Hello chào bạn,
Có bao giờ bạn tự hỏi “Liệu mình có thật sự đồng cảm đủ với khách hàng của mình chưa?” không?
Ra rả cũng nhiều về chữ đồng cảm, thấu cảm nhưng mình đã từng được nhận xét rằng bài viết thiếu sự thấu cảm. Đúng vậy, nhận xét thẳng thắn là “Bài viết của em thiếu sự đồng cảm với độc giả.”
Lần khác, một người em nhắn mình là “Chu choa, em mà không theo hết các nền tảng mạng xã hội của chị thì em sẽ không hiểu hết ý mà chị nói đó.” Lần đó, một ý nhưng mình diễn giải ra tận 3 - 4 nơi khác nhau, mỗi nơi là một hình thái câu chuyện.
Câu chuyện là của mình nên mình đọc tới đâu hiểu tới đó. Chỉ khi độc giả xem ở cả 3 kênh họ sẽ ghép lại được thành một câu chuyện liền mạch. Nhưng nếu chỉ xem ở một hoặc hai nơi, có thể ý chính mình muốn truyền tải vẫn có, nhưng nó tất nhiên không phải bức tranh tổng.
Lần gần đây nhất, khi một bài viết của mình cuối cùng cũng được một bên xuất bản duyệt, mình cũng tự ngộ ra được câu chuyện đồng cảm với độc giả là như thế nào. Bạn có tin là mình nộp ít nhất 3 bài viết dài long-form tâm huyết ngang nhau. Nộp, sửa, nộp, sửa lại, nộp, viết mới v..v.. không biết bao lần. Cho tới ngày deadline bắt buộc phải đi in, một là in hai là không gì cả thì bài cuối cùng của mình được chọn.
Viết một nội dung chạm tới độc giả, chắc chắn cần bỏ yếu tố đồng cảm vào. Điều này có vẻ khá cũ kỹ với nhiều người viết lâu năm. Mặc dù không phải là một tay viết lâu năm, nhưng thói quen viết lách đôi khi làm mình quên nhìn lại trước khi đặt mục tiêu viết.
Buồn cười là, đây cũng chính là phần căn bản trong câu chuyện xác định insight, chân dung độc giả mà mình luôn nhắc tới.
Vậy thì mình đã làm gì để thể hiện sự đồng cảm với độc giả?
1. XÁC ĐỊNH NỖI ĐAU CỦA NGƯỜI ĐỌC
Nối đau hay khó khăn là thứ bắt buộc bạn phải hiểu thật rõ trước khi đặt tay xuống viết dàn ý hoặc lên bài. Đặc biệt, bạn cần nêu được khó khăn này ngay từ những dòng đầu tiên nếu nền tảng bạn viết là trên mạng xã hội. Đơn giản vì chúng ta lướt rất nhanh trên mạng xã hội, nếu đọc những chữ đầu tiên mà không thấy dính líu gì tới mình, độc giả cho dù là tiềm năng với bạn họ cũng sẽ bỏ đi.
Ngoài ra, khi liệt kê được nỗi đau hoặc khó khăn của độc giả, bạn cũng có cơ sở để đặt tâm mình vào dòng suy nghĩ và cảm xúc khi đối mặt với khó khăn đó của họ. Tập trung cảm nhận của bạn và truyền tải nó qua bài viết bạn đang chia sẻ.
Nhắc lại: truyền tải qua chính bài viết, không nên và không cần nghĩ tới một series các bài viết khác. Cũng không cần nghĩ tới một chiến dịch to bự. Hãy tập trung xác định, cảm nhận và truyền tải trọn vẹn nỗi đau trong một bài viết đã.
2. VĂN PHONG PHÙ HỢP
Văn phong phù hợp là thứ đánh bại mình trong lần thử thách nộp bản thảo vừa rồi với NXB đấy, bạn có tin không? Mặc dù là người được NXB liên hệ đặt hàng bài viết, nhưng mình là người gần như hốt cú chót khi nộp bản thảo cuối cùng và nín thở cầu nguyện để được duyệt.
