On FOMO - Sử dụng FOMO như thế nào cho hiệu quả?
Câu chuyện che mắt ngựa và trọng tâm vào tương lai
THINK là chuỗi bài viết về tư duy trong phân tích, cách nghĩ và các tư duy để bạn phát triển bản thân cho đến tư duy và hiểu về tâm lý hành vi.
Hello, chào bạn. Chào tháng 10.
Theme tháng 10 của bạn là gì? Bạn đã vạch ra cho mình đích đến của tháng này chưa?
Dạo gần đây, bầu trời nơi mình ở đổi thay rất nhiều, nắng không còn chói chang và mưa giăng rả rít, cùng những đợt gió lùa về theo cơn. Cái lành lạnh của trời mùa thu sẽ sớm thôi kéo thêm một tấm chăn dày cộp đen kịt lên toàn lãnh thổ vùng bắc này trong mấy tuần nữa.
Đây cũng là Quý 4 của năm 2023, còn với công ty mình, đây là Giai đoạn đầu của một năm tài chính mới - giai đoạn review và chuẩn bị.
Kiểu nào đi chăng nữa, với không khí tuần này, sự lơ đãng của tiết trời và sự hối hả của lòng người, không gì tuyệt vời hơn là bàn về tính tập trung hay câu chuyện của FOMO.
1. Tập trung là việc tự bịt mắt với những điều không cần thiết
Nói về sự tập trung, mình kể bạn nghe một câu chuyện mình đã một lần chia sẻ vào cuối năm ngoái: câu chuyện của những chú ngựa.
Bạn có biết vì sao những chú ngựa lại được che mắt không?
Mình còn nhớ hồi bé, chắc khoảng học lớp 4 gì đó, mình được ba dắt đi Đà Lạt cùng cơ quan của ba. Đó cũng là lần đầu tiên mình biết tới một nơi có nhiệt độ lạnh hơn hẳn nơi mình thường sống, Sài Gòn, là như thế nào. Và lần đó mình cũng được diện kiến một chú ngựa bằng xương bằng thịt mà nào giờ toàn thấy trên phim ảnh hay sách truyện.
Một người lớn với chiều cao bình thường tầm 1,7m khi đứng cạnh một bạn ngựa khỏe khoắn cũng đã thấy sự to lớn của con vật này. Nên với một con bé cấp 1 còn tuổi ăn tuổi lớn, đứng bên cạnh một con ngựa trưởng thành thì việc thấy sợ sợ là bình thường. Chưa kể lúc đó, vì tầm nhìn hạn hẹp, mình giỏi lắm là nhoi lên thấy cặp mắt tụi nó thôi.
Và lúc đó, mình thấy lạ. Chú ngựa nào cũng sừng sững mà sao người ta lại “che mắt” nó lại?
Ba mình trả lời đơn giản “Để tụi nó không hoảng sợ vì có nhiều người xung quanh quá.”
Chuyện cũng lâu rồi, và mình cũng tin đó là câu trả lời đúng. Cho tới hôm nay tự dưng lại tò mò “Nhưng có thật người ta che mắt ngựa chỉ để giúp bọn nó không hoảng loạn không? Còn gì nữa không?”
Còn chứ. Quanh đi quẩn lại là tầm nhìn của ngựa, chứ không phải đơn giản để chúng không hoảng loạn khi có nhiều người xung quanh đâu.
Trên đường đua, việc che bớt tầm nhìn sẽ giúp ngựa chỉ nhìn phía trước mà không chao đảo xung quanh. Đặc biệt, với những chú ngựa có phần quá khích, việc chắn tầm nhìn sẽ giúp bọn này bớt bị dao động mà chỉ tập trung phía trước.
Trong quá trình rèn luyện, đặc biệt khi những chú ngựa còn non và cần quen dần với nhiều loại địa hình khác nhau, thì việc che bớt tầm nhìn sẽ giúp các bạn này “bớt lo lắng” khi biết cung đường hằng ngày đã thay đổi. Tóm lại, khi tầm nhìn hạn chế, các bạn ấy sẽ bình tĩnh và tập trung.
Và cuối cùng là việc bớt hoảng loạn ở nơi đông người như lý giải ba mình đưa ra. Nếu để ý bạn sẽ biết tính cách của các chú ngựa sẽ ưa nhịp điệu của sự ổn định, các bạn ấy cần một không gian bình tĩnh, an toàn kiểu như cảm giác “nhà” ấy. Nên đặc biệt với các bạn ngựa biểu diễn hoặc là đầu tàu trong cỗ xe ngựa, thì việc đeo mặt nạ chắn là bắt buộc để ổn định tâm trí và đảm bảo không có rủi ro xảy ra cho con người.
(Nguồn: PetKeen)
Chẳng hiểu sao mình thấy cả ba lý do trên lại rất “con người” và rất bổ ích trong bối cảnh ngày nay. Điểm mấu chốt là bình tĩnh, tập trung và nhìn thẳng về phía trước.
Trong quá trình chuẩn bị thực hành, trên đường đua và ngay cả lúc đang “biểu diễn”, chúng ta đều cần duy trì một tâm thế bình tĩnh, tập trung và ngẩng cao đầu về phía trước.
