Hello hello,
Một chút thông báo. Tuần sau mình sẽ bắt đầu trả lời dần những thắc mắc về việc tìm kiếm và phân tích Insight nói chung, cho đến những thứ khác về xu hướng, tư duy hay việc sáng tạo nội dung. Mình sẽ tiếp tục cập nhật câu trả lời (ít nhất là một tháng một lần nếu có ít câu hỏi quá) qua mục Insight Q&A.
Nếu bạn có câu hỏi về 3 chủ đề trên:
tư duy phân tích: cách học, cách nghĩ, cách v..v..
sáng tạo: cách làm nội dung
đánh giá, xu hướng v..v..
thì hãy email trực tiếp, comment hoặc điền vào form này nhé. Bạn cũng tìm thấy form trong mục chữ ký ở mỗi bài viết.
Chào bạn. Tuần lễ Valentine, tuần lễ tình yêu có ý nghĩa gì với bạn không?
Bạn có biết rằng Valentine cũng là thời điểm “chia tay” phổ biến nhất, bên cạnh dịp lễ Giáng Sinh? À ha, khi nghĩ tới thống kê này, mình cảm thấy rất thú vị. Một nghịch lý hay một sự thật ngầm hiểu rằng, những dịp lễ lạc mang tính yêu thương là những lần người ta có dịp:
review lại mối quan hệ của mình
và nghía qua những cặp đôi khác xem họ làm thế nào
Kết quả là, ngày tình nhân lại là ngày review phổ biến, nhất là “Quen nhau bao lâu rồi mà không hiểu tính em/anh?” Và một dãy domino cảm xúc kéo theo, khéo léo thì làm hòa và mối quan hệ bền vững hơn, không khéo thì bo bo xì nhau đường ai nấy đi.
Bài viết hôm nay của mình sẽ không đề cập tới chuyện yêu đương, vì mình không phải chuyên gia. Nhưng nhắc tới Valentine, mình nghĩ tới một số video clip cầu hôn đã từng viral, đình đám nhất (với mình) là một màn nhảy flashmob tại công viên Disneyland.
CẦU HÔN là thông điệp chung, nhưng kênh phân phối nội dung cũng còn tùy
Chú-rể-to-be đã dẫn bạn gái đi chơi công viên, và thình lình tham gia vào một nhóm nhảy đường phố đang hoạt động lúc đó. Cú twist là khi chàng trai trở thành nam chính trong màn nhảy nọ. Và cuối cùng là chàng ta cầm một chiếc nhẫn cưới cầu hôn cô gái sau khi màn trình diễn kết thúc, bao vây bởi các vũ công xung quanh và một tràng pháo tay ngưỡng mộ từ người đi đường.
Mình không biết các cô gái khác nghĩ sao, nhưng mình đoán sẽ có nhiều phản ứng:
phấn khích vì cảm thấy được trân trọng. Bạn trai dành hẳn thời gian để tập tành và phô diễn khả năng nhảy nhót điệu nghệ, lại còn làm cho buổi cầu hôn ấn tượng, có bao nhiêu người biết tới. Cảm giác tự hào tột độ, có cái để khoe mạng xã hội nữa.
“ơ, ngại muốn chết” và không thích một sự kiện quan trọng của hai đứa lại để bàn dân thiên hạ có dịp biết tới. Cảm giác đường đột mặc dù có thích thú, nhưng vẫn cảm thấy nên giữ cho riêng mình. Hoặc có thì chỉ chia sẻ cho một nhóm bạn bè người thân thật thân xung quanh thôi.
“ơ hay, chuyện của hai người tại sao lại xé ra to thế này. Chưa kịp suy nghĩ gì cả, vả lại cũng chưa muốn cưới hỏi gì bây giờ. Làm thế này chẳng khác nào đánh úp bà. Dẹp. Dỗi!”
. . .
Tất nhiên sẽ còn nhiều kiểu phản ứng khác nhau nữa, tùy vào người cầu hôn HIỂU TÍNH CÁCH của người được cầu hôn thế nào, để mà truyền tải thông điệp đó hiệu quả nhất.
Như vậy bạn sẽ thấy:
Thông điệp chính: CẦU HÔN
Đối tượng: người yêu
Cách thực hiện: TÙY VÀO TÍNH NGƯỜI YÊU và TÍNH CÁCH CỦA MÌNH
Xét ở góc độ người làm content và sáng tạo nội dung, case cầu hôn với mình thật sự rất thú vị. Nó thực sự thể hiện bạn hiểu rõ đối tượng của mình thế nào, và cách bạn thực hiện kế hoạch của mình ra sao nữa. Gọi là hiểu insight và biết cách phân phối nội dung đúng nơi, đúng thời điểm.
Với anh chàng ở trên, người yêu đã xúc động và rưng rưng nhận lời cầu hôn. Nhưng tưởng tượng chỉ một trong những thứ sau khác đi:
thời điểm yêu đương chưa chín muồi (với đối tượng được cầu hôn)
tính cách người kia thích kín đáo hoặc không gian lãng mạn, đẳng cấp
thì câu chuyện có khi đã dẫn đến một kết thúc khác.
Chung quy lại, với người làm content, đây chính xác là cái chúng ta hay lăn tăn: chọn KÊNH phù hợp với đối tượng độc giả. Đặc biệt, điều này sẽ khá mơ hồ với những bạn lần đầu “come-out”. Rõ ràng, bạn có cùng một thông điệp muốn truyền tải, cùng một nhóm đối tượng, nhưng chọn kênh nào để đẩy nội dung lại tùy vào tính cách của bạn và tính cách sở thích của đối tượng.
