Bóc tách nỗi đau và biểu hiện hành vi con người
Câu chuyện của sự TRỐNG RỖNG và cách con người ta lấp đầy nó
Hello, chào bạn.
Hôm nay chúng ta lạm bàn một chút sâu hơn về nhu cầu xoa dịu nỗi đau của con người nhé. “Emptiness” (Sự trống trải) là keyword mình bắt được trong một bài nói trên TedTalk nghe được trong tuần rồi của Dr. Gabor Maté. Với những người đã biết và theo dõi chút ít về healing hay tâm lý, có lẽ cái tên này không mới. Còn mình thì đây là lần đầu tiên biết về ông.
Dr. Gabor Maté là một bác sỹ y khoa, đồng thời là tác giả sách và người diễn thuyết trên nhiều diễn đàn khắp thế giới. Nội dung mà ông nghiên cứu tập trung sâu vào addiction (sự nghiện ngập), trauma (các vết thương nỗi đau trong quá khứ), về sự ảnh hưởng của ấu thơ hay vết thương lòng lên việc phát triển tính cách của một con người, về mặt tâm sinh lý. Ông là người Hungary, được sinh ra ngay trước khi Hitler đặt chân sang đất nước này. Hiện tại ông sống và làm việc ở Canada.
Mình có chút đắn đo khi chia sẻ bài viết này trên một bản tin chuyên môn về insight. Nhưng với những gì bản thân thu nhặt được, mình nghĩ nó cần thiết và liên quan rất nhiều tới việc chúng ta phân tích và nhìn nhận về biểu hiện hành vi của một ai đó.
(Lưu ý: đây là một bài viết khá dài so với bình thường, hãy sắp xếp thời gian khi đọc nhé)
Để có những kết quả khác thường, bạn cần lật ngược tư duy và xoay chiều câu hỏi nghiên cứu
Vỏn vẹn trong gần 20 phút, ông nói về The power of addiction & The addiction of power (Quyền năng của sự nghiện ngập và Cơn nghiện quyền lực). Khi chia sẻ về các phát hiện của mình trong quá trình nghiên cứu các bệnh nhân nghiện ngập, ông được họ kể lại khá nhiều câu chuyện và lý do đằng sau cái hành vi mà người đời có phần kinh tởm. Có nhiều câu thuật lại khiến mình suy nghĩ sâu hơn, mình sẽ lần lượt trích dẫn trong bài chia sẻ hôm nay nhé.
“I’m not afraid of dying. I’m afraid of living” (Tôi không sợ việc chết đi. Cái tôi sợ là việc phải sống) - một bệnh nhân đã từng nói với ông như thế.
Câu hỏi mà ông đặt ra là: Cái gì lại khiến cho họ sợ hãi với cuộc đời như vậy? Khi chúng ta phân tích về sự nghiện ngập, cái chúng ta cần bóc tách không phải là “Nghiện ngập là một việc làm sai trái và xấu xí như thế nào?”, mà nó nên được hỏi lại rằng “Những con nghiện tìm kiếm điều gì ở hành động nghiện ngập của mình?”
Chính xác thì “Họ đang muốn đạt được thứ gì? Thứ mà chỉ khi nào sử dụng các chất gây nghiện thì họ mới tìm được thôi? Không còn một cách nào khác có thể giúp được họ?”
“The first heroin I got, it felt like a soft hugging to me” (Tôi còn nhớ lần đầu tiên khi dùng heroin, nó cảm giác như một chiếc ôm nhẹ nhàng vào cơ thể này vậy) - một bệnh nhân nữ đã nói như thế với ông.
Cái mà họ, những con nghiện, tìm kiếm ở các chất kích thích là một cảm giác để giải phóng nỗi đau. Đó là thứ cảm giác giúp họ cảm thấy mình đang có quyền kiểm soát, đó là một cảm giác calmness (sự trấn tĩnh bình an). Tóm lại, đây là các pleasure - loại cảm giác lâng lâng hưng phấn mà họ chỉ có thể tìm thấy chúng ở những giây phút nhất thời thông qua chất kích thích thôi.
