Hello,
Chào bạn. Nếu nội dung hôm trước chúng ta tập trung vào lợi ích của việc sử dụng link thu gọn, hôm nay chúng ta sẽ bàn thêm một chút về link profile.
Ví dụ minh họa lợi ích của link thu gọn
Trước khi đi vào phần link cài đặt cho profile, mình cũng muốn bổ sung một vài ví dụ để làm rõ lợi ích khi ta dùng link thu gọn nhé.
Ngoài việc nhìn thẩm mỹ hơn, khi dùng link thu gọn có domain của thương hiệu, khả năng gia tăng nhận diện thương hiệu cũng tốt hơn. Đây là tâm lý nhìn thấy sự lặp đi lặp lại của thương hiệu, để từ đó khách hàng cảm thấy quen thuộc và dễ nhận biết, có phần dễ tin tưởng hơn tới thương hiệu.
Trong ví dụ này, bạn thấy thương hiệu MrPencil đã gắn luôn phần tên thương hiệu của họ vào một link thu gọn cho mục tin tức với từ khóa “scoop”. Vì vậy, nếu thoạt nhìn qua, bạn sẽ thấy nó gần như là website chính của MrPencil, nhưng kì thực đây có thể là một website khác, nhưng tên gọi đường link này khi đọc liền vẫn “nghe” ra tên thương hiệu trong đầu bạn, phải không?
Cứ một lần tên thương hiệu lặp lại, là một lần khả năng nhận diện thương hiệu được gia tăng.
Một lợi ích khác của việc dùng công cụ quản lý các đường link thu gọn là việc quản lý. Nó gần như việc bạn truy cập vào Google Analytics để biết trong tất cả các nguồn dẫn vào website của mình, thì kênh nào đang đứng top. Ngoài ra, bạn cũng phân tích được profile của nhóm người vào trang web.
Tương tự, việc chọn một công cụ để thu gọn đường link và quản lý tất cả các đường link thu gọn này giúp bạn kiểm tra mặt bằng chung các nguồn dẫn, tỉ lệ mở link và thậm chí nội dung nào hay chiến dịch nào hoạt động hiệu quả nhất. Hiệu quả có thể so sánh giữa link chiến dịch A được click vào nhiều nhất hay link chiến dịch B có tỷ lệ hoàn tất form đăng kí cao nhất so với lượt mở link.
Link profile
Khi nhắc tới các đường link, mình nghĩ cũng cần ngó qua một chút phần link người ta hay để trên profile. Chức năng của link lúc này sẽ khác nữa, nếu ở trên là bạn từ một đường link dài ngoằn ngoèo vô nghĩa, sau khi qua xử lý, sẽ thu gọn lại gần bằng 3-tới-5-cụm-từ; thì link trưng ở profile là hình thức một link nhưng khi click vào sẽ trỏ ra nhiều link khác nhau.
Nói một cách dễ hiểu, nó giống như link trùm cuối vậy đó, nó sẽ xổ ra một loạt các link khác khi có ai đó bấm vào. Làm chuyện này để làm gì? Vẫn là câu chuyện tận dụng không gian tối đa trên nền tảng mạng và trưng bày tất cả các kênh truyền thông của bạn thôi.
Bạn sẽ dễ thấy ví dụ này trên Instagram, đơn giản vì profile Instagram chỉ cho phép để một đường link duy nhất. Thông thường người ta sẽ để website chính. Nhưng rõ ràng, nó sẽ không quá thuận tiện, đặc biệt nếu website đó bạn có rất nhiều thông tin. Chẳng phải nó sẽ yêu cầu người dùng bấm vào và ngồi lướt để lọc ra thứ bạn muốn nói tới hay sao?
Những năm trước đây, khi các thương hiệu chạy chiến dịch trên Instagram, bạn sẽ thấy thông tin đăng tải cách thức thực hiện v..v.. và họ sẽ nhắn “Đăng kí tại link profile nhé ạ.” . Có thể link profile lúc đó là landing page, hay là form đăng kí v..v.. nói chung là một link thôi. Làm chuyện này vì bạn không thể click vào link trong comment hay caption của post Instagram để xem được.
Nhưng chỗ nào có khó khăn, chỗ đó có cơ hội, và hằng hà sa số các giải pháp như link.tree (như cái mình đang dùng cho Instagram và Facebook) hay bạn cũng có thể dùng beacons.ai chẳng hạn.
Ví dụ tài khoản Instagram của mình và khi bấm vào đường link sẽ sổ ra như này. Mình cũng cài cho Facebook luôn một thể vì mình thấy nó gọn. Cái hay ở đây là mình có thể đưa ra nhanh hệ sinh thái các kênh truyền thông bản thân đang sở hữu, và người quan tâm sẽ dễ dàng đưa quyết định xem họ muốn theo dõi ở đâu.
Khác với link.tree hay link.me, bạn sẽ thấy các KOL hoặc những người chuyên làm affiliate sẽ dùng beacons.ai hoặc các hình thái tương tự. Tại sao? Đơn giản vì nó cho phép bạn cài cắm hình ảnh sản phẩm bên cạnh link sản phẩm. Bạn có thể sắp xếp theo thư mục khá gọn gàng và giới thiệu ngay và luôn với follower của mình các sản phẩm dịch vụ đang kinh doanh.
Một ví dụ về link profile của một bạn giới thiệu về sách. Ở đây bạn sẽ thấy có hình sản phẩm, có link để mua, và thậm chí có vài dòng review ngắn gọn. Nhiêu đây đủ để một người theo dõi bạn biết và đưa ra quyết định có mua hay không sản phẩm đó rồi. Nó tiện hơn một chiếc landing page cồng kềnh và không cần thiết.
TÓM LẠI THÌ
Với hành vi mua sắm online và lướt đọc thông tin mạng chớp nhoáng như ngày nay, việc hiểu cách sử dụng các đường link cũng rất quan trọng, đặc biệt nếu bạn nghiêm túc với hiệu quả sáng tạo nội dung và kinh doanh online của mình.
Sử dụng link ngoài thẩm mỹ ra, tất nhiên bạn cũng cần hiểu cách chọn công cụ uy tín, kiểm tra để đường link đó không kết thúc ở một trang web lạ hoắc, thậm chí có nguy cơ bảo mật dữ liệu.
Cuối cùng, khi đã bắt đầu nhìn nhận đúng về các đường link, mình tin bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy các luồng thông tin chảy trong thế giới số này. Để từ đó có lựa chọn theo dõi, đo lường và tối ưu hoạt động sáng tạo và kinh doanh của mình tốt nhất.
Bản tin tuần này có phần hơi trễ, vì mình vừa hoàn thành một thử thách quay video do đồng bọn tổ chức. Video mình chia sẻ về Actionable Insight và ví dụ cụ thể một Insight xài được trông như thế nào. Bạn có thể xem ở đây (để thấy bản tin ra trễ xíu nhưng không quá đáng trách phải không?).
Còn giờ thì cám ơn và chúc bạn những ngày cuối tháng 7 đầy năng lượng.
Norah VO
From Insights To Intelligence
giờ mới đọc kỹ bài của Ngọc nè. Tip nhỏ mà lợi ích bự ghê luôn. Cảm ơn N nhé