nhóm bạn tại New York xa hoa và lát cắt đời thường của họ.”
Drama có, nhưng bình dị kiểu súp gà cho tâm hồn cũng có, lồng ghép vào những pha gây cười ngớ ngẩn hoặc rất đặc trưng theo tính cách nhân vật cũng có.
Tóm lại thì, một mạch chuyện bình dị nhưng lôi cuốn vì nó “vừa đủ” là gia vị thành công của FRIENDS vậy.
Với một series phim truyền hình dài tập thì là vậy, nhưng những loại nội dung ngắn hơn cũng sẽ có những “công thức” ngắn hơn để vẽ đường cho tình tiết được phơi diễn chứ.
Công thức thuyết trình SCQA
Trước đây, khi đi làm tại các agency mà việc thuyết trình với khách hàng diễn ra thường xuyên, bọn mình được train một công thức để trình bày là SCQA. Đây là viết tắt của Situation (tình hình hiện tại) - Challenge (thử thách hiện tại) - Question (câu hỏi đặt ra) - Answer (câu trả lời để giải quyết). Có thể nói công thức này rất hợp lí với loại nội dung liên quan tới tìm kiếm giải pháp cho một vấn đề hóc búa của doanh nghiệp hay thương hiệu nào đó. Và nó cũng dễ kết nối với khán giả của các buổi thuyết trình bởi đa phần họ là những người làm kinh doanh, tư duy quan tâm đến “sản phẩm dịch vụ của bạn giải quyết được vấn đề của bọn tôi như thế nào?”.
Công thức bản đồ truy tìm dấu tích hung thủ của Only Murders in the Building
Một công thức khác mình cũng mới chộp được gần đây sau khi xem series Only Murders in the Building - một series phim có màu sắc trinh thám và truy tìm tội phạm. Đặc biệt của nhóm trinh thám này là họ là dân nghiệp dư và tự tìm kiếm dấu vết tội phạm một cách tự phát. Trong một lần trao đổi thông tin thu thập được với viên cảnh sát case này, nhóm trinh thám đã được vị cảnh sát tặng cho “bộ công thức” để lần theo các đầu mối.
Đó chính là The Who - The How - The Why - and the Why Now.
Tạm dịch ra là Ai (danh tính nạn nhân) - Bằng cách nào (án mạng xảy ra như thế nào) - Tại sao (nguyên nhân nó diễn ra hay điều gì kích thích án mạng này) - Tại sao sự vật sự việc lại diễn tiến như lúc này.
Và điều gì đã xảy ra bạn biết không? Sau khi sắp xếp tình tiết và chứng cứ theo công thức đó, nhóm trinh thám này vỡ lẽ ra rất nhiều vấn đề, gỡ rối được hướng đi tiếp theo của hung thủ và cuối cùng cũng tìm được đích danh người gây án mạng trong tòa nhà.
Chia sẻ lại ngắn gọn thì rất … ngắn nhưng khi theo dõi sau màn hình và đặt mình vào bối cảnh câu chuyện, suy nghĩ theo logic của “công thức” phá án thì bản thân mình cũng cảm nhận sự cuốn hút theo từng tập phim và chi tiết của nó hơn rất nhiều. Thế mới thấy sự lợi hại của nghệ thuật sắp đặt, cài cắm và dẫn nhập từ logic mạch chuyện cho đến thực hiện triển khai nội dung bằng ngôn từ và hình ảnh gần gũi với khán giả/độc giả quan trọng như thế nào.
STORYTELLING có powerful không?
Là một người thích nghe kể chuyện, mình thực sự cảm nhận tầm quan trọng của Storytelling trong hầu hết các loại hoạt động truyền thông hay sáng tạo nội dung. Nó đi từ những câu chuyện bedtime stories (trước khi đi ngủ), phim ảnh, nội dung quảng cáo cho tới các bài thuyết trình, workshop hay một tản văn, bài viết dài. Có thể hơi quá đáng khi nói nếu content writer nắm vững nghệ thuật kể chuyện, thì việc viết lách và sáng tạo của cây viết đó có khi đã đủ nuôi sống bạn rồi. Trong phạm trù của nghệ thuật Storytelling còn có nhiều kiểu kể chuyện hơn nữa tùy vào thể loại, khán giả và những công thức hay plot twist khác nhau nữa, nên nếu biết kể câu chuyện khéo léo, chẳng phải vừa lâng lâng theo cảm xúc vừa lâng lâng … nhìn tài khoản ngân hàng dâng cao hay sao? ^^
TÓM LẠI THÌ
Trên đây là một số “công thức” và điểm nhấn mình thu nhặt được từ
FRIENDS: mạch chuyện bình bình, vui tươi nhưng đời thường bình an
Thuyết trình theo công thức SCQA: dẫn dắt từ tình huống của vấn đề và cách giải quyết (Situation - Complication - Question - Answer)
The Who - The How - The Why - The Why Now: bản đồ thu thập chứng cứ để phá án
Còn bạn thì sao, bạn có nhận ra những “công thức” thường thấy khi xem phim, truyện hay đọc thể loại văn học nào không? Loại nào là kiểu yêu thích của bạn, chia sẻ với mình nhé.
Tui có thấy một cách kể truyện khá thú vị nữa đó là truyện trong truyện trong truyện...Đọc khá cuốn. Độc giả muốn đọc tiếp để nghe tác giả giải thích về 1 nhân vật/ sự kiện/đồ vật có trong câu chuyện trước chẳng hạn.