2. Bàn tròn thảo luận về FOMO thứ bảy tuần rồi
Thứ bảy, 30.09 vừa rồi, mình có một buổi bàn tròn thảo luận về chủ đề FOMO với các thành viên nhóm Everyday Insight. Bọn mình đã chia 3 group để thảo luận:
Những người độc thân
Những bạn đã có đôi có cặp nhưng chưa có em bé
Những bạn đã có bé
Một điểm chung mà ai cũng đoán được “Dù cho bạn ở giai đoạn nào của cuộc sống, bạn đều có khả năng có FOMO và sống với FOMO hằng ngày.”
Với những bạn trẻ, FOMO là việc cầm điện thoại trên tay thiệt nhiều, lướt hàng giờ các tin tức xung quanh và chạy đua để theo học cho kịp các kiến thức mình còn thiếu. Điều này cũng tương tự với các bạn có đôi. FOMO len lỏi ở các thông báo noti từ mạng xã hội, là những thành tích của bạn bè đồng trang lứa. Và cuối cùng FOMO của các mẹ bỉm là việc nghe ngóng và theo dõi thế giới ngoài kia có gì và cần gì, để quay về chạy đua cho con mình, đảm bảo rằng nó sẽ không bị lỡ nhịp, sẽ không bị tụt hậu.
Hệ quả của các điều kể trên nhẹ là việc lơ đãng, mất tập trung trong công việc hoặc một vài việc nào đó. Còn nặng hơn là sự ăn mòn lòng kiêu hãnh tự tin của một cá nhân, là sự nghi ngờ giá trị của bản thân. Và có lẽ nặng nhất là sự bất an cho tới cảm giác một mình chống lại thế giới, hay câu chuyện chạy thật nhanh với cuộc đua mà mình không đăng ký. Thể chất từ đó cũng dễ kéo theo các hệ lụy khác tới sức khỏe.
Tất nhiên FOMO cũng có mặt tích cực. Chính vì FOMO mà một số kiến thức và thành tựu cá nhân đã được hoàn thành, vì chúng giúp chúng ta cầu tiến và phát triển hơn.
Tuy nhiên, FOMO như thế nào là đẹp cho cuộc sống và công việc lại là một câu hỏi khó?
90 phút bàn tròn thảo luận, bọn mình nhặt được nhiều ý, nhưng mỗi người chắc sẽ có câu trả lời riêng cho trường hợp của mình. Riêng với mình, câu chuyện xoay quanh:
Chấp nhận FOMO là một phần của cuộc sống. Nó tồn tại để nhắc bản thân cá nhân ta đang sống giữa một cộng đồng. Việc kiểm tra và thậm chí so sánh mình là điều không tránh khói.
Tuy nhiên, để biến FOMO thành động lực, bản thân nên chọn lĩnh vực để FOMO. Ví như việc phát triển toàn diện của một con người, mình muốn học bơi, võ thuật, vẽ vời, ca hát, ngoại ngữ cho tới tư duy phản biện v..v.. hay đơn giản là đi ăn buffet. Việc của mình là chọn trong 3 tháng, cần tập trung học cái nào; hoặc trong chiếc đĩa trắng, mình nên gắp món nào lên từ quầy buffet để ăn.
Khi đã xác định được giới hạn để FOMO, kiếm giải pháp cho riêng mình để tránh FOMO những thứ khác. Giải pháp đó bao gồm một hội nhóm để luyện tập thứ bạn muốn trau dồi, để thúc mông bạn. Hoặc đó là những app, những khung giờ làm việc tập trung. Cho tới dành ra thời gian làm việc với bản thân và nhắc nhở về con đường mình đang đi, về sự ĐỦ của chính cá nhân mình. Những thứ khác, lúc này sẽ là nice-to-have (có cũng được, không có cũng không sao).
TÓM LẠI THÌ
Một bài học mình ghi lại gần đây nhất là, trong quá trình thực hiện kế hoạch, hãy tập trung vào What (Bạn muốn đạt được điều gì) và Why (Tại sao bạn muốn làm nó); còn chuyện How (Như thế nào), When (Khi nào nó xảy ra) và Who (Ai sẽ là người cần xuất hiện) thì hãy linh động.
Đích đến không đổi, nhưng chuyện gì xảy ra trên hành trình có thể diễn ra khác cách bạn hình dung. Do vậy, tập trung vào mục tiêu phía trước, và linh động với quá trình, thì đích đến sẽ dễ chịu và gần hơn.
Câu chuyện chú ngựa, câu chuyện FOMO và câu chuyện về sự tập trung nhìn về phía trước có lẽ sẽ còn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Bởi vì nó đáng để chúng ta nhắc lại và động viên chính mình. Trên con đường phát triển bản thân, hãy cố gắng dành thời gian đều đặn để phản tư xem xét và nghiêm túc với sự phát triển, nỗ lực của chính mình.
Cám ơn bạn đã theo dõi. Chúc bạn một tháng 10 thật nhiều niềm tin và hy vọng.
Norah VO
From Insights To Intelligence
Hôm qua tôi viết một bài reflect sau ws FOMO bà ạ, nhưng chưa biết có nên public. Càng viết càng thấy là việc hiểu mình quan trọng như thế nào trong việc đối diện và quản lý FOMO.