Một câu hỏi tiếp tục đặt ra, tại sao các loại cảm giác này (như sự kiểm soát, sự bình an v..v..) lại không tồn tại với những con nghiện?
Nếu ta nhìn sâu vào bản chất của vấn đề, họ thực ra đang tìm kiếm các viên giảm đau cho chính mình. Mấu chốt của vấn đề là nỗi đau, chứ không phải cơn nghiện.
Nếu nhìn rộng ra, một sự nghiện ngập cũng có nhiều mức độ khác nhau. Đó là nghiện internet, nghiện xem TV, nghiện mạng xã hội, nghiện shopping, nghiện tình dục cho tới nghiện làm việc, nghiện âm nhạc, nghiện ăn uống v..v.. Tất cả những hành vi này nếu diễn ra không kiểm soát hoặc nhiều hơn liều lượng bình thường thì đó là một hình thái của nghiện rồi.
Nói một cách trần tục nhất, mặc dù nhìn qua những người nghiện thuốc bị xã hội xa lánh nhưng những người nghiện quyền lực cũng không khác gì mấy động cơ và biểu hiện hành vi bên ngoài. Nhưng chiếc áo mà mỗi người khoác lên lại khác nhau và điều đó làm chúng ta phân biệt rạch ròi giữa họ và ta. Thực chất ra chẳng khác nhau là mấy.
Bạn có thể nghe nguyên bản gốc qua chiếc video clip mà Dr. Gabor đã chia sẻ ở đây nhé.
Từ biểu hiện triệu chứng cho đến phương pháp nghiên cứu hành vi
Để nghiên cứu các động cơ đằng sau biểu hiện này, Dr. Gabor khẳng định bạn không thể nhìn vào bộ mã gen DNA của một người, mà bạn phải nhìn vào cuộc đời họ. Cụ thể là vào giai đoạn ấu thơ vì đó là khi mọi chuyện dần hình thành, vào những biến cố và lý do đưa đẩy họ đến quyết định và lối sống như hiện tại.
Bản thân bác sỹ Gabor cũng thừa nhận ông là một người nghiện công việc và nghiện âm nhạc. Động cơ phía sau của sự nghiện ngập này bắt nguồn từ khi ông vừa sinh ra. Lúc ông khoảng 2-3 tháng tuổi, Đức Quốc Xã đã bắt đầu nạn diệt chủng tại các nước Đông Âu.
Ông sinh ra trong một gia đình Do Thái tại Hungary. Mẹ ông đã suốt ngày ôm con khóc, bà nhờ những người xung quanh chăm sóc con trai mình vì đứa trẻ cũng liên tục khóc. Bà đã hỏi người chăm trẻ là “Tại sao con tôi cứ khóc vậy?” nhưng hàng trăm đứa trẻ khác cùng tuổi ông, chúng cũng khóc liên tục thôi.
Chúng khóc không phải vì chúng biết đang có chiến tranh, cũng chẳng phải chúng biết Hitler là ai. Chúng khóc vì cơ bản người thân cận nhất, người sinh ra chúng và cho chúng ăn luôn luôn căng thẳng, luôn sầu não và luôn khóc trước mặt chúng.
Với một đứa trẻ, đó là dấu hiệu của việc unwanted (không được chấp nhận). Và với ông lúc đó, ông dần lớn lên với suy nghĩ “Nếu họ không muốn tôi, thì chí ít họ phải cần tôi.” Đây chính là động cơ cho thái độ làm việc quần quật, là lý do cho chứng nghiện việc. Bởi đây là niềm tin khi lao đầu vào công việc, ông sẽ trở thành người có giá trị và người thân xung quanh không thể ngó lơ mình được.
