Hello,
Chào bạn. Trong một bản tin trước đây, mình viết về lăn tăn của bản thân trong việc chọn kênh để chia sẻ nội dung. Đã có lúc mình chọn viết trên page blog, có lúc lại trên page cá nhân, nhưng chủ yếu các nội dung chuyên môn đang được tập trung trên bản tin mà bạn đọc hằng tuần đây.
Mình nghĩ, không chỉ có bản thân, mà nhiều người cũng có thể trải qua cảm giác tương tự, mà mình gọi là giữ hình ảnh một low profile trên cộng đồng mạng.
1. Low profile là gì?
Xét trên phương diện truyền thông nền tảng mạng xã hội, low profile là những tài khoản không gây nhiều chú ý. Nghĩa là ít có các dòng chia sẻ công khai, hoặc những hoạt động tương tác (đặc biệt trên Facebook) để tránh việc thông báo gửi đến danh sách bạn bè.
2. Hiện tượng giữ cho profile của mình low
Đây là một hiện tượng có thể không hiếm, có khi chính bản thân hoặc bạn bè người thân xung quanh chúng ta đều có hành vi biểu hiện này. Một báo cáo của Pew Research vào 2019, có khoảng 74% người dùng Facebook tại Mỹ đã chỉnh mức độ riêng tư trên tài khoản cá nhân của mình. Bao gồm việc chỉnh nội dung thành riêng tư, hoặc gỡ bỏ các hình ảnh nội dung được người khác gắn thẻ.
Mặc dù mình chưa kiếm được tỷ lệ này tại Việt Nam, nhưng mình cá con số điều chỉnh quyền riêng tư về thông tin của người dùng Facebook Việt Nam cũng không nhỏ. Có thể xem đây là một hành động đối phó với cảm giác không an tâm về tính bảo mật thông tin cá nhân từ người dùng khác trên không gian mạng xã hội.
3. Việc giữ low profile hiện tại đang như thế nào?
Khi đặt câu hỏi này ra, mình quả thực đã có một vài suy nghĩ trong đầu. Cho tới khi ngồi xem phản biện của mọi người trên nhóm Everyday Insight, các lập luận và phân tích của mình về chữ low profile và những thứ liên quan tới nó cũng đầy đặn hơn.
Có khá nhiều ý kiến, xoay quanh nhiều nhất tập trung vào các yếu tố sau:
Mục đích xây dựng và giữ gìn profile
Lựa chọn kênh truyền tải hình ảnh hay thể hiện profile
Trước hết, ta sẽ không tránh khỏi những cá nhân tên tuổi lẫy lừng hoặc là một high profile nhưng họ vẫn có một “low profile” trên mạng. Vì thực chất, kênh xây dựng network hoặc profile của những cá nhân này vốn nằm tại môi trường công sở, trong các buổi họp mặt offline hoặc tại các buổi pitching doanh nghiệp. Đây là các cá nhân không có nhu cầu xây dựng profile hay thương hiệu cá nhân trên nền tảng mạng xã hội.
Trong trường hợp này, mạng xã hội đơn thuần là nơi để tiêu thụ thông tin.
Với một nhóm khác, những người đang hoạt động nhiệt liệt trên thế giới mạng. Nghĩa là họ vừa là người tiêu thụ thông tin rất nhiều, và cũng là người sản xuất phát tán thông tin. Lúc này, chủ đích của từng cá nhân sẽ khác nhau. Một người có thể có rất nhiều profile hay account trên Facebook, bao gồm trang cá nhân và trang doanh nghiệp. Họ có thể dùng từng profile khác nhau phục vụ cho các mục đích khác nhau.
Ví dụ như mình, mình sử dụng một trang cá nhân nhưng lại có nhiều trang doanh nghiệp. Đã có lúc mình tạo trang blog riêng để tập viết và sưu tầm các nội dung bản thân yêu thích. Đó là giai đoạn đầu khi mình chưa thoải mái với việc xuất hiện bằng tài khoản cá nhân. Mục tiêu lúc đó là tập viết. Nhưng sau này, khi việc xuất hiện dần trở nên bình thường và định hướng của mình thay đổi, mình không chỉ dùng tài khoản cá nhân để tương tác, tham gia hội nhóm mà còn chia sẻ nội dung trên tường nhà, và thành lập một cộng đồng riêng. Có thể thấy, đây là một hoạt động xây dựng profile có mục đích. Mình lúc này, vừa là người tiêu thụ nội dung vừa là người tạo ra nội dung, ngay trên một nền tảng là Facebook.
Nếu nhìn sang các nền tảng khác nhau, lúc này, sẽ có trường hợp một người có hết tài khoản cá nhân từ Tiktok, Instagram, tới Facebook và Youtube. Một lần nữa, việc lựa chọn đâu là nơi tiêu thụ nội dung và đâu là nơi tạo mới nội dung, xây dựng profile sẽ phụ thuộc vào mục tiêu và đối tượng cần tiếp thị.
Thực ra, mỗi nền tảng sẽ có một kiểu nội dung khác nhau, cho dù có xuất phát từ một thương hiệu đi chăng nữa. Luật chơi khác nhau, người dùng sẽ kì vọng các định dạng và cách triển khai nội dung khác. Nhưng chuyện này mình sẽ bàn một lúc khác.
Lúc này, nếu chỉ xét trên không gian mạng, là nơi chứa các kiểu nội dung thông tin khác nhau, chúng ta sẽ có hai kiểu hành vi: tiêu thụ và sáng tạo nội dung. Một cá nhân có thể làm cả hai hoặc đơn thuần tiêu thụ nội dung.
