Thương mình là làm sao để mình có ít thời gian đau khổ nhất
Thế hệ lo âu, burnout và gợi ý dẫn dắt bản thân vào sự tập trung
Hello hello chào bạn,
Tháng 06 đối đãi với bạn tốt không? Với mình thì tháng 6 là những mảnh ghép nhỏ về các khoảnh khắc an vui hài lòng nhẹ nhàng, bên cạnh một vài khoảnh khắc mông lung. Gửi lại bạn một chiếc clip mình làm khi cao hứng đợt lễ Hạ Chí vừa rồi
Nhân dịp thứ 7 sắp tới đây (28.06), tụi mình chính thức đi qua 4 buổi học nhóm, đồng thời mình cũng có khá nhiều insight nho nhỏ khá hữu ích về câu chuyện thiết kế không gian - thời gian và đưa bản thân vào sự chú tâm và tập trung. Kết quả là một sự bình an trong giây phút hiện tại, ngay lúc chúng ta làm bất kì việc gì. Điều này, theo mình là những phút mở đầu của việc flow.
Nếu bạn luôn tự hỏi 'Làm sao để mình bắt đầu tập trung tốt hơn?', thì có thể bài viết hôm nay sẽ hữu ích đó. Nào, tụi mình cùng khám phá những insight nho nhỏ mình góp nhặt được qua trải nghiệm này nha.
Câu hỏi đầu tiên: Bạn có biết tại sao chúng ta thường không-làm được một cái gì cho ra hồn không?
Yeah, làm một cái gì không ra hồn, là từ dân dã, ám chỉ việc làm một thứ nhưng nó cứ không hoàn chỉnh, không mang lại cảm giác hài lòng. Trường hợp này, chúng ta có thể kể đến những:
ý tưởng đầy ắp nhưng cứ nằm xó một góc
những dự án đã-đang triển khai nhưng cũng nửa vời bất lực ngao ngán nhìn bạn loay hoay với cái khác
kế hoạch nâng cấp bản thân, học thêm kĩ năng này tool nọ, và mãi 2 năm sau cứ mỗi lần bị 'quê' vì kĩ năng không cải thiện, bạn lại tự trách sao mình chưa học cho xong cái đó đi
cho tới những thứ bạn không bao giờ nghĩ bạn có thể làm cho ra hồn, vì trước giờ bạn đâu có làm được cái chuyện đó đâu
Thế thì tại sao vậy?
Mình có một câu trả lời đây, bởi vì chúng ta không dành đủ thời gian cho nó.
Scott Peck, tác giả quyển Con đường chẳng mấy ai đi, là một bác sỹ trị liệu tâm thần. Có một lần, chiếc xe của ông bị trục trặc kĩ thuật, ông phải dừng lại giữa đường, ngó nghiêng nó một lúc, rồi không biết làm gì với nó cả. Một anh thợ sửa xe đi ngang qua, ngó thấy, anh ấy đưa tay ra vặn lại một chút phần chân gas, lập tức xe của ông bác sĩ đã có thể nổ máy đi tiếp.
'Ồ, anh hay nhỉ. Tôi chả bao giờ biết sẽ phải làm gì mấy lúc như thế.'
'Đó là do ông không dành thời gian cho nó đó' (It's because you don't spend enough time for it)
Một lần khác, lần này, một bệnh nhân nữ của ông sau khi chào tạm biệt, bước lên xe thì chiếc xe cũng không nổ máy. Bà bước ra, ngó nghiêng mấy bận. Ông Scott thấy vậy, đã định bỏ vào gọi cho thợ sửa tới. Bỗng ông dừng lại, đi một vòng cái đoạn ghế ngồi, nhác thấy có cái gì đó sai sai, ông với tay vặn lại cái côn xe, thì một lúc sau xe nổ máy và chạy được như thường.
'À đấy, không phải là bác sỹ thì sẽ không sửa được xe. Chỉ là không dành đủ thời gian cho việc đó/vấn đề cần giải quyết thôi.'
Thế đó, insight đầu tiên cho việc làm-không-được một cái-gì-đó, chính là vì ta chưa dành đủ thời gian với nó thôi. Là ta chưa kiên nhẫn với mình, hoặc ta không tin là mình có thể làm được nó. Hoặc cả hai. Nhưng kiểu nào đi chăng nữa, lần sau, mỗi lần vướng cái gì đấy, thay vì bỏ luôn, hãy tự dặn lòng, mệt thì nghỉ một xí, rồi thử lại lần nữa xem sao.
