Khi thương hiệu cá nhân là một vòng phản chiếu, bạn không xây hay phải bịa ra
Bạn lắng nghe - soi chiếu tất cả dẫn chứng xung quanh về bạn, thì 'nó' sẽ bước ra
Hello chào bạn,
Đáng lẽ mình sẽ không gửi liền tù tì bản tin như này đâu. Nhưng sau bài viết nối dài về internalize (nội tâm/tại hóa) và brand (thương hiệu), mình thấy vẫn còn sót.
Sau khi đăng vội vài dòng trên facebook, mình tự xâu lại thành mấy ý cũng hay và hữu ích, nên xin phép gửi lại cho bạn nào đang gặp những câu hỏi/khó chịu tương tự như mình, trong việc thể hiện bản sắc cá nhân ra ngoài nhé.
Có một dạo (thật ra là nhiều dạo lắm) mình lướt lại nội dung đã viết trên facebook lẫn bản tin chuyên môn.
. Có bài thì thấy 'ồ, lúc đó viết được quá ha, cũng nhiều ý thú vị hay ho phết. Ủa mà sao ít vậy không thấy nói tiếp nữa'.
. Cũng có lúc lướt tường nhà mình xong cái bị làm mệt =)), đọc lên sao thấy con Ngọc nào lạ lạ kì kì, thiếu điều không ưng muốn unfr luôn ... mà đâu có được.
May quá dạo đó không nhiều, vì làm siêng đi soi lại coi mình có sắm cái vai nào giả trân với mình không?
Nhưng nói thiệt, khi bắt đầu bước ra viết, đọc và hiểu thêm về cái gọi là thương hiệu cá nhân, là mình bắt đầu có nhiều suy nghĩ và quan sát, đối chiếu. Nhất nhất là khi có nhiều hình mẫu, công cụ, kĩ thuật nọ kia; tự dưng mình càng thấy cần thiết giám sát chính mình.
Tại sao?

Có những lúc mình thấy người ta xây thương hiệu cá nhân... như đang đóng một vai nào đó.
Ban đầu là cố gắng để “trông chuyên nghiệp”, “hợp với ngành”, “phù hợp thị hiếu khách hàng”. Nhưng càng làm, càng thấy không ổn – nội dung thì đúng, hình ảnh thì đẹp, nhưng bản thân thì không cảm được chính cái thương hiệu của mình. Như thể đang kể một câu chuyện không phải của mình vậy.
Rồi mình bắt đầu thấy mệt, rồi nghi ngờ bản thân, rồi... lạc.
Thật ra điều này không hiếm. Bởi vì không phải ai cũng rõ ràng ngay từ đầu:
. Mình là ai? (câu hỏi lớn quá, nhưng vẫn cần hỏi để tự nhắc cho tỉnh)
. Mình đại diện cho điều gì? (ít ra sẽ cố gắng trả lời ở giai đoạn tự hỏi)
. Tính cách nào của mình muốn được người khác cảm nhận rõ nhất?
Mình nhớ lại giai đoạn đầu khi bắt đầu viết nội dung và làm tư vấn – thật lòng mà nói, lúc đó mình cũng không hẳn xác định được “giọng nói thương hiệu” của chính mình là gì. Mình viết theo cảm nhận, theo quan sát và nhu cầu phân tích tự nhiên của bản thân, nhưng cũng hay đặt câu hỏi: liệu có ai hiểu không? Có ai cần những thứ sâu như vậy không? Có khi nào mình đang viết quá xa nhu cầu thị trường?
Nhưng mình vẫn tiếp tục viết – vừa viết, vừa đối chiếu lại chính mình. Viết để hiểu mình. Viết để thử nghiệm cách nói, cách nghĩ, cách kết nối.
Dần dần, một điều thú vị bắt đầu hiện ra
Mình phát hiện ra những người phản hồi lại với nội dung của mình – dù là bình luận công khai, hay tin nhắn riêng tư – đều là những người có chiều sâu suy nghĩ, yêu thích sự chân thực, tử tế, và đang trên hành trình phát triển bản thân, nội lực và đời sống tinh thần.
Họ quan tâm tới những chủ đề như:
Làm sao để giữ sự chính trực giữa thị trường đầy áp lực phải “phù hợp”
Làm sao để kết nối thật, không phô diễn
Làm sao để sống có hệ giá trị rõ ràng mà không phải gồng
Đa phần các bạn đó là educator, health coach, coach tâm lý hoặc phát triển cá nhân – những người không chỉ bán sản phẩm hay dịch vụ, mà còn mang một câu chuyện sống, một giá trị sống rất rõ ràng phía sau.
Và thế là, một cách tự nhiên, sách mình chọn đọc, podcast mình nghe, đến cả người mình follow – và ngược lại, những người dõi theo mình – đều dần dần tạo thành một vòng phản chiếu bản sắc rất thật của chính mình.
