On Critical Thinking - Tư duy phản biện tập như thế nào?
Gợi ý 10 cách thực hành kỹ năng sống còn trong thời đại số
THINK là chuỗi bài viết về tư duy trong phân tích, cách nghĩ và các tư duy để bạn phát triển bản thân cho đến tư duy và hiểu về tâm lý hành vi.
Hello chào bạn.
Chúng ta đang trong giai đoạn giao mùa, Trung Thu đang tới và tháng 09 cũng khép lại vào cuối tuần này. Giai đoạn này của mấy năm về trước, chính xác là 7 năm về trước, đánh dấu là một trong những lần đầu tiên mình được trải nghiệm Tư duy phản biện.
Đó là ở lớp học đầu tiên của mình trong chương trình Thạc Sỹ Quản lý chiến lược tại Phần Lan. Đề bài mình nhận về làm hằng tuần là:
đọc các bài báo khoa học về các mô hình, học thuyết của các tên tuổi trong lịch sử ngành Quản trị, Chiến lược
và … đi tìm chỗ sai của các học thuyết đó.
Đối với một đứa nòi Việt Nam, được nuôi dạy và đi học ở trường công lập, mặc dù có va chạm văn hóa làm việc phương Tây trước đây, nhưng mình chưa bao giờ thấy mức độ thử thách não lại khó khăn đến thế.
Thậm chí, cô bạn cùng lớp và cùng nhà, nhỏ bạn thông mình nhất lớp, nó cũng bảo mình là “Tao chả hiểu mấy ông này muốn gì nữa. Học thuyết người ta nghiên cứu mấy chục năm, bao nhiêu công ty trường Đại học lấy ra xài giảng dạy cho sinh viên. Bây giờ kêu mình đi chỉ trích lỗ hỏng, chỗ sai của người ta. Kiếm đâu ra mà chỉ trích?”
Và nó sống với văn hóa Âu Châu, cũng bôn ba du học nhiều nước khác nhau rồi đấy.
Critical Thinking - Tư duy phản biện
Thật may là môn đó mình qua một cách ngoạn mục. Ngoạn mục vì giai đoạn đầu để đọc hiểu cả trăm trang báo khoa học hằng tuần đã ngốn rất nhiều nơ-ron căng thẳng. Từ hiểu để tiếp tục đi kiếm phốt của các học giả xưa cũ mà bắt bẻ để viết bài nộp thầy hằng tuần lại là một game khó nhằn hơn nữa. Thử thách chồng thử thách là vậy. Nhưng mình hiểu và thực lòng biết ơn, chính giai đoạn đó đã giúp mài dũa cách để tư duy và phản biện vấn đề.
Vậy thì tư duy phản biện là gì?
Nôm na, tư duy phản biện (hay còn gọi là critical thinking) là một quy trình làm việc của não bộ, liên quan tới chuỗi phân tích, đánh giá, xâu chuỗi thông tin và ý tưởng để hình thành nên các quyết định có căn cứ, dựa vào bằng chứng thông tin xác đáng. Đây là một kỹ năng liên quan tới tâm trí mà cá nhân mỗi người khi có được, sẽ học được cách tiếp cận vấn đề, các trường hợp, thậm chí các cuộc tranh luận theo một cách rất hệ thống và có logic.
Sở hữu tư duy phản biện sẽ giúp bạn vượt xa việc chấp nhận hay phủ nhận thông tin một cách thuần túy. Bởi nó bao gồm hàng tá việc khác như bạn sẽ tiếp cận thông tin bằng chất lượng thông tin, tự xác định lại thiên kiến và vẽ ra các kết luận có bằng chứng chính đáng.
Việc mình học cách lật lại góc nhìn, tập nghi ngờ và tìm ra các lỗi sai hoặc khả năng không còn phù hợp của các học thuyết xưa cũ nữa, chính xác là một cách thực hành tư duy phản biện.
10 cách thực hành tư duy phản biện
Thử thách hack não của mình vừa nêu là một ví dụ mà bạn có thể tham khảo, giúp bạn lật ngược cách nghĩ thông thường và cải thiện tư duy của mình. Đây cũng là hy vọng mình mong muốn đem lại cho bạn đọc bản tin - các cách để lật ngược tư duy vốn có của bản thân.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo và áp dụng các cách thực hành sau trong đời sống hằng ngày của mình để trau dồi tư duy phản biện nhé:
1. Đặt câu hỏi: hãy học cách đặt các câu hỏi xoáy sâu, để làm rõ thông tin, xóa bớt những “giả định” (như tôi tưởng/ tôi nghĩ là), và khám phá các góc nhìn khác lạ. Hãy tập hỏi “Tại sao”, “Như thế nào”, “Nếu như” khi tiếp nhận một thông tin nào đó.
2. Đánh giá bằng chứng: hãy kiểm tra lại các bằng chứng hoặc nguồn thông tin mà bạn được tiếp cận. Kiểm tra tính xác thực, mức độ liên quan của nó và chất lượng thông tin. Nguồn dẫn chứng và bối cảnh xảy ra thông tin đó là hai thứ rất quan trọng.
