Hello hello,
Chào bạn. Dạo gần đây mình nhận được khá nhiều câu hỏi về những nguồn thông tin bản thân theo dõi cho công việc nghiên cứu và phân tích insight, bài hôm nay mình sẽ chia sẻ về chủ đề này. Âu cũng là một phần tiếp nối đúng đắn sau loạt bài kỹ năng đặt câu hỏi tuần trước.
Thú thật với bạn, có rất nhiều lý do mà mình nấn ná chia sẻ danh sách này, không phải vì mình muốn giấu, nhưng nó sẽ không giống với nhiều người mong đợi:
mình bắt đầu làm việc tại market research agency và hiện vẫn đang làm việc trong lĩnh vực insight, nên có thể nói mình sống trong thế giới này cũng lâu rồi
mình có xu hướng “lủng chỗ nào vá chỗ đó” và mình tự học hầu hết mọi thứ, bằng việc bắt tay vào làm
thói quen đọc của mình là report và theo dõi webinar (khi rảnh)
và cuối cùng là thế giới ngày nay có quá nhiều thông tin (mà mình cho là noise) nên nếu hạn chế được càng nhiều thứ gây xao nhãng, bạn sẽ càng đỡ căng thẳng hơn
Nhưng như đã hứa, sau đây là một vài cái tên mình đã đi qua trong hành trình chuyển mình từ analyst sang digital marketer. Đi từ căn bản, mình sẽ khuyên mọi người bắt đầu với kiến thức nền tảng trong Marketing
Những khóa học Marketing và phân tích FREE
Google Analytics từ cơ bản tới nâng cao: bạn nào còn yếu hoặc chưa biết analytics là gì, nên học để hiểu, để biết. Dành chừng 1 tuần túc tắc mỗi ngày 30 phút là bạn có thể hoàn thành rồi. Sau khi học xong, bạn ít nhất sẽ hiểu cách người ta xài dữ liệu, lấy cái gì ở đâu.
Digital Marketing từ Google Garage: thế mạnh của Google là search, cho nên khóa học về Marketing của Google cũng nhắm vào Online Owner và việc dùng SEO, search thông tin v..v.. Nhưng khóa này vẫn đáng để theo.
Hubspot Academy: bạn nào thích Blog và cách vận hành automation, nên theo các khóa của Hubspot.
Học xong các thứ về Blog và Analytics rồi thì qua Facebook Academy học, tất tần tật về tạo Reels, Stories trên Instagram rồi qua tới Facebook. Tiktok cũng có và Pinterest cũng vậy. Các nền tảng muốn có users, họ sẽ tự lập Academy ra để bạn học và ứng dụng. Nếu bạn học xong hết các món này, bạn cũng có khái niệm và phản tư lại cách các content creator khác đang sáng tạo trên từng nền tảng như thế nào.
Học xong về Content thì học tiếp về Ecommerce: có thể lên Shopify học, hoặc qua Lazada và Shopee cho thuần Việt
Xong nữa thì qua SEMRUSH và Moz để đọc và hiểu về SEO
Cuối cùng là thiết kế: bạn có thể học ở Canva. Canva có hẳn academy để bạn hình dung về thiết kế như nào cho đẹp, về tư duy trong thiết kế, tips and tricks. Adobe cũng là nơi có thể học hỏi thêm về thiết kế.
Nền tảng xong và trám thêm các thông tin xu hướng xung quanh, thì lúc này tùy vào ngách mà bạn chọn để theo dõi. Lĩnh vực mình quan tâm tập trung vào cố vấn chiến lược, lãnh đạo và hành vi tiêu dùng nên các cái tên sau là nơi mình thường lui tới.
Danh sách các tổ chức mình theo dõi
McKinsey: là một nơi mình luôn bay vào để xem xu hướng, các thuật ngữ chuyên ngành và những thứ vĩ mô. McKinsey thường sẽ cho mình một hình dung cái nhìn tầm xa từ 2-3 năm như câu chuyện năng lượng, lãnh đạo nhân sự hay tình hình sức khỏe tinh thần v..v..
World Economic Forum: có các cate (nhánh) mà bạn có thể quan tâm từ giáo dục K12 tới bậc cao, tới biến đổi khí hậu, kinh tế tài chính, nền kinh tế số . . .
Euromonitor: cũng thường có webinar và các báo cáo năm về xu hướng người tiêu dùng. Tổ chức này cũng đáng tin cậy khi đọc và sử dụng báo cáo của họ để đưa quyết định
Deloitte, PwC, BCG hay Havard Business Review cũng là những cái tên mình hay tìm đọc về hành vi tiêu dùng
Với media hay truyền thông branding bạn có thể theo dõi Nielsen, Kantar WPP, Gartner, Ogilvy, Dentsu: báo cáo global là đa số, hoặc gần lắm nên xem khu vực Asia-Pacific, và nhắm vào Indonesia/Thái Lan để hình dung Việt Nam trong 1 năm nữa chẳng hạn.
đi kèm với email newsletter từ các startup hay thoughtleaders trong ngành
Bản tính của người làm research nên những con số từ các tổ chức chuyên môn khiến mình yên tâm hơn. Ít nhất khi đọc, mình hiểu được đối tượng họ nghiên cứu và mức độ đáng tin như thế nào vì đó là danh tiếng của tổ chức.
