Hello,
Chào bạn. Nhân sự kiện cộng đồng Everyday Insight đang tưng bừng kỷ niệm cột mốc 1,000 thành viên trong tuần này, có rất nhiều câu chuyện về cách insight hình thành và trở thành một phần cuộc sống đã được kể.
Trong không khí hân hoan nhưng lại ý nghĩa này, mình cũng ngồi lại để nhìn về chặng đường rong ruổi làm việc với insight của bản thân trong 10 năm qua. Bài viết hôm nay tạm gọi là Insight của mình về việc làm insight nhé.
Sau đây là các chiêm nghiệm về chữ Insight và cách mà nó đã thay đổi con người mình cho tới ngày nay:
1. Insight belongs to everyone. Insight không phải là độc quyền sở hữu của bất kì ai cả.
Không phải chỉ những người có mác nghiên cứu hay phân tích thì mới có insight.
Quả thực đây là bài học đắt giá của mình. Trước khi rời Việt Nam cho tới trước giây phút trò chuyện sâu để lấy tư liệu làm luận án, mình nghĩ CHỈ những người đọc hiểu phân tích dữ liệu như bảng biểu, số liệu hay xu hướng thì mới làm insight được. Cho tới khi mình nghe chia sẻ từ một Senior Product Designer người Thụy Điển.
Cô có trên 20 năm kinh nghiệm tư vấn cách thiết kế sản phẩm tại các tổ chức lớn trong vùng của mình. Sản phẩm ở đây bao gồm máy móc (như kiểu máy lạnh) cho tới gia dụng hay nội thất. Khi mình biết được quy trình nghiên cứu để ra sản phẩm của cô, mình kinh ngạc. Vì nó không giống với trí tưởng tượng của mình. Nó không đòi hỏi đọc báo cáo hằng hà sa số chữ chi chít hay số liệu, nó nằm ở sự quan sát, nằm ở kinh nghiệm trong ngành, khả năng đặt câu hỏi và giải quyết vấn đề.
Từ lúc đó trở đi, mình thực sự mở mắt. Mình thực sự nhìn thấy sự hiện diện của insight trong tất thảy mọi mặt của cuộc sống và doanh nghiệp. Và nó không độc quyền của bất kì ai cả.
2. Insight starts from empathy. Empathy starts from seeing me and you as human beings.
Insight bắt đầu từ sự thấu cảm. Thấu cảm bắt đầu từ việc nhìn nhận tôi và bạn đều là con người.
Trước đây, khi ngồi văn phòng và nhận các brief dự án nghiên cứu thị trường, thật dễ để mình hay đội ngũ xác định đối tượng cần nghiên cứu. Nhưng khi mình bắt đầu “ra đời”, mình cần học cách xác định trọng điểm và đối tượng cần tiếp cận. Đặc biệt nếu bạn tư vấn truyền thông hay kế hoạch kinh doanh cho các công ty B2B, những tưởng đối tượng đó là “cả một công ty” hay những con người có cuộc sống xa hoa kiểu top của top, thì làm sao đây?
À, sau vài lúc bấn loạn và sức ép của target, mình đã hiểu rằng cho dù đối tượng là ai đi chăng nữa, từ nguyên một tổ chức cho tới cá nhân là khách hàng, hay cả là chính bản thân bạn, tất cả đều là con người. Và insight bắt đầu khi sự thấu hiểu và đồng cảm ở mặt con người với nhau.
Tỉ như một lãnh đạo cấp cao thì ngoài thời gian dời sông lấp núi, họ cũng là một con người, họ cũng có những trăn trở của người mẹ, người cha hay họ cũng có những phút mệt mỏi áp lực gánh target nuôi một đàn nhân viên. Cho nên với mình, làm việc với insight chạm nhất khi bạn thực sự sống và cảm nhận được phần con người của mình nhiều nhất. Bởi chúng ta, cho dù đội cái nón nào đi chăng nữa, đều là con người.
3. Insight chân chính không có chỗ cho cái tôi bản ngã.
Insight phải xuất phát từ sự thật, được đúc kết và chiêm nghiệm để đưa ra lý giải hợp tình hợp lý tại sao một điều gì đó lại xảy ra. Insight vì vậy không dung túng cho người đem cái tôi bản ngã khi phân tách dữ kiện. Tất nhiên thiên kiến trong quá trình đúc kết diễn giải vẫn có, đó là điều khó tránh khỏi. Chính vì vậy, một insight càng áp dụng giải thích được cho nhiều trường hợp bao nhiêu, insight đó càng đắt giá bấy nhiêu. Mà một khi nhiều người thấy mình trong đó, thì cái tôi cá nhân chắc chắn không thể tồn tại khi bắt đầu làm việc với insight.
Đây cũng là một bài học thấm thía với mình. Nếu ví con đường tìm kiếm insight bắt đầu từ khả năng thấu cảm hay lòng trắc ẩn, thì cái rây để sàng xem insight đó có chính xác hay đắt giá lại nằm ở cái tôi bản ngã của mỗi người.
Tại sao ư? Theo mình, insight không có đẹp hay xấu, không có tích cực hay tiêu cực, nó là một sự thật. Mà sự thật không nên và chắc chắn không được che lấp bởi lớp màng của bất kì ai cả. Để làm được chuyện đó, trước hơn hết, người làm việc với insight nên cẩn trọng với cái tôi của mình. Họ cần tỉnh táo để hiểu chỗ nào mình đang thiên kiến. Càng cẩn trọng bao nhiêu, bạn càng sàng lọc ra được nhiều insight quý giá bấy nhiêu. Còn thực thi nó như thế nào là câu chuyện khác.
4. Insight có thể được tìm thấy ở bất kì nơi đâu. Việc vận dụng insight đó vào chuyện gì phụ thuộc vào người biết dùng nó ra sao.