Câu hỏi thứ hai cho bạn: Theo bạn thì, yêu thương chính mình liên quan như thế nào với có kỉ luật với chính mình? Kỉ luật với mình, nếu nhiều quá, chẳng phải là hà khắc hay sao?
Thú thật, thông tin nhan nhản về việc tự chăm sóc bản thân, về yêu thương mình có lẽ đã khiến chúng ta ngộ nhận là mình rất hiểu cái ý yêu thương bản thân là gì mà. Mắc gì cứ nhắc lại như thể mình không đoái hoài gì tới bản thân mình vậy. Là mình mệt thì nghỉ, là mình thèm ăn kem thì mình sẽ mua kem mà không ngược đãi bản thân, là mình sẽ chăm sóc da mặt đưa bản thân đi làm đẹp bảo dưỡng duy trì vân vân.
Mình quá yêu thương mình rồi còn gì nữa. Ý bạn là sao?
Tùy vào góc nhìn mà những hành động trên sẽ được xem là 'yêu thương' hay 'nuông chiều' bản thân. Mình nghĩ bản thân mỗi người cần có trách nhiệm xem xét và thẳng thắn với chính mình về điều này. Nhưng nó không phải là cái mình muốn nói đến.
Khái niệm yêu thương bản thân mà mình tâm đắc nhất gần đây là khái niệm kỉ luật bản thân. Thoạt đầu khi đọc về nó, mình có phần chưng hửng. Cảm giác mềm mỏng như kẹo bông gòn tại sao lại nằm trong một cái khung sắt cứng cáp vuông vức được. Hai thứ quá kì cục.
Nhưng cũng là Scott, ông kể rằng, có một nữ bệnh nhân, bà ấy lúc nào cũng buồn bực và căng thẳng, vì công việc. Mỗi ngày trôi qua là một cực hình với bà ấy. Vào công ty, đối diện máy tính, bà biết mình phải làm cái task đó, nhưng bà chọn làm cái khác trước. Và thế là 8 tiếng một ngày, dài đằng đẵng cảm giác khó chịu áp bức khi phải xử lý cái thứ mình ghét.
Câu hỏi mà ông bác sỹ đưa ra là: Tại sao không làm cái thứ bắt-buộc phải làm mặc dù mình ghét nó trước?
'Tại tôi ghét nó mà. Nên tôi không muốn đụng vào.'
Một ngày đi làm có 8 tiếng. Nếu mình làm cái khác, nhưng trong lòng vẫn còn việc mình ghét, vẫn nặng lòng, thì có phải mình có 8 tiếng nặng nhọc không? Thay vì đó, mình lôi cái việc đó ra làm trước, mình sẽ có 2-3 tiếng rất nặng lòng khó chịu, nhưng 5-6 tiếng còn lại có phải là mình được an vui, sung sướng làm những cái mà mình yêu thích và muốn làm không?
‘Nhưng tôi ghét nó.’
Câu chuyện cứ lặp đi lặp lại gần mấy tháng, cho tới khi tâm trạng của bà khách không thể nào tệ hơn nữa. Và bà cố đấm ăn xôi, thử bắt đầu với cái bà ấy ghét. Những phút đầu tiên lòng bà nặng trịch, không muốn làm gì nữa. Nhưng đúng là khi giải quyết xong cái task đấy, lòng bà trào dâng một niềm sung sướng, được giải phóng khỏi thứ mình ghét. Và bà được thưởng bằng 5 tiếng đồng hồ làm việc trong an vui.
Đây chính là sự kỉ luật đó.
Thói thường chúng ta thích né tránh những cái không vui vẻ, gây khó chịu hoặc cản trở cho mình. Đến mức lắm lúc ta nghĩ nếu không đụng vào nó, không nhắc tới nó, thì 'nó' sẽ tự nhiên biến mất. Nhưng đâu có phải vậy.
Cái thứ hai là kỉ luật, là biết việc đó là việc cần làm, thì yêu thương bản thân là kỉ luật để mình được an vui, là sắp xếp như thế nào để thời gian mình đau khổ là ít nhất trong tổng thời gian mà mình sẽ có. Nó cũng là khái niệm Eat the frog đấy, ăn con ếch trước, để thời gian còn lại được vui vẻ.
Cá nhân mình hoàn toàn đồng ý với thói quen tránh né. Thậm chí, rất nhiều lần đối diện với những việc cần làm, mình sẽ lấy thứ dễ ra làm trước, để tạo đà, kiểu small wins nho nhỏ cho những cái sau trong ngày. Nó cũng là một chiến lược, tạo cảm giác là mình đang hiệu suất lắm rồi.
