Một cách buồn cười nhưng thực tế cuộc sống là KHÔNG. Vốn dĩ con người chúng ta là giống loài sống theo bầy đàn, làm gì có cái chuyện không ai can dự tới ai mà cứ lớn lên. Ngay cả Tarzan cũng sống trong bầy Gorilla hay cậu bé rừng xanh thì được nuôi bởi bầy sói đó thôi. Vậy nên, nói đi cũng phải nói lại, Personal Brand - Thương hiệu cá nhân, thực ra có tính tương đối lắm, và nó sẽ CÁ NHÂN với một sô người dám sống thật và khác biệt thôi.
Personal Brand của bạn được lấy từ đâu?
Ở bài viết trước, mình khẳng định yếu tố personal trong việc làm personal brand. Hôm nay mình chia sẻ thêm một khái niệm khác mình từng được học trong môn Strategic Branding (Làm chiến lược thương hiệu). Đó là tất cả những lớp vỏ phủ lấy cá nhân bạn, một cách nào đó, nó sẽ giúp người khác định danh bạn là ai.
Ví dụ như: Regional Brand (Thương hiệu vùng miền) hay National Brand (Thương hiệu quốc gia) đi. Như mình đi, khi đi du học, cái đầu tiên mà người xứ này nhìn mình và nhận diện mình không phải là tên, tính cách gì hết trơn, đó là “She’s a Vietnamese // Con bé đó là người Việt Nam”. Còn đứa nào không biết tới Việt Nam vì chưa kịp nói chuyện với mình thì sẽ đơn thuần “label” đặt nhãn mình là “Asian // Á Châu”.
Vậy thì cái này liên quan gì tới mình? Có chứ, liên quan nhiều lắm. Vì mình được xem là dân Châu Á khi đi du học, lại kiểu Châu Á da vàng mắt hí nữa, thì những khi bài vở của mình điểm cao; bọn nó sẽ nói là “Ồ, thảo nào. Bọn Châu Á bọn mày học tập chăm chỉ phết, kinh thật.” Hoặc đơn cử như có mấy đứa bạn của mình, khi deadline tới cổ, bọn nó chưa xong, thể nào chúng nó cũng hỏi mượn bài mình xem. Cứ như thể là cứ là người Châu Á, là bạn mặc định sẽ học hành chăm chỉ, không bỏ sót buổi nào trên giảng đường Đại Học vậy đó.
Đó là National Branding. Trước khi người ta có thời gian biết bạn là ai, như thế nào; những kiến thức hiểu biết của họ về nơi bạn sinh ra và lớn lên, về những thứ xung quanh bạn đã là branding của bạn rồi đó. Nó sẽ áp dụng luôn cho các kiểu nhận diện như “Ồ, bạn là người miền Trung vào Sài Gòn lập nghiệp hả?”, “Người miền Nam”, “Người theo đạo a/b/c” … Tất tần tật những thứ đó là vỏ bọc để một người nhận xét rất nhanh về bạn, trước khi cái bản sắc cá nhân của bạn rõ ràng với họ.
“Nhà có nhà to nhà nhỏ, xe có xe đẹp xe xấu, còn bản sắc văn hóa dân tộc thì không có lớn nhỏ nha”
Mình cực kì thích phản ứng này của NSND Bạch Tuyết trong một talkshow của cô về Bản sắc dân tộc do Vietcetera thực hiện. Mình chưa bao giờ nghĩ xứ mình có một NSND đồng thời là một Tiến Sỹ. Khi tìm hiểu, hóa ra cô đã lấy bằng Tiến Sỹ mấy chục năm trước rồi với chủ đề Nghiên cứu âm nhạc khu vực Đông Nam Á (thông tin tổng quan, không chi tiết).