Có những bài mình post lên xong flop thiệt. Reach thấp, tương tác lèo tèo. Nhưng rồi lại có bạn nào đó inbox rất riêng tư, nói một câu làm mình ngồi lặng vài phút:
"Chị ơi, bài này đúng cái em đang nghĩ, mà không biết gọi tên nó là gì."
Hay là:
"Đọc bài này thấy được an ủi ghê. Không cần vội, chỉ cần giữ đúng cái chất mình."
Những khoảnh khắc đó cho mình cảm giác: đúng rồi, cái ý định ban đầu khi mình bắt đầu viết – là kết nối thật, là chia sẻ thật – đã được đón nhận và đền đáp rồi nè.
Vậy rồi, mình dần dần tìm ra và phân tích được cái giọng/cái bản sắc của mình như thế nào?
1. Hãy nhìn vào những món đồ bạn đang yêu thích
Thử chọn vài món mà bạn thường dùng – thứ gì đó có ý nghĩa với bạn. Có thể là:
Một chiếc túi bạn mang đi đâu cũng thấy tự tin
Một góc bàn làm việc bạn tự tay sắp xếp
Một brand hay cái tên bạn follow không cần lý do
Nhìn kỹ vào nó. Rồi tự hỏi:
Món đồ này mang màu sắc cảm xúc gì?
Nếu nó là một con người, nó sẽ có tính cách như thế nào?
Phần nào trong bạn đang đồng điệu với nó?
Không có câu trả lời đúng hay sai. Nhưng khi bạn bắt đầu trả lời được những câu hỏi này, bạn đang chạm vào phần rất thật – phần đã và đang hình thành bản sắc cá nhân của bạn.
2. Nếu bạn là người đang xây thương hiệu cá nhân
Bạn không cần phải tạo ra một hình ảnh “khác biệt”. Bạn cần bắt đầu bằng việc trung thực với mình – rồi kể lại điều đó một cách rõ ràng, có chọn lọc.
Bởi vì những thương hiệu cá nhân tạo được sự kết nối sâu, thường là những người:
Biết vì sao mình làm điều mình làm
Không chỉ bán dịch vụ hay kiến thức, mà kể được một hành trình – có lý do, có cảm xúc, có động lực thật.Mang đến cho người khác cảm giác “tôi cũng có thể trở thành phiên bản đó của chính mình”
Thay vì chỉ cung cấp giá trị giao dịch, họ truyền tải một bản sắc có thể truyền cảm hứng, tạo sự chuyển hóa.Gợi mở cộng đồng hơn là tích lũy lượt theo dõi
Không cố thu hút tất cả mọi người, mà nói đúng với “nhóm người cùng tần số” – những người nghe và hiểu ngôn ngữ đó.Cho phép người khác nhìn thấy chính họ trong câu chuyện của mình
Không kể về mình như trung tâm, mà để lại khoảng trống – để người khác được soi mình qua câu chuyện đó.
3. Và trong lúc thể hiện bản thân, đừng quên tự soi lại
Nên làm:
Thể hiện rõ những giá trị bạn thực sự tin vào
Chọn ngôn ngữ, hình ảnh và câu chuyện phản ánh đúng tính cách bạn muốn nuôi dưỡng
Giữ tính phản tư – luôn tự hỏi: Mình có đang thật không?
Nên tránh:
Tạo ra một hình ảnh “có vẻ đúng” nhưng không còn là mình
Dùng thương hiệu cá nhân như một lớp mặt nạ, thay vì một kênh thể hiện bản sắc
Cuối cùng, một câu hỏi quan trọng:
Khi người khác nhìn vào thương hiệu của bạn, họ đang nhìn thấy điều gì?
Và điều đó có đang thực sự phản ánh phần bản sắc bạn muốn lan tỏa không?
Thương hiệu cá nhân không phải là thứ cần “xây dựng lại từ đầu”. Nó là thứ cần gỡ bỏ lớp ồn ào, để thấy rõ hơn con người bạn đã và đang là.
Và khi bạn thực sự thể hiện bản sắc của mình một cách chân thành – bạn không cần cố “hợp gu” ai cả. Vì những người phù hợp sẽ tự tìm thấy bạn.
Vậy đó, chúc bạn vững tin bền chí trên hành trình tìm mình nha.
Norah VO
From Insights To Intelligence
Nay em tình cờ được đọc bài này của chị khi đang loay hoay xây dựng thương hiệu cá nhân của mình chị ơi. Đôi khi em cứ nghĩ mãi 1 câu trong đầu là “liệu mình có đủ thú vị để thu hút người khác hay không?”. Nhưng sau khi đọc bài của chị em dần nhận ra là không cần mình phải thú vị theo cách người khác muốn, mà hãy là chính mình thì những người cùng giá trị sẽ tìm thấy mình và phát triển cùng nhau.