3. Phân tích: tập chẻ thật nhỏ, bóc tách vấn đề từ những ý tưởng phức tạp hay những câu hỏi hóc búa nhưng thật to. Hãy tìm kiếm pattern (các xu hướng lặp lại), các mối quan hệ qua lại, và những khả năng có thể xảy ra.
4. Giải quyết vấn đề: học cách xác định mấu chốt vấn đề, brainstorm đưa ra giải pháp và đánh giá mức độ khả thi cũng như hiệu quả của giải pháp đó.
5. Hạn chế phiến diện/thiên kiến: ai cũng có thế giới quan của mình, nhưng hãy luôn tự hỏi “liệu mình có đang nhìn theo chiều cá nhân?”. Hãy học cách đội chiếc mũ của người khác để phân tích và tư duy.
6. Tổng hợp xâu chuỗi thông tin: bằng cách gom nhiều nguồn thông tin lại với nhau để hiểu sâu sắc hơn một chủ đề nào đó. Khi bạn tạo lập được các kết nối về mặt thông tin có ý nghĩa, bạn bắt đầu xâu chuỗi được vấn đề.
7. Ra quyết định: khi bạn áp dụng tư duy phản biện để ra quyết định, đó sẽ là những quyết định well-informed. Nghĩa là chúng có logic, lý trí và được back-up bảo vệ với lý do rõ ràng.
8. Chiêm nghiệm: thường xuyên review, xem xét lại các thông tin bạn thu vào, các hành động bạn làm, các quyết định bạn đưa ra và nghĩ xem làm cách nào bạn có thể cải thiện nó tốt hơn.
9. Feedback: giống với việc mình kêu gọi seeding hay viết bình luận, hãy học cách tiêu thụ thông tin chủ động bằng việc tiếp nhận thông tin và để lại các bình luận. Khi làm việc này, bạn bắt buộc não bộ phải xử lý thông tin và đưa ra ý kiến cá nhân của mình.
10. Liên tục thực hành trau dồi: không có kỹ năng nào có thể gầy dựng qua một đêm, cũng như việc đọc mà không bao giờ làm cũng không thể giúp bạn có tư duy phản biện. Và nếu đã có thì bạn cần đưa mình vào môi trường để thực hành nó thường xuyên hơn.
Gợi ý thực hành tư duy phản biện đơn giản
Hãy bắt đầu ghi chép lại khi bạn áp dụng từng cách (hoặc trộn lẫn) các cách ở trên với nhau. Ngoài ra, bạn có thể:
tự challenge bản thân để tìm kiếm thông tin về một thứ gì đó và tổng hợp chúng lại. Ví dụ: hãy thử tổng hợp các bài viết về tư duy từ bản tin chuyên môn của mình, xem bạn xâu chuỗi như thế nào?
cho bản thân một giới hạn để thử thách trong việc lập luận hoặc nếu ý kiến. Ví dụ: một tuần bắt buộc phải đọc được 5 bài viết dài 1000 chữ và có ít nhất 5-10 bình luận về vấn đề mình đã đọc. Có chính kiến của bản thân.
chọn môi trường để thực hành tư duy. Ví dụ: hãy tìm các hội nhóm về phân tích hoặc các thử thách để “ép” bản thân vào môi trường thực hành phản biện nhiều hơn. Bạn có thể tham gia cộng đồng Everyday Insight, nơi bọn mình vừa hoàn thành một thử thách phân tích video content qua việc soi phim.
TÓM LẠI THÌ
Bản tin hôm nay chính xác là những gì mình muốn truyền tải từ những ngày đầu khi thành lập. Có điều mình mải chia sẻ về insight trong content hay những biểu hiện hành vi mà quên mất những điều khá nền tảng. Cho tới khi xem lại các hoạt động mình đang xây dựng trên group Everyday Insight và đọc chiêm nghiệm của các thành viên tham gia, mình sực nhớ ra bản thân đã áp dụng các cách thực hành tư duy phản biện trên đó lâu rồi.
Trong thời đại AI khắp nơi, việc luyện tập cho mình tư duy phản biện là điều bắt buộc. Nó không còn là cực kỳ quan trọng nữa, nó là kỹ năng sinh tồn nếu bạn muốn tiếp tục sống và làm việc trên thế giới số ngày nay.
Vậy nên, điều đầu tiên bạn sẽ làm để thực hành tư duy phản biện là gì?
Mình hy vọng bản tin hôm nay insightful với bạn.
Norah VO
From Insights To Intelligence
đồng ý 2 tay 2 chân. trong thời đại số này mà không rèn tư duy phản biện thì giống như sống ở thời nguyên thủy mà k biết lượm lá cây gì để ăn hay uống nước từ nguồn nào để sống vậy :) mong có thêm tips để chọn nguồn đáng tin cậy nhoa chủ thớt.
Quá hay! Cảm ơn e!