Nhưng nếu tới cuối ngày, cái việc mà mình né tránh không làm lại là cái việc quan trọng nhất cần làm, mà vẫn chưa đụng vào thì ... một loạt các bấn loạn sẽ ập tới. Haha, và đây là câu hỏi tiếp theo cho chúng ta.
Câu hỏi thứ ba: Bạn nghĩ là việc quan trọng với việc khẩn cấp, thì chúng ta nên tập trung vào cái nào? Trên đời này, thứ mãi mãi không mất đi là việc-cần-làm. Thế thì nên chọn như thế nào cho ổn?
Các mô hình phân chia ưu tiên công việc đã xuất hiện từ lâu, và chúng ta, những thế hệ hiệu năng tất nhiên là không lạ gì với nó. Nào là 4 cái lò, nào là chia theo hai cột quan trọng và khẩn cấp. Chúng ta cũng biết luôn việc outsource những đầu việc không thuộc thế mạnh của mình, sẽ là đòn bẫy để mỗi người có thời gian làm cái mà mình giỏi và thích (thường hai cái này sẽ có liên đới nhau một chút).
Vậy thì tại sao, tại sao chúng ta lại trở nên căng thẳng, lo âu dẫn tới burnout kiệt sức nhiều như thế? Đến mức mà trong một tuần qua, đây là những cập nhật mình đọc được từ người quen cho tới những bạn influencer và hay nói về hiệu suất.
Một người chị trong nghề mình biết, từng bay một ngày 3-4 chuyến business trip, làm phỏng vấn, liên tục mấy tháng trời nhưng vẫn rất năng lượng. Hiện tại chị ở Châu Âu, giai đoạn burnout là đi đi về về Châu Âu Việt Nam cho các dự án. Và chuyện gì tới cũng tới, mới đây chị đã la lên rằng 'Mình từng hoạt ngôn thế, mình là người hướng ngoại mà. Nhưng gần đây mình lại cứ im lặng, không thích nói chuyện, cáu gắt với chồng ... Hóa ra là mình burnout '.
Chi Nguyễn từ The Present Writer và chia sẻ của bạn về việc ngừng ra video trên Youtube, về việc đã từng yêu thích viết lách và về việc burn-out do khối lượng công việc fulltime, gia đình và việc sáng tạo chồng chất lên nhau như thế nào.
Và mình, cũng không ngoại lệ. Không phải thường trực lo âu, nhưng cảm giác đó tồn tại song song những giây phút bình an, là có. Mức độ chỉ chệch đi, nhưng dao động qua lại là 50-50. Thế nên, quả thật lúc đọc về chia sẻ của mọi người, mình như kiểu tự khẳng định lại một lần nữa, đây là một hiện tượng chung, không nhất thiết do khả năng cá nhân của mình.
Nhưng tại sao lại có hiện tượng này nhỉ? Mình đã ngồi làm một câu prompt thiệt nhanh, và kết quả như sau.
Câu hỏi cũng hơi thừa, vì quả thật câu trả lời nó hiển nhiên lắm, nhưng đôi khi tụi mình cứ né nó đi, và nghĩ 'nó chừa mình ra.' Kết quả mình tra được là gì, bạn biết không?
Cứ 10 người, sẽ có tầm 4-5 người đi ra làm thêm một cái gì đó riêng cho mình (side hustle). Con số này còn tăng cao hơn nữa khi chúng ta nhìn những con người Á Đông, cho dù họ ở bất kì đất nước nào.
Tại sao thế?
Nỗi sợ bị tụt hậu. Nỗi sợ bị bỏ lỡ, không nắm bắt cơ hôi. Hay khao khát được tự do, khao khát được ổn định hơn, an toàn hơn. So với thời cuộc nhiễu nhương và quá khứ có phần nhọc nhằn khan hiếm.
Có thể là một. Có thể là tất cả. Mình không biết.
Này bạn, người đang đọc những dòng này, có rơi vào mô tả trên?
Nhưng mình biết chắc một điều, ba đầu sáu tay và ôm những thứ nhiều hơn sức chứa của mình là con đường đảm bảo dẫn tới burnout.
Thế câu trả lời là gì? Có câu trả lời không, cho cái vấn nạn dẫn tới burnout ở trên?
Có chứ.