VẬY LÀM SAO ĐỂ BIẾT KÊNH MÌNH CHỌN LÀ ĐÚNG?
Nếu trả lời một cách “hoa hậu thân thiện”, chúng ta sẽ có những kết quả kiểu như: ;
hãy đi Facebook nếu bạn viết nội dung dài và tiếp cận đối tượng hơi chững tuổi
hãy đi Instagram nếu bạn thích chơi reels và ảnh ọt và tiếp cận đối tượng nữ, thích cái đẹp
hãy đi Tiktok nếu bạn thích video ngắn, theo trend và tiếp cập đa số GenZ cho tới nhóm lớn hơn
v..v..
Mỗi nền tảng sẽ có một công thức và nhóm đối tượng để bạn nhắm tới. Bản thân bạn cũng nên hiểu bạn đang sử dụng nền tảng nào thường xuyên nhất và tại sao? Đa phần, kênh bạn nên chọn sẽ là kênh bạn sử dụng nhiều nhất, bởi vì:
bạn đặt mình vào vị trí người dùng/tiếp nhận thông điệp
bạn cũng có cái nhìn trực quan về những luồng thông tin gần giống với cái mà bạn sẽ tạo ra (tóm lại là đối thủ cạnh tranh)
hành trình sáng tạo nội dung cũng vui thích hơn vì thực ra bạn đang chơi một cuộc chơi mà bạn tự tạo luật lệ
Vậy là chọn kênh nào mà bạn thân quen nhất để sáng tạo. Còn gì nữa không? Còn chứ, chọn xong rồi thì chúng ta thường không đăng hoặc đăng rất nhỏ giọt vì những rào cản :
sợ người thân, đồng nghiệp bạn bè biết (nỗi sợ không hòa nhập)
sợ không phù hợp với đối tượng mình nhắm đến (vì không thấy tương tác và ngó sang những người xung quanh để so sánh)
không biết nội dung mình viết ra có bị tẩy chay hay không (không tương tác mà nội dung lại khác với ngày thường bạn đăng)
v..v..
Đặc biệt với những bạn hướng nội và làm sáng tạo nội dung, việc dùng ngay account cá nhân của mình để chia sẻ là một điều cực kì thử thách.
Nếu bạn chia sẻ những triết lý yêu thích trong cuộc sống hay những thứ đời thường thôi nhưng cũng đôi khi khó khăn hơn hình ảnh ăn uống, check-in rồi. Nếu bạn lại hoạt động trong những ngách chuyên môn, thương mại (như mình) thì việc chia sẻ trên trang cá nhân lại còn nhạy cảm hơn.
“Liệu mình có dạy đời người khác không?
Liệu mình có làm được những gì mình đang viết không?”
Thú thật, mình từng có câu hỏi này và hiện nay vẫn chỉ trả lời được một phần thôi. Cái giúp mình nhìn nhận lại sự việc thực ra gói gọn trong những câu hỏi sau:
Liệu thứ mình đang tạo ra có đáng để đọc không?
Và mình có muốn cho cả người thân, bạn bè, gia đình biết mình đang hoạt động ở lĩnh vực này không, nếu kênh truyền thông mình chọn cũng tập hợp mạng lưới này?
Nếu nội dung của mình nửa nạc nửa mỡ, nghĩa là sẽ có những người quan tâm tới nội dung của bạn và cũng có những người thực sự không quan tâm, thì lúc này bạn hãy tự tạo một chiếc phễu cho chính mình.
Bạn có thể chọn tiếp tục chia sẻ chuyên môn và cởi mở với tất cả mọi người. Hoặc bạn có thể xác định % đối tượng bạn đang tiếp cận được có quan tâm tới ngách của mình hay không. Từ đó hãy quyết định cho mình một kênh để chia sẻ thông điệp.
Nhưng làm gì đi chăng nữa, thì điều tiên quyết bạn phải trả lời được với thâm tâm mình rằng Nội dung bạn tạo ra có đáng để đọc không? Ít nhất là với bạn.
Bởi một khi bạn tự tin vào giá trị mình đưa đi, bạn mới bắt đầu chia sẻ. Còn chuyện chia sẻ đúng nơi, đúng người . . . chắc chắn sẽ cần một chút kiên nhẫn, một chút can đảm và bạn sẽ điều hướng được.
Cũng như câu chuyện CẦU HÔN, liệu việc dàn dựng nhảy múa có đáng hay không? Nếu đáng vì đó là cách bạn thể hiện tốt nhất cảm xúc của mình và gây ấn tượng với đối phương, thì việc chọn kênh public (tại công viên) hay semi-public (tại bãi biển vắng người qua lại) hoặc private (tại sân vườn sau nhà), sẽ cần bạn điều nghiên để hiểu mình và đối tượng tiếp thông điệp.
Chọn thế nào cũng được, hãy bình tâm làm và kiểm nghiệm, rồi mọi thứ sẽ dần thoải mái hơn. Chọn một thứ bài bản để làm cũng tốt, nhưng tốt nhất là làm việc cần làm. Tặng bạn một chiếc động lực mình tìm thấy trong lúc mải mê phân tích và ngập lụt với sự bài bản.
Bạn cũng có thể tặng lại mình một chiếc vote cho kênh thông tin bạn mong muốn thấy mình xuất hiện nhiều hơn. Mình sẽ để vote trong 1 tuần nhé.
Chúc bạn và mình có một chút quyết tâm, một chút can trường để những nội dung “đáng” sẽ được nở hoa.
Norah VO
From Insights To Intelligence
t cg thấy là chia sẻ trên trang cá nhân ko dễ dàng nhg nếu vượt qua đc nỗi sợ ban đầu và tập trung vào ndung chất lượng thì sẽ là phễu lọc tốt