Chọn kiểu website gì theo lộ trình tiếp thị kinh doanh của bản thân?
Kênh truyền thông và kênh bán hàng, nên tách hay nên gộp?
CREATE: là chuỗi nội dung chia sẻ về cách làm từ sáng tạo nội dung, đến cách thu thập insights và kinh doanh tiếp thị hiệu quả.
Hello, chào bạn.
Sau bài chia sẻ về cách kết nối với độc giả hơn, mình nhận ra gợi ý “phong cách giao tiếp phù hợp” hay câu chuyện đa kênh, đa nền tảng cũng rất nhức đầu. Hơn nữa, sau một vài năm làm kinh doanh chuyên môn, mình ngộ ra rằng:
xác định ngách và sản phẩm mình sẽ bán là điều tiên quyết
sau đó hãy xác định kênh truyền thông chính để xây dựng mối quan hệ với khách hàng (xem 6 gợi ý xây dựng độc giả)
và tạo một nơi để trưng bày sản phẩm và bán là điều bắt buộc
Trong trường hợp bạn chọn truyền thông chính trên Facebook hay Tiktok, bạn vẫn có thể trưng bày hết sản phẩm lên kênh này bằng bio link hoặc tạo Shop trên đó. Nhưng bạn cũng hoàn toàn tách bạch ra như:
kênh truyền thông: Facebook
cửa hàng bán sản phẩm: website hoặc nền tảng e-learning
Mỗi nơi một chức năng cụ thể cũng là cách để bạn tập trung chuyên môn và tối ưu hóa nguồn lực.
Nhân dịp nhìn nhận lại hành trình viết lách và xây dựng độc giả của bản thân, nội dung hôm nay xin phép chia sẻ lại bài phân tích về “ngôi nhà số”, là blog - web hay portfolio cho người làm sáng tạo nội dung.
Cũng 2 năm trước, khi mình bắt đầu mua domain và ý định tạo trang web, mình đã bắt đầu với câu hỏi cái bản thân thực sự đang cần nhất lúc này là gì?
Điểm qua một lượt với mình nhé:
1. Không gian trải lòng hay nơi tập viết
Nếu là một nơi để viết và trải lòng, bạn có thể:
Tạo một page trên Facebook để viết và chia sẻ mà. So với việc mày mò lập một chiếc blog, dù là nền tảng nào đi chăng nữa, nó đều là một dạng kiến thức mới. Mình đã từng thờ ơ với việc lập blog mà mình tạo Page trước để thỏa chí viết lách và chia sẻ thông tin của bản thân. Nó gọn, nhanh và quan trọng là mình không bị trì hoãn nhu cầu được viết.
Tạo một tài khoản trên các trang blog miễn phí như wordpress, blogspot, wixsite vân vân mây mây nếu can đảm hơn và muốn thực sự bắt đầu ra riêng. Nói gì thì nói, nếu bạn còn tơ tưởng số likes, còm men ở Facebook thì hơi khó, nhưng nếu bạn thực sự muốn có một quyển nhật ký trên mạng, không-ai-đọc-được trừ bạn, thì mở ngay một trang blog miễn phí là rất hợp lý.
Không mất phí, có quyền tô điểm cuốn nhật kí riêng theo ý thích. Muốn gắn nhạc, clip, chứa hình ảnh như album các thứ cũng tiện hơn rất nhiều. Quan trọng là sau này lỡ có đổi ý thì bạn có quyền mua địa chỉ và đất để danh chính ngôn thuận xây nhà.
Đi viết dạo: mình từng có tài khoản Medium trước khi mình viết nhăng nhít trên trang Facebook riêng. Lúc đó, mình chưa biết wordpress có cho mở miễn phí để viết lách. Cơ mà đây cũng là một cách hay để bạn gia nhập một cộng đồng viết lách thật. Tùy thuộc vào mục đích, bạn viết để trải lòng cũng được mà bạn muốn viết lách kiếm tiền trên đấy cũng ok.
Bạn có biết có những cây viết thu nhập 6 số các kiểu cũng từ Medium không, nếu họ tập trung vào đúng ngách? Ngoài sân chơi đó ra, bạn có thể thử với Vietcetera, Spiderum, với Squiber v..v.. Nói túm lại, đây là cứu cánh cho những bạn muốn viết quá nhưng rất ẹ về kỹ thuật. Chỉ cần viết là vui rồi, có được nhuận bút nữa thì lại càng tốt. Có nhiều cây viết cũng bắt đầu từ đây để xây thương hiệu cá nhân đấy.
