Hello hello,
Chào bạn. Còn vài ngày nữa chúng ta sẽ khép lại tháng 3, khép lại Quý 1 của năm 2023. Mình hy vọng những tháng đầu năm của bạn thật đầy màu sắc.
Bạn có thể cười mỉm nghĩ về những ngày tháng vừa qua, gật gù hoặc lắc đầu nguầy nguậy việc “tháng năm đầy màu sắc” hay không. Cho dù thế nào đi chăng nữa, mình biết chắc một thứ mà tất cả chúng ta, ít nhất những bạn đọc thường xuyên trên bản tin này, đều nhận biết được “Xu hướng sử dụng công nghệ” đang tiến rất nhanh và gần với cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Đúng vậy, mình vẫn nhắc tới ChatGPT, bot và những loại Generative AI khác.
Hôm nay mình không bàn về AI nữa, hồm nay mình có một câu hỏi cho bạn và cho mình: Xu hướng là gì? Ở đâu mà chúng ta có xu hướng?
Những người làm sáng tạo nội dung hay những bạn làm việc với truyền thông rõ ràng không lạ gì với cụm từ xu hướng. Thậm chí, nội dung viral, nghĩa là nội dung được lan truyền rộng rãi, trở thành một phần của xu hướng nào đó cũng có thể nằm trong mục tiêu đo lường của rất nhiều rất nhiều người làm sáng tạo.
Vậy xu hướng là gì? Và ở đâu mà chúng ta có xu hướng?
Nếu quay về thời nguyên thủy của cụm từ xu hướng, hiện tượng này thực ra đã khởi xướng từ thuở hồng hoan của văn minh nhân loại. Những xu hướng thật ra không có gì khác mà là những patterns (hành vi thái độ ứng xử thói quen có “xu hướng” lặp đi lặp lại bởi nhiều người). Bởi vậy trend là một hiện tượng gì đó lan rộng trong một cộng đồng, văn hóa hay một nhóm tập hợp xã hội nhất định. Một trend có thể xuất phát từ một vài nguồn thông tin nào đó, kiểu như đến từ thời trang, từ công nghệ, âm nhạc, hội họa cho đến những hoạt động lan truyền thúc đẩy xã hội.
*Vì tính chất Anh-Việt và khả năng hạn hẹp của mình về ngôn ngữ, mình tạm dùng các thuật ngữ để tránh nhầm lẫn nhé:
Trend: các xu hướng
Pattern: những xu hướng lặp đi lặp lại
Vậy thì cái gì thực sự tạo nên xu hướng?
Câu hỏi này có thể cần một câu trả lời dài và chi tiết với các ví dụ khác nhau, hoặc cũng có thể tóm gọn lại như sau:
Thuở xưa, một xu hướng được hình thành và phổ biến rộng rãi trong một nhóm người nào đó. Tùy vào bối cảnh sinh hoạt xã hội và việc xu hướng (cách làm/nghĩ/thể hiện) đó được bộc lộ ra với bao nhiêu người, trend đó sẽ tiếp tục được lan truyền. Cụ thể là hình thái nhìn thấy, bắt chước và truyền miệng. Ai mà biết được ngày xưa việc dùng lửa để nấu thức ăn được bắt chước và lan truyền từ bộ lạc này sang bộ lạc khác thì sao? Học cách dùng lửa cũng có thể xem là một xu hướng của người thời xưa mà nhỉ?
Ngày nay, với một thế giới gần như không bao giờ ngủ và mọi ngóc ngách cũng gần như mở toang để được khám phá, thông tin lan truyền qua internet - thế giới số - cực kì nhanh. Do vậy, một khi xu hướng đã được hình thành (hòm hòm thôi), lan sang một vài người là khả năng lan truyền rộng rãi là không khó giữa rất nhiều cá nhân, nhóm người, nhóm cộng đồng, nhóm văn hóa, xã hội, quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Thực ra trên tất cả các nền tảng mạng xã hội, con đường truyền đi của xu hướng cũng đa dạng không kém. Nếu để ý, bạn sẽ thấy có một vài xu hướng sẽ lan ra từ nền tảng này, và có một vài lại đi từ nền tảng khác. Sau giai đoạn lan ra đó, khi mọi người đều hiểu và áp dụng xu hướng cho mình, thì độ phủ sẽ gần như bao rộng trên tất cả các nền tảng. Nhưng nó đều có điểm bắt đầu ở một nơi nào đó. Bắt đầu ở đâu lại tùy vào tính chất của xu hướng đó, tính chất nền tảng và nơi thai nghén xu hướng vậy. Chung quy là chữ phù hợp, đúng nơi, đúng thời điểm, đúng người.
Vậy một xu hướng khởi đầu như thế nào?
Nếu gọi xu hướng là một hành vi, ý nghĩ, thói quen nào đó chưa phổ biến ở giai đoạn hiện tại, thì nơi bắt đầu của nó thông thường sẽ đi từ một nhóm người tạm gọi là “early adopters”. Thuật ngữ này nhằm chỉ những người có thiên hướng đón nhận cái mới, sử dụng những gì chưa rộng rãi phổ biến. Họ sẽ là những mấu chốt đầu tiên tương tác và kết nối với trend đó.
Ngoài nhóm thích cái mới, một khi trend đó được một nhóm các influencers (người có tầm ảnh hưởng) như nhóm văn nghệ sĩ có tiếng, các nhà lãnh đạo tư tưởng v..v.. đón nhận, thì việc bùng nổ của xu hướng sẽ diễn ra.