Về mặt sinh học của một con người, có 2 loại chemicals (chất hóa học) tạo cảm giác hưng phấn được ông nhắc tới trong câu chuyện này:
Dopamine: là dạng hormone được tiết ra và tạo cho ta sự hưng phấn, phấn khích nhất thời. Nó thường gắn với hệ thống khen thưởng trong não bộ, như kiểu cảm xúc hưng phấn vì bạn vừa chơi một môn thể thao hoặc hoàn thành công việc. Hoặc thường thấy như kiểu bạn đăng bài trên mạng xã hội và được tương tác, dopamine sẽ được tiết ra, nó giúp bạn có cảm giác phấn khích vì được khen thưởng. Nhưng cảm xúc này sẽ không kéo dài được lâu. Vì vậy, người ta thường cố gắng tìm cách để kéo dài nó hoặc lặp lại để có nhiều dopamine cho bản thân. Dopamine chính vì vậy đóng vai trò như painkiller (thuốc giảm đau) ảo và nhất thời.
Endorphin: là dạng hormone mà cơ thể sẽ tiết ra để giúp bạn giảm đau một cách tự nhiên. Endorphin được gắn với cảm xúc được yêu thương và liên quan chặt chẽ với đứa trẻ khi còn nhỏ. Thông thường với những người vốn dĩ đã nhận được tình yêu thương, có cảm giác đủ đầy; cơ thể họ sẽ có khả năng tiết ra endorphin và giúp họ xoa dịu nỗi đau. Tuy nhiên, với những người vốn dĩ đã không tích tụ đủ sự yêu thương trong mình, cơ thể họ sẽ không thể nào tạo ra endorphin được và họ sẽ cần bù vào thông qua morphin hay các chất xúc tác từ bên ngoài.
*Lưu ý: đây là tóm tắt ý hiểu của mình từ video clip của Dr. Gabor và thêm ví dụ từ bản thân. Mình sẽ quay lại khi có sự hiểu sâu hơn về các chất hóa học này. Mình cũng mong nếu có sai sót, bạn vui lòng bình luận để mình chỉnh sửa tốt hơn.
“Emptiness always comes back to what we didn’t get when we were children” (Sự trống rỗng sẽ luôn luôn chực chờ quay lại tìm ta, chính ở cái thứ mà chúng ta chưa từng nhận được khi mình là trẻ con).
Và đó là lý do có rất nhiều người không thể tự tạo endorphin cho mình, nên họ đành khỏa lấp nỗi trống trải đó từ bên ngoài và kiếm tìm cảm giác xoa dịu tạm bợ, là khi dopamine tiết ra. Đó là những cơn lướt màn hình điện thoại không kiểm soát. Đó là thói nghiện công việc điên cuồng. Đó là việc sa đà vào ăn uống vô tội vạ. Cho tới việc sử dụng các chất kích thích. Để xoa dịu nỗi đau của chính mình.
“Shopping là bình thường với nhiều người, nhưng với một số người thì đó là chứng nghiện shopping” là một ví dụ cho việc tìm kiếm sự khỏa lấp nỗi trống trải từ thế giới bên ngoài.
Tất nhiên, nỗi đau này có mức độ nặng hay nhẹ là tùy mỗi người thôi, nhưng cơ chế vận hành thì cũng tương tự như vậy.
Khi đào sâu nghiên cứu các case study để hình thành lý luận sơ khai cho mình, Dr. Gabor đã chọn các nhân vật được xem là quyền lực nhất trong lịch sử, bao gồm: Hitler, Stalin, Alexander Đại Đế, Thành Cát Tư Hãn và Napoleon.
Điểm chung mà ông phát hiện ra ở những con người này là gì bạn có biết không?
Ngoài hình ảnh những tay quyền lực đầu xỏ lừng lẫy thế giới, thì tất cả đều có một xuất xứ có phần thiệt thòi. Họ đều từng là “outsider” - những con người bên rìa của xã hội.
Hitler không phải người Đức. Ông là người Áo (một nước nhỏ cạnh Đức).
Stalin không phải người Nga. Ông là người Georgia (một nước nhỏ cạnh Nga).
Alexender không phải người Hy Lạp. Ông là người Macedonia (cũng là một nước nhỏ cạnh Hy Lạp). Tương tự cho xuất thân của hai người còn lại.
Và một điều nữa, tất cả những hình tượng này, họ đều có vóc người nhỏ thó so với hình thể người nam ở dân tộc mình.
