Hello hello,
Chào bạn. Tháng 05 kéo tới với đợt nghỉ lễ dài như Tết mà hôm nay là ngày cuối rồi nhỉ. Những ngày vừa qua, mình cũng vừa hoàn thành chuỗi 10 ngày tìm kiếm #insightsinme - hành trình tìm kiếm insight cho bản thân mình cùng các thành viên trên nhóm Everyday Insight. Hôm qua là ngày cuối cùng trong chuỗi ra đề: NGÀY 10 - HIỂU chỉ để hiểu mà thôi.
Thoạt đầu, khi nghe câu nói này, có thể bạn sẽ ngạc nhiên tại sao nó lại như vậy? Thông thường bạn làm một hành động gì đó để đạt được một điều gì đó, phải không? Lúc nào cũng cần có một điều kiện cho ra một kết quả. Mà với việc tìm kiếm insight, thì nó lại càng cần phải như vậy nữa?
Bởi vậy nên việc có insight đúng ngay từ đầu rất quan trọng, để kế hoạch và hành động đúng chính xác, để kết quả cũng đảm bảo sẽ chắc ăn!
Đây là quan sát mình nhận được từ nhiều buổi đào tạo cũng như tư vấn 1:1 với các bạn học viên của mình. Mong muốn, thậm chí là khao khát mọi thứ phải bài bản, hiểu đúng insight, làm đúng ngay từ đầu, để mọi thứ được trơn tru như dự kiến. Nhưng có một thực tế là không có thứ gì là đúng hay sai hoàn toàn cả. Trong bất kì mọi thứ, chúng ta đều có sai số.
Chuyện đúng vs. sai
The public has a distorted view of science because children are taught in school that science is a collection of firmly established truths. In fact, science is not a collection of truths. It is a continuing exploration of mysteries.”
“Công chúng có một cái nhìn khá sai lệch về khoa học bởi vì bọn trẻ được dạy ở trường rằng khoa học là tập hợp những sự thật được minh chứng một cách vững chắc. Thực tế ra, khoa học không phải là tập hợp của nhiều sự thật. Nó là một cuộc du hành khám phá liên tục của những điều bí ẩn.”
— Freeman Dyson
Hay nói một cách khác, dựa vào các bằng chứng khoa học mà các khảo cổ gia kiếm được, nếu như ngày hôm nay chúng ta tin là trước đây khủng long bị tuyệt chủng là do thiên thạch rơi và trước đó nữa thì không có cái gì khác, thì đây vẫn là câu khẳng định có phần tư duy đóng. Bởi vì, tất cả những thứ chúng ta thấy và tìm được, phân tích và lặp luận có lý (theo cái lý của bản thân mình và nhiều người khác) cũng có thể đại diện cho 99.9% sự thật. Nghĩa là đâu đó vẫn còn 0.01% khả năng của sự sai. Cho dù chủ đề này người ta đã nghiên cứu hàng bao thế kỷ rồi.
Mình muốn nói gì ở đây? Đó là mọi thứ trên đời này không có đúng hoặc sai, nó luôn phụ thuộc vào nhiều yếu tố lắm như bối cảnh, như số lượng mẫu đủ lớn hay thời gian đủ lâu để bạn tiến gần hơn tới cái nhìn hoàn thiện chưa v..v.. Vì vậy mà, việc đầu tiên nên làm không phải là xác định đúng/sai mà là hiểu vấn đề.
Bàn về sự hiểu thì hôm nay mình muốn chia sẻ lại bài viết cuối trong chuỗi 10 ngày tìm kiếm insight. Đối tượng ở đây là bản thân mỗi người, nhưng bạn cũng sẽ thấy mối tương quan đến những đối tượng khác.
Hiểu vs. Biết
Trong một phỏng vấn trên VietSucess của chị Mai Hiền Nguyễn, Co-Founder của Square Group Việt Nam và hiện là mindset coach, chị đã nhấn mạnh việc “Hiểu chỉ để hiểu thôi”.
Mình cực kì đồng ý với câu nói này. Nó giống như việc khi một ai đó có một ý kiến khác so với suy nghĩ của bạn, việc bạn cố gắng hiểu góc nhìn của người kia so với cái nơi mà bạn đang đứng là rất quan trọng. Để bạn biết chậm lại, lùi ra xa, hoặc đứng sang một bên để nhìn nhận và hiểu vấn đề thấu đáo hơn. Một khi làm được điều này, bạn sẽ dần chuyển từ biết sang hiểu, từ biết rằng người đó nghĩ khác bạn sang hiểu rằng cái gì/tại sao lại khiến người đó nghĩ khác bạn.
Khi đã hiểu rồi thì việc bạn chọn lựa như thế nào là quyền của bạn. Không nhất thiết hiểu góc nhìn của người khác thì phải sang bên đó đứng cùng họ. Nhưng ít ra bạn sẽ thấy vấn đề được mổ xẻ, cởi mở hơn. Để trong suốt những năm tháng về sau, bạn có thể dùng chính cái hiểu đó vào một việc gì đó cho mình. Hoặc để bắc cầu cho nhiều cái sự hiểu khác trong tương lai.
