Chào bạn.
Nhân sự kiện ngày chiều tối hôm qua khi Ấn Độ phóng tên lửa lên cung Trăng, mình được dịp nhớ lại một bài học thấm thía từ các phi vụ Rocket Launching (Phóng Tên Lửa) của đất nước này mà tất cả chúng ta đều có thể áp dụng được: TỐI ƯU NĂNG LƯỢNG
Mình xin phép kể lại câu chuyện từ một bộ phim của Ấn, khi họ diễn tả lại lần đầu tiên phi vụ phóng tên lửa lên Sao Hỏa thành công của đất nước vẫn-còn-nghèo so với các cường quốc suốt ngày phòng tên lửa như Hoa Kỳ, Trung Quốc hay Nga nhé. Đã có thời điểm quốc gia này nhận được nhiều lời cạnh khóe, móc mỉa về giấc mơ phóng tên lửa của họ từ cộng đồng mạng tại các nước giàu có khác.
Nói tóm lại, để phóng một tên lửa ra ngoài không gian, bạn không thể có tư duy giống hệt việc thiết kế một chiếc xe chạy trên đường được. Bởi vì một khi bắt tay vào thành hình, bạn phóng tên lửa đi, giây phút bấm nút, thì chỉ có một là “Có thể thành công” hoặc “Thất bại”. Không có chuyện phóng ra rồi bay không nổi mình kéo lại chỉnh sửa tiếp. Và một lần launching như vậy tiêu tốn cực kì nhiều tiền.
Với các quốc gia giàu có, chấp nhận thử và sai để tối ưu tên lửa là chuyện bắt buộc phải làm, và họ có tiền để làm chuyện đó. Nhưng với một quốc gia không có nhiều ngân sách như vậy, ngoài chuyện hạn chế số lần thử (thậm chí là không được phép sai) thì câu hỏi tiếp theo là
“Làm sao để tiêu tốn nhiên liệu hay năng lượng ít nhất để phóng từ Trái Đất đến Sao Hỏa?” (*).
Câu chuyện nhiên liệu hay năng lượng thực sự nếu vi mô thì chúng nằm ở bình xăng trong chiếc xe bạn đi, còn vĩ mô hơn thì là tên lửa là khủng hoảng năng lượng mà các cuộc họp báo cứ rần rần lên đó.
*Ghi chú của mình: Cung đường từ Trái Đất lên Sao Hỏa dài hơn là từ Trái Đất lên Mặt Trăng. Dưới đây là trailer bộ phim mình nói. Đây là một bộ phim có thật về nhiệm vụ Mangal phóng lên Sao Hỏa.
Quay trở lại với bộ phim mình kể, team lead của dự án Mangal là một người phụ nữ Ấn. Cô thật sự rất giỏi, nhiều kinh nghiệm và kiến thức về khoa học vật lý không gian, nhưng khi đụng tới việc “xin thêm ngân sách” thì tất nhiên là khó rồi.
Nước Ấn lúc đó có rất nhiều thứ phải chi, kiểu nhà nghèo đông con nhưng vẫn cần phát triển cạnh tranh ấy. Nên không có cách nào để cấp thêm ngân sách, một là dùng ngần đấy để trang bị đi thuê nhân sự, hay thiết kế tên lửa còn hai là tiêu hết nhiêu đấy tiền vào nhiên liệu mà chưa biết có phóng lên được tới cung trăng hay không?
Với tình hình khi đó, cho dù giỏi giang bao nhiêu, cô vẫn cần một team làm việc cùng nên quyết định “một cái đầu nghĩ không hết thì 10 cái đầu sẽ thông thoáng hơn”
Đường phóng tên lửa cũng được giảm thiểu tối đa để có thể tới nơi sớm nhất.
Các khả năng thất bại cũng được hoạch định và đề phòng.
Tuy vậy, tính toán ngày đêm nhưng tổng mức nhiên liệu cần vẫn còn thiếu hụt một đoạn thật nhiều. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng khi ngày dự kiến launching cận kề, một aha moment thật to đã được reo lên từ việc… nấu ăn của team lead.
