Hello hello.
Chào bạn. Chào tháng 3. Tháng cuối cùng của Quý 1 2023. Thông thường quý 1 cũng là lúc các tổ chức dần ổn định với nhân sự, với cách thức triển khai hoạt động, sau một mùa Xuân bung lụa và thử nghiệm.
Với cá nhân mình, đây cũng là tháng rà lại kế hoạch đã lên, hoạt động đã làm trong quý 1 và lên phương án cải thiện trong quý tới.
Hôm nay mình muốn chia sẻ về Tính Nhất Quán - Consistency.
Ai cũng biết rằng nhất quán rất quan trọng, đặc biệt để hình thành một thói quen, một kỹ năng hay một thương hiệu. Để lên một ý tưởng thì dễ, để làm và thực hiện kế hoạch đó đều như bắp thì khó. Và thường khi trật đường ray, không làm được như những gì ta kì vọng, mình thường sẽ hỏi "tại sao".
Bạn chắc chắn đã biết 5why. Chuỗi câu hỏi tại sao để tìm ra nguyên nhân cốt lõi của vấn đề. Đây cũng là một phương pháp để bạn bóc tách vấn đề và tìm giải pháp.
Nhưng còn cách nào khác nữa không? Còn góc nhìn nào nữa không? Còn chứ.
Đặt trong bối cảnh tư duy bóc tách để giúp chúng ta thiết lập sự nhất quán hơn, mình xin giới thiệu chuỗi 2D, 3D và hệ thống.
1. Góc nhìn 2D
Đơn giản là việc bạn chọn một chủ đề mình quan tâm để tháo lắp các thành phần của nó ra và bắt tay vào làm.
Ví dụ: giai đoạn mình bắt đầu viết bản tin và cần duy trì sự đều đặn trong việc viết bài. Thói quen của mình sẽ là bóc tách các thành phần của một bản tin, bao gồm:
Ý tưởng
Chủ đề chính
Nội dung viết (mở, thân, kết và thông điệp chính)
Hình ảnh thiết kế (hình cover, hình minh hoạ khác nếu cần)
Một ví dụ khác nếu bạn đăng nội dung lên mạng xã hội, một post chuẩn sẽ cần:
Ý tưởng
Thông điệp chính
Thiết kế ảnh minh hoạ (format một ảnh, format carousel, format dài, format video hay gif ...)
Nội dung bài viết hoặc caption
Liên quan giữa ảnh và nội dung
Bộ hashtag
Ảnh story đi kèm
Khi bóc tách ra, bạn cũng thấy một vài yếu tố lặp đi lặp lại. Cái gì lặp lại bạn đã có thể tạo template mẫu hoặc thư viện cho riêng mình.
2. Góc nhìn 3D
Nếu 2D là bạn thấy gì bạn tách rời các thành tố ra như ví dụ trên, thì 3D là bạn chọn một thứ là chủ điểm để tách.
Kỹ năng này cực kì quan trọng khi làm research và phân tích.
Ví như bạn có thể chọn các chiều không gian để bóc tách vấn đề. Như chiếc hộp này, bạn nhìn trực diện là 2D, xoay chiều nhìn từ lát cắt bên trái, bên phải, ở trên và từ đáy lên. Bạn lúc này bắt đầu nhìn một hiện tượng, chủ điểm đa lớp và đa chiều hơn.
Tương tự khi bạn phân tích, bạn sẽ nhìn một thứ theo góc nhìn của các tư duy khác nhau. Nếu nội đứng viết cho GenZ thì thiết kế câu chữ như nào, nếu viết cho GenZ mọt sách thì có cần chỉnh màu sắc hay làm video không? Lúc này 3D là bóc tách theo phương diện khác nhau.
3. Hệ thống
Sau khi đã bẻ nhỏ thành phần của một thứ, bạn biết bạn cần chuẩn bị những gì để lắp ghép hoàn thiện một sản phẩm.
Sau khi nhìn theo góc 3D, bạn cũng tạo thêm chiều sâu của nội dung hay có cái nhìn bao quát hơn.
Cuối cùng, hãy xếp nó lại thành chuỗi. Cái nào trước, cái nào sau? Và lắp vào trục sản xuất của mình. Như vậy thực hiện thứ gì đó nhất quán sẽ dễ hơn.
Như bài viết này mình viết toàn bộ trên hai chuyến xe.
Mình nghĩ ý tưởng sáng sớm
Mình thiết kế ảnh trước theo template
Gửi ảnh qua điện thoại
Viết note ý chính qua email
Đi làm
Viết trên bus
Chuyển trạm viết lúc chờ
Lên xe lửa viết tiếp
Và mình ráp lại đăng substack
Đây là toàn bộ quá trình mình bóc tách để hỗ trợ bản thân cam kết với các mục tiêu nhất quán: hiện diện và đều đặn. Hy vọng bài viết hữu ích.
Mình sẽ bổ sung một thiết kế ảnh sử dụng tư duy tách lớp sau. Chính câu hỏi của một bạn về bức ảnh này đã hun đúc ý tưởng về tư duy bóc tách mà mình chia sẻ hôm nay.
Chúc bạn một tháng 3 đầy nắng và năng lượng.
Norah VO
From Insights To Intelligence
Cảm ơn Norah, chủ đề hay quá
Cảm ơn c Ngọc nhé. Bài viết giá trị với em.