Tại sao lại như vậy? Vì mình tưởng tượng là văn phong trên các phương tiện truyền thông chính thống phải nghiêm túc và chuyên nghiệp. Đó là phong cách viết truyền thông thương hiệu hay kinh doanh như tạp chí Forbes, Nhịp cầu đầu tư hay ghê gớm hơn là các Tạp chí khoa học như Journal of Marketing. Một cách vô hình, mình rén. Cảm giác phải có trách nhiệm nhiều hơn nữa, hàm lượng kiến thức đổ vào phải sâu để xứng đáng với độc giả.
Nhưng mà nó trớt quớt. Bài học vỡ lòng cho các bạn lăm le viết bài cho tạp chí hay bất kì khách hàng nào thì: mình phải hiểu văn phong và chân dung độc giả của thương hiệu đó.
Vậy nên tới lần gần cuối, mình mới vỡ lẽ ra cách diễn đạt nào giờ của mình đã quá ổn với phong cách của tạp chí, không cần phải thiên biến vạn hóa gì cả.
3. THÔNG ĐIỆP NHẮN NHỦ
Vẫn là một bài học vỡ lòng khác nhưng nó thực sự quan trọng để mình nhắc lại. Khi bạn đã vẽ được nỗi đau của độc giả, bạn đương nhiên sẽ có rất nhiều cách chia sẻ về giải pháp. Phong cách chia sẻ sẽ phụ thuộc vào bản sắc riêng của bạn và chân dung độc giả của bên phân phối nội dung (ở đây là NXB).
Nhưng cái chỗ giải pháp này chính là thứ cần nói. Nó liên hệ chặt chẽ tới đối tượng độc giả. Như mình viết ở trên, cho dù newbie hay người có chuyên môn lâu năm đều có thể gặp khó khăn trong việc xác định insight đúng đối tượng, cái khác nhau là kinh nghiệm và hàm lượng kiến thức mà họ đã có cho riêng mình.
Vì vậy, nếu mình viết cho newbie thì rõ ràng khoan nói tới thuật ngữ hay công thức, hãy nói tới những thứ dễ áp dụng, dễ hành động nhất. Trong khi đó, nếu viết cho người có chuyên môn, hãy đưa thêm dẫn chứng thuyết phục, thậm chí các xu hướng mới nhất để họ có dịp được cập nhật.
Tóm lại, một nỗi đau nhưng nhiều giải pháp và nhiều thông điệp có thể đưa ra. Cần xác định rõ bạn muốn giúp đỡ ai khi bắt đầu viết một nội dung chia sẻ.
TẠM KẾT
Những yếu tố ở trên không mới, nhưng nó không bao giờ cũ. Bạn có thể ứng dụng vào một bài viết ngắn, dài, social post; một bài giảng, một workshop cho tới một chiến lược kinh doanh. Cái hay của người thường viết là họ có thể có sẵn nỗi đau hoặc giải pháp muốn chia sẻ với khách hàng của mình. Nhưng cái dở là nếu họ viết một cách bản năng (như mình chẳng hạn) mà quên rà lại nội dung của mình đã đủ cảm thông với người đọc chưa, thì thật là tắc trách.
Có những lúc bạn nhìn thấu nỗi đau, bạn chực chờ chia sẻ giải pháp. Nhưng chưa chắc độc giả của bạn hiểu rõ được khó khăn bạn đang nói tới trông như thế nào, và họ có dính líu phần nào trong đó đủ để họ được dẫn dắt tới giải pháp mà bạn đang nóng lòng cho đi.
Cũng có khi giải pháp bạn đưa ra bạn nghĩ là tuyệt mỹ lắm rồi, nhưng lối diễn đạt quá khập khiễng với khả năng đọc hiểu của đối tượng. Vô hình chung, đó là một giải pháp hay nhưng không ai có thể xài được vì họ không hiểu.
Vậy đó, đây là bài học gần nhất của mình. Cũng là những thứ đơn giản thôi, cũng là chân dung khách hàng, cũng là nỗi đau, là giải pháp. Nhưng nó quan trọng, cực kì quan trọng để bản thân cần rà soát lại sau mỗi bài chia sẻ mà mình muốn trao đi. Và đó chính là lúc bạn thực sự đồng cảm với độc giả của mình đó.
Cám ơn bạn đã đọc bài viết hôm nay. Chúc bạn một tháng 8 thật nhiều năng lượng.
Norah VO
From Insights To Intelligence