Insights về lần đầu làm tác giả sách
Không chỉ một, mà 2 quyển đồng tác giả là loại cảm giác như thế nào?
Hello chào bạn.
Chính xác ngày này một tuần trước (20.05), quyển sách thứ hai do mình làm đồng tác giả đã được ra mắt toàn quốc, với tên gọi Bản giao hưởng của nước (tạm gọi tắt là NƯỚC). Sự ra mắt này chính thức kết thúc hành trình lần đầu làm tác giả sách của mình.
Mình còn nhớ như in vào mùng 2 Tết năm 2022, khai bút đầu năm của mình là bài dự thi trở thành tác giả cuốn NƯỚC. Không lâu sau đó, mình nhận tin được chọn viết cho cả 2 quyển sách, NƯỚC và MUỐI. Kết quả là mình viết song song bản thảo cho cả hai quyển sách.
Ròng rã 2 năm trời, từ điều chỉnh biên tập, viết lại, tháng 03/2024 Muối lên kệ và tháng 05/2024 Nước cũng cuối cùng đã lộ diện. Từ một người không tưởng tượng được làm tách giả sách là gì cho tới quyển sách thứ hai làm đồng tác giả, mình có một vài nhắn gửi cho bạn nếu:
bạn có ý định trở thành tác giả sách
hoặc bạn có ý định kiếm tiền với sách
hoặc đơn giản tò mò viết sách là loại cảm giác như thế nào
thì xin mời bạn cùng mình dạo qua các phản tư về chủ đề này nhé.
1. Quyển sách đầu tiên có thể là áp lực nhiều hơn là động lực
Lúc được đồng thuận và giao dự án viết quyển NƯỚC, mình vui kinh khủng. Mình đã nghĩ "Đây rồi, cuốn sách đầu tiên mình làm tác giả."
Nhưng không lâu sau, cái chữ "đầu tiên" trở thành nỗi ám ảnh và áp lực rất lớn. Mình gán cho nó một kì vọng. Đầu tiên nên nó phải phải là một tác phẩm hoàn hảo, mang đầy ý nghĩa và giá trị trong sự nghiệp viết lách sáng tạo. Và mình rơi vào vòng xoáy do chính bản thân tạo nên.
Nhưng rồi, chị Linh, chủ biên và mentor của mình lúc đó, với hơn 20 cuốn sách xuất bản, đã bảo rằng: "Viết sách thì cứ gọi là viết thôi. Không cần quan tâm nó là quyển đầu tiên."
Đó là một lời khuyên quý báu. Điều quan trọng không phải là "lần đầu tiên", mà là bạn đã thực hiện công việc đó thế nào. Hãy tập trung vào nhiệm vụ, làm hết sức mình, rồi lần sau bạn sẽ học hỏi và cải thiện. Bởi nếu không bắt đầu, sẽ không bao giờ có cái "lần đầu tiên" nào cả.
2. Viết sách là hành trình làm việc với chính mình, rất nhiều lần.
Khi mới bắt đầu, viết sách tạo cho bạn sự hào hứng tìm tòi khám phá. Nhưng khi đã đi được một đoạn đường, mỗi trang viết có thể là tấm gương cực lớn soi rọi mọi ngóc ngách tối tăm trong cái tôi bản ngã của bạn. Một trong những điều mình nhớ nhất trong quá trình viết hai quyển sách là sự nghi ngờ bản thân và những phút nản chí.
Khi được giao viết cả hai cuốn sách NƯỚC và MUỐI, tâm trí mình luôn phải chuyển đổi giữa hai thế giới khác nhau, bên cạnh những công việc hàng ngày khác. Có lúc, mình cảm thấy muốn bỏ cuộc vì không tìm được động lực để tiếp tục viết về những điều mà có vẻ quá hiển nhiên, quá quen thuộc.
Bất kỳ điều gì viết ra cũng chỉ là một sự tổng hợp từ những thông tin có sẵn trên Internet, chứ không phải là một nghiên cứu sâu rộng từ chuyên gia. Mình cũng không phải chuyên gia ẩm thực, người làm nghiên cứu về hai nguyên tố này, hay các nhà sử học nắm vững các nền văn hóa trong tay. Đã nhiều lần mình tự hỏi, ruốt cuộc thông tin này có ai đọc không?
Đó là một trong những thách thức lớn nhất về tinh thần - khiến bạn nghi ngờ chính mình và khả năng sở hữu nội dung của riêng mình. Nó không khác gì giai đoạn mình viết luận án Thạc Sỹ vậy. Có lẽ đây là hành trình viết, soi chiếu và chấp nhận mình chăng?
3.Với ebook, viết xong là xong. Nhưng với sách xuất bản, trách nhiệm sẽ làm con đường viết lách của bạn dài hơn một đoạn nữa, rất nhiều.