4. Vậy low profile là tốt hay xấu?
Thực tế chẳng có một câu trả lời cụ thể tốt hay xấu ở đây. Vì định nghĩa tốt hay xấu lại tùy thuộc từng người. Tỉ dụ như người lớn nhìn trẻ con lên mạng suốt ngày và cho rằng điều đó có hại cho bọn trẻ, trong khi bọn trẻ lại nghĩ mạng xã hội giúp chúng kết nối với bạn bè tốt hơn.
Tuy nhiên, cái mình muốn nói ở đây là thói quen của việc giữ bản thân luôn luôn low, từ không gian mạng tới đời thực, thói quen trở thành “người vô hình” ở bất kì nơi nào có thể, thói quen tiêu thụ và tiêu thụ nhưng không dám tạo mới hay chia sẻ bất kì một điều gì ra bên ngoài.
Như member Thu Phương và Lê Uyên có chia sẻ “Vì nó tạo cho mình cảm giác an toàn vì không ai biết mình là ai làm gì hết. “ hay “ Cách sống low profile luôn ở trong vùng an toàn, khiến mình mờ nhạt và dễ tan trong đám đông. Và em cũng tin rằng để bước ra ngoài và làm điều gì mới cần rất nhiều sự dũng cảm. Nhưng chúng ta chỉ có cách đó để đi lên và thực sự phát triển thôi. ”
Và đây là cái mình muốn nói. Low profile không xấu, nếu chúng ta có nhận thức mình đang tạo một định danh trên mạng để âm thầm tiêu thụ nội dung. Nhưng cái gì nhiều quá cũng không tốt. Như việc ăn rất nhiều thứ vào bụng, bạn sẽ cần tiêu hóa nó. Một ngày hai ngày cho tới một tuần, nếu không làm chuyện đó, cơ thể sẽ rất mệt mỏi. Và low profile cũng tương tự vậy, nếu tạo ra để giữ cho mình sạch hay kín kẽ, nhưng quên mất mình vẫn đang tiêu thụ một lượng thông tin ồ ạt mỗi ngày, và không có đầu ra, lâu dần sẽ thành hại.
Vả lại, quả thực với việc bảo mật thông tin, chúng ta có thể che giấu các cặp mắt thông thường (là những người dùng khác) nhưng thực tế nhất cử nhất động đều sẽ được ghi nhận thông tin vào lịch sử nền tảng đó. Đơn giản chúng ta là người dùng miễn phí trên một nền tảng, nên thông tin là chi phí ta sẽ trả lại cho người tạo ra nền tảng chứ. Và nó sẽ đi tiếp như thế nào, thì tìm hiểu kỹ hơn bạn sẽ rõ.
TÓM LẠI THÌ
Ngoài đời chúng ta có danh tính thực, trên mạng, chúng ta lại có danh tính mạng (online identity). Việc tạo một hay nhiều danh tính trên mạng như thế nào phụ thuộc vào nhu cầu và mục đích của từng cá nhân. Và nó gói gọn vào hai chức năng: tiêu thụ và tạo mới nội dung.
Quy trình tiêu thụ, tiêu hóa và tạo mới cần được cân nhắc, để tránh đưa chính mình vào cái bẫy over-consumption (tiêu thụ quá đà) và thụ động. Vả lại, thói quen luôn ẩn mình nếu không có nhận thức rõ, sẽ dễ khiến bản thân cảm thấy vô hình. Mà cảm giác vô hình thoạt đầu rất dễ chịu và an toàn, nhưng lâu dần, sự vô hình đó có thể tiềm tàng cảm giác “không nên nói, không nên lên tiếng, không nên nêu quan điểm, không nên chơi trội … vì mình vô hình, mình không quan trọng.” Và đó là cái, với mình, hại lớn nhất cho việc giữ low profile nếu không nhận thức được.
Thay vào đó, hãy rà soát lại hoạt động của mình, tỉnh táo hơn. Hãy mạnh dạn bắt đầu chia sẻ và nêu quan điểm. Có thể dùng phương pháp ẩn danh, có thể bình luận. Nhưng tuyệt nhiên đừng chỉ “chơi” mạng xã hội theo quán tính.
Norah VO
From Insight To Intelligence
Em cảm ơn chị đã chia sẻ, vì đây cũng là chủ đề dạo gần đây em rất quan tâm. Trước giờ, em đúng nghĩa là một low profile trên mạng xã hội. Ngoài việc cách vài tháng chia sẻ những hình ảnh đi cafe hay đi ăn cùng bạn bè thì tuyệt nhiên không có bất kỳ chia sẻ cá nhân nào của em trên Facebook. Em (tự cho rằng) mình cũng là một người consume thông tin và kiến thức rất nhiều trên mạng xã hội. Dạo gần đây cũng đang muốn bắt đầu ngoi lên mạng để viết nội dung nhưng lại đang gặp rào cản tâm lý về việc sử dụng danh tính nào để chia sẻ. Thật may là đã đọc được bài viết này từ chị ❤️
Em xin hỏi chị thêm 1 ý về việc online identity của mình có nhất thiết phải giống với identity ngoài đời thực của bản thân mình không? vì nhiều khi identity ngoài đời là do mình cố tính xây nên cho người khác thấy, và có những điều mình không thể hiện ngoài đời mà dùng con chữ để thể hiện trên không gian mạng. Hy vọng được chị chia sẻ ạ. Em cảm ơn.