Một là bớt ham muốn lại, nghĩa là tự dưng bớt việc lại, bớt đặt mình vào cuộc chạy đua không hồi kết. Muốn biết mình nên 'muốn' tới đâu, thì nên rà lại xem sức chứa của mình tới đâu. Cứ vài lần burnout, dấu hiệu báo hết chỗ chứa rồi, thì bản thân sẽ tự khác bị buột bỏ bớt ra. Đấy là nếu chúng ta chịu thừa nhận, nhìn ra và chấp nhận nhé.
Hai là vẫn thích thế, vẫn khư khư những cái mình muốn làm được, thì sao nhỉ? Thì phải kỉ luật và siêu kỉ luật thôi. Đó là yêu thương mình đấy. Nếu không muốn mình bị burnout, thì kỉ luật làm cái mình cần làm, để tiến tới cái mình cần tới. Không lung tung phung phí thời gian sức lực, rồi lại vẫn muốn này muốn kia.
Để làm được như thế, hãy dặn lòng,
'Chọn việc quan trọng để làm. Khi mình làm các việc quan trọng, thì dần dần mình không còn việc khẩn cấp nữa. ... Lý do tại sao lo lắng căng thẳng vì chúng ta cứ phóng tâm đi khắp nơi. Hãy cố gắng chánh niệm. Giây phút hiện tại là thứ duy nhất thuộc về mình. Không phải tương lai, cũng không phải quá khứ. Nếu hỏi việc quan trọng của ngày hôm nay là gì, thì mình cứ tập trung vào việc đó.' KTS. Võ Trọng Nghĩa, trong một podcast trên Have A Sip đã chia sẻ.
Và đó là một ý mình cực kì tâm đắc và thực chứng. Để mình kể bạn nghe, khi bọn mình cùng học nhóm với nhau, mình trải nghiệm chuyện này, thực sự đó.
Mỗi tuần, tụi mình gặp nhau 1 buổi, và dành ra 50 phút để chú tâm.
Trước khi bắt đầu, tụi mình ngồi thật tĩnh và hít thở thật sâu 3 nhịp, cùng nhau đưa tâm trí về lại không gian và thời gian của buổi học nhóm. Sau đấy, mỗi bạn sẽ chia sẻ 'Mình sẽ dùng 50 phút tới đây để ...'. Đấy là một câu set intention (đặt sự chú tâm vào), khi bạn nói đồng nghĩa với việc bạn phát tín hiệu cho não và toàn bộ cơ thể sẵn sàng bước vào một phiên chuyên chú, bạn chuẩn bị tinh thần và tâm trí.

Và rồi tụi mình bắt đầu. Mình, người host, sẽ mở đồng hồ đếm ngược, và share màn hình cho mọi người cùng theo dõi. Tụi mình biết rằng, trong không gian này, thời gian này, tụi mình hoàn toàn tự do khỏi những ồn ào, câu chuyện, những lo lắng, những công việc danh sách khác. Tất cả mọi thứ gác sang một bên. Trong khoảng thời gian mà đồng hồ chạy, tụi mình có mặt và hiện diện với cái intention (ý định) mà mình đã đưa ra ngay đầu.
Bạn nghĩ kết quả thế nào?
Tụi mình tập trung và bình thản hơn rất nhiều.
Tất nhiên, không phải lúc nào tụi mình cũng sử dụng trọn vẹn 50 phút. Vẫn có những lúc bảo 'Vào phiên', đồng hồ cứ xoay, nhưng thói quen tâm trí vẫn lao xao chưa kéo vào kịp, hồn vẫn chưa kịp về lại ấy. Nhưng khi bình tĩnh lại, thì khoảng sau 8-10 phút tối đa là dần dần ai cũng vào nếp và bình an chuyên chú vào việc của mình.
Và đó là những khoảnh khắc rất đẹp. Im lặng và bình an.
Thế đó, bài viết hôm nay, là một bài vừa recap vừa chia sẻ những gì mình thấy thực sự hữu ích cho thời đại này, đến tất cả chúng ta. Nếu bạn cũng có những trải nghiệm tương tự, cho mình biết với nhé.
Cám ơn và chúc bạn những ngày cuối tháng 6 thật an.
26.06.2025
Norah VO
From Insights To Intelligence
Chương trình VỪA HÓNG VỪA ĐI (là chương trình học nhóm mình vừa nêu) đang mở đăng kí cho các bạn tìm kiếm một không gian thực hành sự chú tâm và hiện diện với chính mình. Trong không gian này, chúng ta đồng hành với nhau, và cùng nhau đi qua những phút thật có ích và yêu thương bản thân mình một cách rõ ràng và thực tế nhất. Bạn đọc thêm chi tiết ở đây nha.