Đây là ý nối dài của kết quả nêu trên. Trong một bài chia sẻ của Lan Phương cho sự kiện 1k thành viên của nhóm, câu chuyện của bạn có đề cập tới “insight cũng có thể được điều hướng”. Và dòng chia sẻ này làm mình thấy thú vị, vì góc nhìn này mình chưa bao giỡ nghĩ tới. Chính xác thì bạn đã viết như sau:
“Insight có tính điều hướng. Như câu chuyện về chiếc sao băng của mình vậy. Chỉ cần insight đánh đúng vào điều - khách - hàng - muốn - tin, chiến dịch của bạn sẽ Win.”
Chuyện sử dụng thông tin hay chỉ số để điều hướng dư luận và phục vụ cho lợi ích của mình chắc là ý của bạn. Cũng giống trường hợp các báo cáo nhận về khi bạn thấy thông tin đưa ra có vẻ một chiều, hoặc bị giấu nhẹm đi một phần nào đó. Ví dụ nhé: như báo cáo từ Google chỉ ra rằng người ta chi nhiều tiền hơn cho video trên Youtube, người ta chi nhiều tiền hơn chạy quảng cáo các từ khóa “tốt nhất”, “xịn nhất” v..v.. và Google khuyến cáo hãy đầu tư vào video ngắn trên Youtube hay dùng các từ khóa xu hướng. Thì đây có thể gọi là một kết luận và thông tin mang tính điều hướng. Nhưng đây không phải là insight điều hướng.
Nó là một sợi chỉ mỏng trong việc tiếp nhận thông tin. Trong ví dụ mình bịa ở trên, bạn sẽ thấy nếu kết luận trong tất thảy các nội dung mà Google đang làm chủ sở hữu, thì video đang có xu hướng như này, tương tự với keyword. Nó không đại diện cho các nền tảng video khác hoặc các công cụ tìm kiếm khác. Đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai, insight tức là kết luận tại sao chuyện gì đó xảy ra, nghĩa là nếu trong báo cáo đấy Google có giải thích thói quen xem video chủ đề du lịch tăng vì abc hay hành vi tìm kiếm thông tin “xịn nhất” tăng vì xyz thì nó là một insight rồi. Nó không điều hướng bạn làm hành động nào khác cả.
Cho nên là, thông tin có thể điều hướng. Nhưng insight thì không. Nếu bạn cảm giác nó đang điều hướng thì đó là một dạng câu khẳng định, diễn giải lại với vỏ bọc của lợi ích cá nhân. Mà vậy thì nó không phải là insight.
5. Your truth can change. Sự thật của bạn có thể thay đổi.
Là sao? Ừ, sự thật của mỗi người sẽ thay đổi theo từng thời điểm, bởi vì bạn thay đổi, nhân sinh quan của bạn thay đổi và cách bạn cắt nghĩa diễn giải insight sẽ thay đổi. Như lúc mới biết nói, ba mẹ nói gì đều là chân lý. Tại vì những gì họ đã trải qua đều đúng và áp dụng với bạn được hết. Nhưng lớn lên, chuyện trường lớp mối quan hệ cá nhân, những gì người lớn nói sẽ đúng một phần, phần còn lại sẽ do bạn tìm cách giải quyết.
Insight của cá nhân đã có thể thay đổi như vậy, thì insight về khách hàng của tổ chức, thị trường sẽ còn có thể thay đổi ra sao nữa. Cái này bạn tự hiểu ha.
TÓM LẠI THÌ
Insight muôn hình vạn trạng tùy vào tâm vào cách từng người bóc tách ra nó. Nhưng nếu đã gọi là insight thì nó là đời, là người. Insight không ích kỷ, không có chỗ cho cái tôi ngạo nghễ. Làm việc với insight chính là làm việc với bản thân và những con người xung quanh, để hiểu cách sống, cách nghĩ và cách cảm thụ của nhau. Có dành thời gian để chiêm nghiệm, mới có những lớp insight sâu và rộng. Để sống và làm việc với mình, với nhau tốt hơn. Chính vì vậy, hành trình tìm kiếm insight là một hành trình trọn đời. Và đó là câu chuyện, là insight đã làm nên con người mình, cho tới ngày nay =)
Mình tin ai cũng có ít nhất một câu chuyện, một lần ngộ ra thứ gì đó để rồi nó hình thành nên chính con người mình ngày nay. Bạn đã “nghe” câu chuyện của mình rồi đó, còn của bạn thì sao? Nếu muốn, hãy chia sẻ với mình nhân dịp Everyday Insight chào đón 1k thành viên tại đây nhé.
Cám ơn bạn. Chúc bạn thật nhiều năng lượng.
Norah VO
From Insights To Intelligence
Đọc bài này xong tự nhiên nhớ, sáng nay đi làm nhìn thấy một bà bầu đi qua đường, tự nhiên nghĩ hồi xưa mang bầu khổ ơi là khổ. Khổ nhất là đi bệnh viện, đi vào các công trình công cộng mà tìm bác Will Cường khổ ơi là khổ. Thường xa muốn xỉu. Xong quay ra ai oán ông KTS này chắc chưa vợ con gì, hoặc cắm cúi làm kiểu duy mỹ, chả quan tâm gì đến công năng sử dụng thực tế. Còn tỷ thứ khác nữa, như lắp thang máy cửa hẹp, ghế chờ xếp sát như trên máy bay... Dường như không có ngành nghề nào không cần hiểu insights vậy, đặc biệt là những ngành tạo ra sản phẩm dành cho số đông thì tác động của việc hiểu cái mình đang làm để làm gì, phục vụ ai càng quan trọng ha.