Sự hiểu
Mà sự hiểu thì vô vàn lắm, tỉ như trong quyển A Culture of Happiness của thầy Trương Vĩnh Thọ có câu này
“Knowledge was never considered something that is only rational and intellectual; there was always an ethical dimension that includes qualities of the heart, such as empathy, compassion, altruism, generosity, and care.”
(tạm dịch: Tri thức chưa bao giờ là một thứ gì đó thuần túy lý trí và học thức; nó đã luôn có một chiều kích khác có tính đạo đức hơn, bao gồm các tính chất thuộc tâm thức, như đồng/thấu cảm, lòng trắc ẩn, tính vị kỉ, độ lượng và sự quan tâm.”
Đây có lẽ cũng là cái mà chúng ta thường lướt qua nhất trong cái sự hiểu về một đối tượng gì đó, ngay cả khi đối tượng đó có là mình đi chăng nữa. Có khi nào những thứ lý tính, học thức dễ nhìn thấy hơn là mảng màu tâm tính còn lại không?
Thời gian
Trong suốt 9 ngày trước đây, chúng ta dành phần lớn thời gian để rà các giác quan của bản thân, nhìn lại con đường tiếp thu nhận thức để hình thành nên thế giới quan của mình. Tuy nhiên, còn một chiều kích nữa mà mình chưa thực sự chạm vào: thời gian hay quá khứ.
Đúng là chúng ta đôi khi đã lướt qua lát cắt của ký ức, hoài niệm, tuổi thơ nhưng đa phần đó là những hồi ức đẹp. Và như vậy sẽ là chưa đủ cho một nỗ lực hiểu mình, nếu bạn muốn.
Jay Shetty từng nói thế này
“Cứ để ý mấy cái vòng lặp đi lặp lại, bạn sẽ biết mình có đi lại trong cái vòng tròn của chính mình không. Nếu vòng đó tốt, bạn chọn đi lại thì không sao; nếu vòng đó không ổn mà mình biết rồi, mình có thể chọn một ngã rẽ khác. Để không lặp lại nữa.
Bởi vậy nên nếu tôi còn thấy cấn cấn một thứ gì đó đã diễn ra trong quá khứ của mình, tốt nhất là tôi sẽ khơi nó ra để xử lý. Bởi bây giờ mà giấu hay né tránh nó, thì ai mà biết được 10 năm sau nó quay lại, to đùng hơn, nhiều sẹo hơn, thì lúc đó rất mệt.”
Trong cả hai bài podcast mình nghe gần đây nhất, cả hai người đều làm coach (Jay và chị Hiền) và cả hai đều nhấn mạnh vai trò của therapy.
Nôm na thế này, khi một ai đó vẫn còn vướng mắc trong quá khứ thì sẽ cần tới therapy (phương pháp trị liệu), để gỡ bỏ, để mở ra và trút cho hết gánh nặng mà sống cho tương lai. Còn câu chuyện của coach là con đường của bạn từ hiện tại nhìn tới tương lai, là việc bạn được khơi gợi, dẫn dắt tìm về giá trị của mình và định hình rõ ràng để vẽ và đi một cách tự tin hơn về phía trước.
Tóm lại thì
Câu chuyện tìm kiếm insight cho bản thân cũng là câu chuyện quay vào mình, nhìn từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài và cả trước về sau; để hiểu mình đã và đang như thế nào.
Trên quá trình này, tất nhiên sẽ có lúc ta muốn tránh hoặc giấu nhẹm một vài thước phim cũ không hay, cũng chả sao cả. Hiểu mình có những thước phim đó, chỉ để hiểu thôi cũng được. Nhưng ít ra hãy dành thời gian để hiểu nó, để có một lúc nào đó, khi bạn cần sang một phân cảnh mới và sẵn sàng để bước tiếp, thì sẽ không bỡ ngỡ mà từ tốn, cảm thông với mình để gỡ bõ và vững vàng sang trang.
Mà sự hiểu này cũng tương tự nhiều sự hiểu khác xung quanh bạn mà thôi. Hy vọng bài viết hữu ích cho những ngày tháng 5 của bạn.
Norah VO
From Insights To Intelligence
Em đã ở trong email list của chị khoảng 3-4 tháng gì đó. Dù không theo dõi sát sao từng bài viết của chị, nhưng bài nào mà em đọc được cũng đều thấy rất chất lượng và sâu sắc luôn ạ.
Em ấn tượng nhất là bài chị nói về việc "đặt bản thân mình vào vị trí của người khác thật ra cũng chỉ là mình tự nhìn lại trải nghiệm của bản thân mình trong hoàn cảnh đó." (tiêu đề chính xác của bài đó thì em không nhớ)
Cảm ơn chị vì những bài viết rất giá trị như vậy! Chúc chị có thật nhiều sức khỏe để có thể tiếp tục tạo ra nhiều giá trị hơn nữa!