Trong talkshow đấy, cô chia sẻ việc mình tu học ở Anh và cách làm việc với những giáo sư để thuyết phục họ rằng “Thực ra, văn hóa khu vực chúng tôi là cái mà các ông cần này. Thực ra là các ông cần thông tin của bọn tôi. Còn những nghiên cứu Châu Âu, Mỹ v..v.. chẳng phải đã quá nhiều rồi sao?”. À, thì thực ra cô không nói như vậy nhưng mình hiểu, khi bạn cảm kích và nhận ra giá trị của nơi mình sinh ra, bạn có quyền tự hào về nó và có quyền lan tỏa hình ảnh của nó ra thế giới. Nên câu nói “Bản săc văn hóa không có lớn nhỏ!” là từ đó mà ra.
Trong bối cảnh này, bạn sẽ thấy, thông thường Personal brand của mình sẽ dựa vô cái nơi bao bọc mình. Nhưng nếu bản thân mỗi người ý thức được mối liên hệ qua lại lẫn nhau, thì chúng ta hoàn toàn có quyền làm rõ, thay đổi nhận thức của người ngoài tới vỏ bọc của mình. Lúc này, khi bạn đã thoải mái và tự tin với giá trị cá nhân của mình, bạn đang đi tiếp tới con đường lan tỏa và là đại sứ cho nơi chốn, hình ảnh, con người, văn hóa mà bạn thuộc về.
Company Brand chính là Brand của bạn
Cái này chắc dễ hiểu hơn nè. Bạn có công nhận, khi vào làm cho một công ty to, cái người ngoài nhìn vào sẽ là “Ồ, bạn là nhân viên của Coca Cola, của Tesla, Apple v..v.” thay vì người ta sẽ biết đến bạn là “Thu Thảo” đúng không? Tất nhiên ngoại trừ bạn bè thân, cái người ngoài nhận thấy từ thương hiệu của bạn, trong công việc, chính là những công ty bạn từng làm. Và đó lại là một dạng hình ảnh gắn với thương hiệu cá nhân của bạn. Nó biểu đạt chuyên môn, khả năng, thậm chí tính cách của bạn nữa.
Mình từng được hỏi thế này trong một lần phỏng vấn ở Việt Nam “Em từng làm ở đó nhưng sao chị không thấy em aggressive như mấy bạn ở đó ha?”. Lần đó mình chả biết nói sao với chị nhân sự, chỉ bẽn lẽn rằng “Dạ văn hóa công ty nhưng tùy cách mình hấp thụ mà có người này người kia. Cơ mà tùy là aggressive hay proactive nữa chị. Tùy sếp trực tiếp tùy thời kì v..v.. lắm”.
Và thú thật với bạn, nếu bất kì ai có ý định làm việc ngoài Việt Nam, việc sắm cho mình một vài hình ảnh ô dù (umbrella brand) từ các công ty tập đoàn quốc tế là cực kì cần thiết. Khi mình ở đây, chả ai biết mình là ai, cái họ biết là trường mình học ở đây và tên một vài tập đoàn mình từng làm.
Thế rồi cũng tương tự như ví dụ của cô Bạch Tuyết thôi, trong buổi talkshow trên OnMic, bạn MC - một nhân sự cấp cao cũng chia sẻ rằng “Khi một nhân viên vào công ty mình, những hình ảnh phát ngôn lời ăn tiếng nói trên mạng xã hội của bạn cũng được HR rà kỹ lắm. Lúc này, bạn là hình ảnh đại diện cho công ty. Bạn không thể mặc áo công ty chụp ảnh rồi phát ngôn bừa bãi trên MXH được.”
Chính xác. Tự do ngôn luận là đúng, nhưng khi bạn mang chiếc áo của một công ty, của một ngành nghề v..v.. bạn đang là nhân chứng sống cho tất thảy những lớp vỏ bạn mang theo luôn rồi đó. Mà “thuyền to, sóng to” - khi bạn ở một vai trò càng cao, thì hành động và hình ảnh cá nhân của bạn lại có sức ảnh hưởng gấp mấy lần của một nhân viên bên dưới.
Ấn tượng đầu tiên có phải là quan trọng nhất?