Ấu thơ và cuộc đời của họ đã từng có khá nhiều biến cố từ việc bị xem thường, bị bạo hành v..v.. Sự trống rỗng đặc biệt là về tình cảm luôn chực chờ bên trong. Và họ đã lấp đầy sự trống rỗng đó bằng các hình thái bên ngoài, cụ thể nhất là QUYỀN LỰC. Đó là lý do cho sự cuồng tín với quyền hành.
Dr. Gabor cũng nghiên cứu về đối tượng ngược lại cũng được cho là có quyền lực hay sức ảnh hưởng không kém: Đức Phật và Chúa Jesus. Ở trường hợp ngược chiều này, họ không có sự trống rỗng bên trong mà thực sự đã rất đủ đầy.
Trong khoảnh khắc Đức Phật sắp viên tịch, môn đệ của Ngài khóc nhưng họ đã nhận được lời dạy rằng “Chẳng có gì phải khóc cả. Cũng không cần thờ phụng gì ta. Bản chất con người đã có sẵn ngọn đèn bên trong mình để soi sáng rồi. Hãy kiếm cách tìm lấy ngọn đèn của mình, hãy dùng nó để tỏa sáng”.
TÓM LẠI THÌ
Bài học rút ra là:
Nếu bạn muốn nghiên cứu một điều gì đó và muốn khám phá điểm độc đáo , hãy học cách lật ngược cách tư duy để có góc nhìn mới. Ví dụ, không phải bạn nên hỏi “Nghiện ngập xấu xí ra sao?” mà nên xem “Người ta thực sự kiếm tìm điều gì ở việc nghiện ngập?” thì bạn mới hiểu dần suy nghĩ và hành vi mà đối tượng mình muốn biết
Thứ hai, đó là việc nhóm đối tượng nghiên cứu. Cách Dr. Gabor chọn các gương mặt tai to của lịch sử về quyền lực và tìm điểm giống nhau là một dạng case studies có chọn lọc. Tiêu chí chọn lựa ở đây là “những người có quyền lực hoặc sức ảnh hưởng” và đường hướng phân tích là “Động cơ cho hành động theo đuổi quyền lực” của họ là gì?
Viết bài này trong một bản tin chuyên môn về Insight, mình biết nó đang đi một hướng khá lệch so với những insight thương mại hay content. Nhưng về bản chất hành vi con người, insight chính là thứ bạn cần biết, tách lớp thật sâu để hiểu rõ động cơ hoặc nguồn gốc cho những hành vi của chính mình và đối tượng khách hàng mà bạn muốn phục vụ và giúp đỡ họ.
Con người ta có rất nhiều nỗi đau và khó khăn. Thật dễ dàng khi ráp công thức vào tìm kiếm nỗi đau, khai thác nó và lắp sản phẩm như một giải pháp của thương hiệu. Nhưng cũng thật sự là một bài toán khó khi các giải pháp này như những liều dopamine mà bản thân họ (khách hàng) không tìm được giải pháp cho chính mình. Triết lý kinh doanh hay triết lý sống mỗi người sẽ có cho riêng mình cách nghĩ khác nhau.
Riêng mình, có lẽ sẽ kết bài này với câu chốt của Dr. Gabor
“Nếu bạn muốn làm điều gì đó để thế giới này tốt hơn, hãy đứng lên mà làm đi. Vì có khả năng rất cao những con người quyền lực mà bạn thấy họ cũng là những người trống rỗng nhất ở bên trong mà thôi.”
Cảm ơn bạn đã đọc tới đây. Hy vọng bài viết này góp một chút insight cho hành trình sống và làm việc của bạn.
Norah VO
From Insights To Intelligence
Bài viết rất hay luôn, chị thích cách gợi ý để tìm insight này.
Không hề cảm thấy bài viết dài, hoặc có thể là vì nó ngắn thiệt, hoặc đã quen với style của bà. Mong bà sẽ viết nhiều hơn những câu chuyện như thế này. Những người cảm thấy "không ổn" luôn đi tìm những lý giải một cách khoa học và đáng tin cậy cho những câu chuyện của riêng họ.