Mà một trend nào đó càng gần gũi, càng dễ vận dụng bao nhiêu với đại chúng, thì khả năng lan truyền sẽ càng cao. Thông qua các nền tảng truyền tải thông tin, sự khuếch đại của xu hướng lại càng rộng rãi phổ biến hơn. Cho tới khi trend trở thành một phần cuộc sống hằng ngày, thành một mảng văn hóa của hầu hết số đông mọi người. Và nó sẽ dần là một yếu tố ảnh hưởng lên phần đông cách chúng ta suy nghĩ và hành động.
[CÂU HỎI CHO BẠN] Bài hát Flowers của Miley Cyrus rõ ràng được phổ biến vì tên tuổi của cô nàng. Nhưng ngoài cái tên đó ra, bạn nghĩ còn yếu tố gì khiến clip này viral không?
Mình sẽ tiếp tục câu hỏi và phần thảo luận này trên nhóm Everyday Insight | Mỗi ngày một chút Insight. Bạn có thể lên đó thảo luận nếu thích nhé.
Vậy làm sao để nhận diện một xu hướng?
Có nhiều kiểu để spot a trend (nhận diện một xu hướng nào đó), cách dễ nhất là theo dõi những người có tầm ảnh hưởng như các lãnh đạo tư tưởng - những người có chuyên môn trong lĩnh vực của họ, có cái nhìn tổng quan và kết nối với nhiều mảnh ghép thông tin.
Như vậy, tùy thuộc vào khu vực và lĩnh vực hoạt động mà bạn cần chọn cho mình những cái tên xịn xò để theo dõi. “Tên” ở đây bao gồm cả cá nhân và tổ chức có uy tín nhé.
Cách thứ hai là việc quan sát và tổng hợp thông tin, nhận định của bạn về một nhóm đối tượng nào đó. Đó là lý do xu hướng có thể cực nhanh, nhưng cũng từ từ. Nhưng hình thái, sự thay đổi về hành vi, nhu cầu và những nhận định một nhóm đối tượng nào đó sẽ bộc lộ nếu bạn chịu khó quan sát và tổng hợp lại.
Cách thứ ba là phân tích dữ liệu. Nếu như nguồn một và hai là nhóm thông tin cảm tính nếu bạn không chắc số lượng đủ lớn, thì cách thứ 3 là việc dùng các con số để khẳng định lại giả thuyết hay hình dung của mình về một xu hướng nào đó có đúng hay không. Phân tích dữ liệu ở đây có thể là mượn nguồn tài nguyên từ các báo cáo của các tổ chức lớn, có nhóm thông tin gần với cái bạn muốn hoặc là bạn tự thu thập dữ liệu và phân tích.
Còn những cách khác nữa như việc sử dụng công cụ chẳng hạn.
Một vài xu hướng hiện nay tập trung vào hành vi và văn hóa
Một vài xu hướng trên thế giới:
Quan tâm đến môi trường, các sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường
Mối gia tăng về sức khỏe (cả sức khỏe vật lý lẫn tinh thần). Các cụm từ như “Yêu thương bản thân”, “Các phương pháp trị liệu” nổi lên. Thậm chí có những nhóm xu hướng như “Color therapy” (chữa lành với màu sắc), cho đến việc “làm vườn”, “thú cưng” và sức khỏe tinh thần
Gia tăng việc sử dụng, chế biến và ăn các thực phẩm chay, hữu cơ
Trí thông minh nhân tạo, máy học và các công nghệ trong công việc. Có rất nhiều chia sẻ về cách làm việc, kỹ năng công việc, đặt trong bối cảnh kinh tế và bức tranh toàn cầu xoay chuyển đảo cực liên hồi
Các phương pháp rèn luyện sức khỏe thể chất gia tăng. Workout cũng có nhiều hình thái hơn, từ yoga, thiền, chánh niệm cho đến nhảy theo nhạc online cùng nhau v…v..
Tại Việt Nam, ta cũng thấy việc du nhập các hình thái khác nhau của những xu hướng trên và Việt Nam hóa để thân thiện hơn. Những câu chuyện như:
Các lớp tập thể dục thể thao tăng cường sức khỏe hoặc online đã và đang tiếp tục lớn mạnh
Các hình thái du lịch eco, đi thăm thậm chí đặt mua thức ăn từ các vườn nông sản hữu cơ
Coaching, nhu cầu trị liệu tâm lý, được chia sẻ được yêu thương, các hội nhóm chữa lành, yêu thương bản thân và vô vàn hình thái “chọn một tụ bài” cũng trở thành cụm từ không ai không biết.
Và với công nghệ thì rõ ràng ngay cả VJ Thùy Minh cũng dùng ChatGPT để soạn thảo thử kịch bản phỏng vấn, hay bản thân mình cũng đang dần đưa công cụ này vào giảng dạy cách dùng ChatGPT cho việc làm research.
TÓM LẠI THÌ
Nói tóm lại, có rất nhiều xu hướng và tiềm năng một thứ gì đó trở thành xu hướng. Nhưng để xác định xu hướng đó có phù hợp với mình, mang lại lợi ích cho kế hoạch truyền thông, kinh doanh của bạn hay không, bạn cần quay lại với câu hỏi “Xu hướng này sẽ giúp gì cho kế hoạch hoạt động của mình.”
Chúc bạn những ngày cuối tháng 3 thiệt nhiều màu sắc nhé.
Norah VO
From Insights To Intelligence