Lỡ nhắc tới chuyện thương hiệu công sở, có một bạn đã hỏi trong talkshow “Em sắp được nhận vào công ty thực tập. Vậy em nên làm gì để xây dựng thương hiệu cá nhân cho mình?”
Với mình, sau nhiều năm lăn lộn và chắc sẽ tiếp tục lăn lộn, mình thấy rằng “Khi đi làm, mọi người thường nghĩ tới ấn tượng, tới xây dựng hình ảnh cá nhân trong công ty, để mình nổi bật v..v.. Ai cũng nghĩ tới sự xuất hiện lấp lánh và WOW, nhưng ít ai nghĩ tới cái thực sự quan trọng, xong rồi sao nữa?”
Ví như lúc phỏng vấn, bạn thể hiện bạn làm được tất thì cách bạn giữ hình ảnh với sếp là bạn làm đúng và đủ những công việc được giao. Ví như bạn nói ở Đại Học khả năng teamwork tốt thì bạn cần thể hiện việc đó bằng cách làm việc với đồng nghiệp mới, bằng việc giúp đỡ những đồng nghiệp khác khi bạn có thể. Tóm lại thì hình ảnh của bạn sẽ tự động tỏa sáng nếu bạn biết trao đi giá trị cho người khác, trong công việc và cuộc sống.
Cuối cùng thì, ai cũng nghĩ tới lúc xuất hiện, nhưng cái thực sự quan trọng và ảnh hưởng sâu sắc tới personal brand của bạn là lúc hạ màn - lức bạn rời công ty. Nếu bạn thông báo nghỉ, thì trong 30 ngày còn lại, chuyện bạn vẫn tiếp tục những gì dở dang và bàn giao đàng hoàng tử tế cho người khác sẽ được sếp nhớ hoài nhớ mãi. Thay vì 30 ngày còn lại khi ốm khi bận khi thì quên luôn và không ai biết “dự án đó làm như thế nào tới đâu rồi?”.
Cơ bản thì, cái ngày bạn rời đi, hình ảnh của bạn với đồng nghiệp, với sếp, với công ty có còn giống cái ngày bạn bước chân vào hay không? Nếu còn và đẹp hơn nữa, chúc mừng bạn, vì bạn không chỉ xây personal brand tốt mà bạn đã xây được những chiếc cầu rất vững chắc cho 30 - 40 - 50 năm nữa trong suốt sự nghiệp của mình rồi đó.
Vậy đó, personal brand đúng là nó xuất phát từ cá nhân từng người. Nhưng trước khi một ai đó có thời gian và cơ hội để biết tới personal brand của bạn, thì bạn đang được “label” bởi các hình ảnh vỏ bọc xung quanh mình. Trong chung có riêng. Cho tới lúc bạn “xịn”, rõ ràng rồi thì bạn sẽ chắc chắn có cơ hội để làm rõ làm khác làm đẹp hơn chính các vỏ bọc bạn từng đeo. Bởi lúc này bạn đã thành sứ giả thương hiệu cho nơi mình sinh ra, sống và làm việc rồi.
Nên với mình, personal brand là chuyện ngày nào còn sống, ngày đó còn cơ hội xây, giữ và làm mới. Cho mình. Cho nhau.
NorahVO
Hình ảnh của t trong mắt mọi người đúng là có rất nhiều vỏ bọc, một cô gái HN học giỏi đi du học, một người Việt định cư ở Pháp với cuộc sống đáng ngưỡng mộ, một nhân viên lâu năm có thu nhập cao trong một cty dược của Pháp, một người vợ người mẹ đảm... nói chung khá đẹp đẽ. T ko phủ nhận nhg hình ảnh đó nhg đôi lúc chúng khiến t thấy áp lực, nên t muốn người khác nhìn nhận bản thân t theo nhg giá trị mà t cho đi, những điều mà t muốn làm, con người thật của t hơn. Nhưng điều này thật sự ko dễ chút nào ý.