Các công cụ và newsletter dùng để theo dõi và cập nhật xu hướng trong Marketing
Google Trends: hãy điền vào một keyword hay xu hướng nào đó để hình dung số lượt tìm kiếm trên xu hướng này, tại từng khu vực đang diễn ra ra sao
Google Alerts: là việc bạn đăng kí với Google những chủ đề mà bạn quan tâm, Google sẽ gửi lại email cho bạn tất cả các đầu báo cho tới báo cáo có keyword hoặc cụm từ mà bạn đăng kí [mình từng dùng và vẫn lâu lâu dùng, nhưng mình không active với công cụ này nữa vì có quá nhiều thông tin mà mình không có thời gian lọc chất lượng của nó]
Trang thông tin từ Hubspot: thường nội dung gắn với Blogger và dữ liệu tập trung nhiều ở thị trường Mỹ. Tuy nhiên các báo cáo của Hubspot cũng có thể dùng để bạn tham khảo xu hướng chung và có cái nhìn rộng hơn, đối chiếu với những hoạt động mình đang làm.
Marketing Brew: tổng hợp các sự kiện nóng hổi hằng ngày trong giới Marketing, Branding và từ đó bạn có thể đi tiếp đến rất nhiều cái tên khác
Content Marketing Institute: cũng là một trang thông tin tổng hợp với các đầu báo cáo liên quan tới nội dung truyền thông tiếp thị. Thị trường vẫn tập trung vào Mỹ và Châu Âu nhiều hơn là Châu Á Thái Bình Dương.
Trang thông tin từ BrandsVietnam: có newsletter hàng tuần để bạn đọc và cũng có fanpage để bạn theo dõi [lâu lâu mình cũng check nếu có thông tin hay case study hay ho. Nhưng thú thật nếu bạn là freelancer hoặc không làm nhiều với corporate, những câu chuyện thị trường, chiến dịch truyền thông sẽ mang tính khơi gợi cảm hứng nhiều hơn. Các bạn có định hướng theo agency/client sẽ phù hợp với BrandsVietnam]
Trang thông tin Advertising Vietnam: cũng gần giống thông tin của BrandsVietnam, bạn sẽ đọc nhiều về mảng sáng tạo nội dung và làm truyền thông quảng cáo. Đọc để nắm thị trường Việt Nam cũng tốt.
Shopify: nói gì thì nói mình biết và làm digital marketing vì mình làm việc trong mảng thương mại điện tử, cụ thể là Shopify, nền tảng ecommerce lớn nhất hiện nay. Do vậy, mình vẫn cập nhật thông tin từ Shopify để có cái nhìn thị trường toàn cầu là chính, và các nguyên lý vận hành doanh nghiệp online. Tính xâu chuỗi và kết nối về mặt thông tin, đối với mình quan trọng hơn là những mảnh ghép nhỏ.
Think with Google: nếu bạn chăm đọc báo cáo mình gửi, bạn sẽ thấy mình rất tin tưởng vào các báo cáo insights từ Think with Google. Đơn giản vì mình hình dung được cách họ làm nghiên cứu, data analytics và cũng phần nào dự đoán (lọc bớt những định hướng từ nền tảng này), nên phần insights đằng sau đó vẫn có thể gọi là đáng tin cậy.
Báo cáo từ các nền tảng như Facebook, Tiktok, Pinterest, LinkedIn v..v.. bạn dùng cái nào thì bạn nên đọc báo cáo và phần Insight của người đó. Lẽ dĩ nhiên, như mình có chia sẻ ở trên, khi đọc nhớ question (tự hỏi) rằng thông tin này có định hướng mình không? Ví như Google bảo nhiều người dùng Youtube như nền tảng Video nhất thì liệu đó có trung thực hay có thêm chút mắm muối vì Google đang quản Youtube không?
Tóm lại thì, đọc báo cáo nhất nhất là báo cáo free thì nên chịu khó tổng hợp, chắt lọc, phân tích thẩm định lại từ nhiều nguồn và … đừng tin 100% tất cả những gì mình đang đọc. Trong nghiên cứu lúc nào chả có sai số và trong sự thật thì vẫn có thể có 0.0001% là khả năng giả thuyết mà.
Các thought leaders
Chị Linh Phan về solopreneur
Simon Sinek về quản lý lãnh đạo
Adam Grant về tâm lý tổ chức
James Clear về làm việc hiệu suất
Tiago Forte về việc build a second brain
Seth’s blog về marketing
Neil Patel về SEO, Blog
Đây là danh sách chung và khá tổng quan, nhưng khi bạn đã đi sâu vào từng ngách nhỏ hơn, bạn sẽ lại có những cái tên khác cho mình. Nếu bạn insight là một điều bạn mong muốn cải thiện trong năm nay, hãy giúp mình hiểu hơn nhu cầu của bạn bằng khảo sát này nhé. Mình sẽ tặng bạn một báo cáo chuyên sâu tùy chọn.
Nói tóm lại, thông tin trên mạng có rất rất nhiều. Việc bạn lọc qua cái nào phù hợp với mình ở giai đoạn nào để làm công cụ dẫn đường mới là thứ quan trọng. Điều quan trọng thứ hai (với bản thân mình) là hiểu cách tốt nhất bản thân biến kiến thức thành của mình là gì? Với mình, đó là LÀM và CHIA SẺ. Gần đây nhất là việc mình đi dạy về Digital Marketing, còn trước đó là việc mình cố vấn và bắt tay vào làm. Nên mỗi giai đoạn sẽ cần một loại nguồn thông tin và cách thực hành khác nhau.
Chúc bạn chọn cho mình một hành trang vững vàng và tiếp tục có những trải nghiệm insightful cho mình nhé.
Norah VO
From Insights To Intelligence
Đọc lại bài này một lần nữa, từ comment của bà với bé Hương. Nhận ra rằng danh sách kỹ năng cần học của tui một phần được xây dựng dựa trên bài viết này của bà. Rất hữu ích. Thanks bà bà :)))
Cảm ơn chia sẻ rất đầy đủ của bạn.