AHA MOMENT TỪ NẤU ĂN: QUÁN TÍNH
Người Ấn có những món ăn cần chiên ngập dầu, kiểu như bánh phồng tôm của người Việt mình vậy. Lần đó, khi cô còn 3-4 chiếc bánh cần chiên, cô đã tắt bếp, và đổ bánh vào. Vài phút sau thì bánh chín. Và đó chính xác là cái đã cứu dự án của cô, nó cũng giúp người Ấn hùng dũng đưa tên mình vào bản đồ phóng tên lửa trên thế giới. Đường đường chính chính hiên ngang ngồi cùng các quốc gia giàu có khác.
Vận dụng quan sát này, đường phóng tên lửa đã được đổi, thay vì đi một đường thẳng từ Trái Đất tời Mặt Trăng, họ sẽ đi đường vòng theo quỹ đạo. Và xoay xung quanh quỹ đạo phóng đó vài lần. Trông nó sẽ như thế này, đây là bản đồ chính xác Tên lửa Chandrayaan-3 được phóng ngày hôm qua được thiết kế để đáp lên Cực Nam của Mặt Trăng.
Theo đó, khi tên lửa tiến ra khỏi Trái Đất, nó sẽ bay xung quanh Trái Đất 5 vòng. Cứ một vòng nhỏ, quành về, lại bay theo một quỹ đạo to hơn.
Làm chuyện này để làm gì bạn biết không? Để khi tên lửa đang trong đà bay với vận tốc đó, cung đường đó, thì khi đã gom đủ lực đẩy, để chặng cuối cùng, nó có thể hoàn toàn phóng hẳn sang Mặt Trăng. Điều hay ho ở đây là, năng lượng bỏ ra để tên lửa chạy, không nhất thiết phải sử dụng liên tục trong 5 vòng bay đầu.
Nó giống cái cách mà chúng ta đã dùng dầu sôi đủ lâu trong chảo, khi tắt bếp đi, độ nóng vẫn tiếp tục làm chín thức ăn trong một thời gian nhất định vậy. Ở đây, người ta cũng sẽ dừng đốt nhiên liệu tên lửa, để nó tiếp tục bay, và châm thêm nhiên liệu khi cần, với mục tiêu tạo đà để nó đủ lực mà phóng sang Mặt Trăng.
Bạn sẽ thấy các vòng cung màu xanh dương, cũng không phải là vừa phóng sang thì tên lửa đáp ngay lên Mặt Trăng như kiểu chúng ta chạy xe rồi kéo thắng cái két là dừng được. Nó cũng sẽ bay vài vòng quanh quỹ đạo, để thu nhỏ dần và từ từ chầm chậm đáp lên Mặt Trăng.
Hôm qua 14.07 là ngày tên lửa được phóng, và họ dự kiến ngày 23.08 thì nó sẽ chính thức đáp lên Cực Bắc của Mặt Trăng. Nếu thành công, Ấn Độ chính thức là quốc gia thứ 4 phóng tên lửa thành công lên hành tinh này. Xem thêm về phi vụ này ở đây
BÀI HỌC CHO NGƯỜI LÀM NỘI DUNG
Bài học ở đây là gì? Là trong tất thảy mọi thứ, chúng ta đều sử dụng năng lượng cả. Nhưng không phải lúc nào bạn cũng phải hừng hực, đốt hết năng lượng để thực hiện một nhiệm vụ nào đó, cho dù nó có linh thiêng với bạn đến mấy đi chăng nữa.
Chúng ta có nhiều hơn là một cách để tiêu tốn năng lượng. Có thể all-in dốc hết sức để tạo đà và sau đó lợi dụng quán tính mà để công việc chảy trôi theo. Có thể giữ năng lượng như ngọn lửa liu riu liu riu nhưng lại chín đều hết một nồi cá kho thơm phức.
Chung quy lại, là người làm nội dung, là người làm việc với sự hiện diện trước công chúng, chúng ta vẫn có quyền quyết định khi nào nên hừng hực tiến, khi nào nên liu riu vừa đủ, để cuộc hành trình không chỉ là phóng, mà còn có thu nữa.
Chúc bạn một cuối tuần bình yên.
Norah VO
From Insights To Intelligence
👍👍👍 Bài viết rất thú vị nha!
đưa vấn đề rất thú vị Ngọc ạ. Nhưng nếu nội dung phần cuối thêm 1 chút nữa chắc là "đã" lắm.