2. Portfolio danh mục sản phẩm hoặc dịch vụ như CV online
Nếu đang cần một chiếc CV di động hay một chiếc portfolio, bạn có thể:
Tạo một chiếc CV chỉn chu và một portfolio các dự án đã làm trên bất cứ nền tảng có-thể-chia-sẻ được: Nó có thể là dạng file mềm, nó có thể là một chiếc link sang xịn mịn. File mềm thì khá cổ điển rồi, nộp dạng PDF cho bất cứ ai cần, bỏ vào Google Drive, ai hỏi là có liền. Xong tất cả thì gắn vào bio link trên Instagram hay Facebook
Tạo hẳn một CV động và portfolio trên nền tảng thiết kế như Canva cũng có sao? Có người còn dùng ISSUU và share link như một tạp chí lưu động đấy. Với dân thiết kế thì Behance, với dân sáng tạo thì một chiếc clip giới thiệu bản thân trên Youtube lồng ghép hình ảnh mình đã làm. Bạn có tin các công ty bên này bây giờ hay kêu gửi một chiếc clip giới thiệu bản thân lắm không? Thời đại nghe nhìn visual rồi, đọc 10 trang chưa chắc bằng 2 phút ngồi coi chúng nó giới thiệu về nhau là vậy.
Chuẩn ngay từ đầu với LinkedIn: Đây chắc chắn là một kênh bạn không nên bỏ qua. Trên LinkedIn bạn đã hoàn toàn có thể khoe hết tất cả thành tựu từ mẫu giáo tới thời đi làm không? Lại còn các bài Featured Articles nữa. Đấy, nếu thích viết, có thể lên LinkedIn viết, vừa có dịp khoe với các khách hàng tiềm năng, vừa có cơ hội tỏa sáng ngay trong mắt nhà tuyển dụng. Suy cho cùng tạo CV với Portfolio là để kiếm việc mà phải không?
Tìm hiểu Notion và tạo nhanh một chiếc CV và Portfolio lên đó: Đây là một app mình cực kì cực kì khoái vì thiết kế tối giản nhưng siêu xịn của nó. Notion ngoài chức năng soạn thảo văn bản, bạn có thể quản lý dự án, lưu trữ ý tưởng, phân loại thông tin…
Và chức năng đỉnh của notion là bạn có quyền tạo lập nó như một chiếc website hoặc landing page, tùy vào óc sáng tạo của bạn. Tạo xong, quăng cái link ra bạn sẽ tự thấy mình oách xà lách thế nào. Notion cũng giống như những sản phẩm điện tử khác, bạn có thể tạo tài khoản miễn phí và tham khảo các template sẵn có theo ngành nghề. Nếu trót yêu sự thông minh và phong cách tối giản của ứng dụng này, thì mình nâng cấp sau cũng được.
Tạo một chiếc Landing Page nhanh, gọn, lẹ: Chính xác đây là kiểu thông dụng nhất mình thấy ở các freelancer bên này. Họ cũng có tên, có hosting; rồi họ ụp một chiếc landing page vào. Nó là kiểu trang web có một trang thôi, bao gồm thông tin Bạn là ai, Bạn cung cấp những gì, Bạn đã làm cho ai và họ thấy thế nào, Một số mẫu tiêu biểu nếu muốn và một nút CTA để người khác liên hệ bạn. Thế là xong. Không viết lách update nhưng rất chuẩn và bài bản. Các nền tảng như canva, wixsite, hay ladipage … nói chung đều giúp bạn được chuyện này.
→ Tạo xong rồi bạn có thể gắn link vào bio ở kênh truyền thông chính của mình.
3. Kinh doanh online tức là cần khả năng thanh toán
Những cách trên sẽ giúp bạn truyền thông hoặc giới thiệu bản thân, nhưng để bán buôn chắc hẳn bạn cần chức năng thanh toán:
Socialcommerce (thương mại xã hội): chức năng thanh toán như Facebook Shop, Tiktok Shop sẵn có. Bạn có thể tạo tài khoản Business và tiến hành gắn sản phẩm của mình vào.
Marketplace (chợ việc làm): từ sản phẩm vật lý cho đến sản phẩm tri thức, hãy chọn đúng nơi, như Lazada, Shopee cho tới Etsy, Amazon hay khóa học trên Brandcamp, Udemy, v..v..
Tạo website đăng sản phẩm: đây là lúc bạn muốn có “cửa hàng độc quyền” của mình, hãy tạo website riêng có chức năng thanh toán hoặc sử dụng nền tảng bên thứ 3 cho các khóa học trực tuyến chẳng hạn.
Website bán được sản phẩm nếu nhìn đúng theo công năng của nó, thực sự một chiếc Google Sheet có gắn link thanh toán và thông tin sản phẩm đã đủ để bạn triển khai rồi. Ban nhạc Portugal đã dùng Google Sheet làm website no-code và vẫn bán vé tour, album ầm ầm. Website của họ trông như này đây
Tóm lại thì, xây dựng độc giả là một và bán sản phẩm là hai. Cả hai thứ cần rõ ràng kênh triển khai. Bạn có thể tách bạch hoặc gộp lại, nhưng hãy luôn minh bạch chức năng của từng nơi, thì đoạn hành trình sẽ không quá gian nan.
Chúc bạn chọn được kênh ưng ý cho mình.
Norah VO
From Insights To Intelligence
*Bài này đã được mình đăng trên Advertising Vietnam gần 2 năm trước. Đọc lại vẫn đúng và … ô kìa giọng văn hồi đó thật khác. ^^