Nhưng đây cũng chính là điều thú vị của việc viết sách. Nó không chỉ đơn thuần là một sản phẩm, mà còn là một quá trình rèn luyện tâm lý và sự kiên nhẫn của bạn. Viết sách khác với việc xuất bản một ebook, nơi bạn chỉ cần hoàn thành nội dung, chọn một mẫu thiết kế trên Canva rồi đăng tải.
Với sách in, bạn sẽ phải trải qua nhiều vòng biên tập, đánh giá và phê duyệt. Mỗi từ ngữ, thông tin của bạn đều sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng. Bạn phải lục lại tất cả các nguồn tham khảo, đánh dấu chúng và chứng minh tính xác thực của thông tin. Đây là một quá trình thử thách sự kiên nhẫn và chăm chỉ của bạn.
Chưa kể, nếu bạn là đồng tác giả, bạn cần đảm bảo sự thống nhất trong cách trình bày với những tác giả khác của dự án. Quyển sách nên có một tông giọng văn trung tính và nhất quán, đối với độc giả. Đồng tác giả còn có nghĩa là bạn làm việc nhóm và cần có trách nhiệm với deadline của cá nhân mình và deadline chung của cả đội.
4. Viết càng nhiều, bạn chắc chắn sẽ càng viết tốt hơn.
Điều này không mới mẻ gì nhỉ. Nhưng nó không chỉ áp dụng cho người-thường-như-mình, người không xuất thân là người chuyên viết hay lấy viết để kiếm tiền. Mình phát hiện ra điều này sau một năm đọc và phân tích sách của Adam Grant.
Mình đọc 3 quyển sách của ông, từ cuốn mới nhất rồi quay ngược lại cuốn đã xuất bản trước COVID. Bạn biết mình phát hiện ra điều gì không?
Sách của ổng thực sự tiến hóa theo thời gian. Các cuốn sách đầu tiên của ông viết khá dài dòng và khô khan. Dù kích cỡ nhỏ gọn nhưng tới giờ mình vẫn chưa đọc xong. Trong khi đó, càng về sau, các quyển sách của ông ngày càng sinh động, giàu hình ảnh minh họa và kể chuyện cuốn hút hơn.
Trước khi viết những quyển này, ông đã là giáo sư chuyên đăng tải nội dung lên các tờ báo lớn như New York Times rồi. Nhưng rõ ràng, mình nhìn thấy sự chuyển hóa của ổng, không chỉ từ nội dung mà còn từ cách trình bày sắc sảo, lôi cuốn. Mọi thứ sẽ tốt hơn, tất cả đều qua thời gian tôi luyện.
5. Đồng tác giả là một cơ hội tốt cho quyển sách mơ ước của bạn
Thú thật mình từng nghĩ quyển sách đầu tiên sẽ là một tác phẩm của riêng mình. Từ khâu lên ý tưởng, chọn chủ đề, làm dàn ý cho tới triển khai viết, dự án đầu tay chắc nên là một cái gì đó đặc trưng và đậm chất Ngọc Norah VO :D.
Nhưng người tưởng đâu bằng trời quyết. Tất cả những dự án sách hay viết lách có xuất bản mình tham gia đều là một dạng teamwork. Điều này nghĩa là gì mình đã nêu ở trên.
Và bạn biết sao không, tới giờ phút này thì mình thấy đó là một ân huệ đấy. Khi bạn càng viết nhiều ở một định dạng nào đó, bạn càng viết tốt hơn. Nếu bây giờ mình viết cuốn sách của riêng mình, mình cũng hiểu phần nào thị hiếu và những sai lầm mình đã gặp trong dự án viết chung. Quan trọng là mình đã thấm thía việc cam kết và san sẻ trách nhiệm khi viết với nhiều người như thế nào. Giờ đây, mình đã có sự chuẩn bị trên hành trình một mình ôm trọng trách của một cuốn sách.
6. Sách không phải là cách để làm giàu (nhanh)
Thẳng thắn thì viết sách không phải là con đường ngắn nhất để đạt được danh vọng hay giàu có. Trừ khi bạn đã là một tên tuổi lớn hoặc có một chủ đề vô cùng hấp dẫn với đại đa số độc giả, nếu không, khả năng kiếm được nhiều tiền từ việc xuất bản sách là rất khó, ít nhất là từ quyển sách đầu tiên.
Như Adam Grant hay chị Linh Phan, có lẽ quyển sách đầu tiên không giúp tên tuổi của các tác giả này nổi lên như cồn. Cũng như không tài nào làm giàu nhờ những quyển sách đó. Mình đồng ý rằng, bạn vẫn nhận nhuận bút hoặc sau này nếu sách tái bản thường xuyên thì đây là một khoản thu nhập thụ động, nhưng tác giả sách thì khó mà giàu nhanh được lắm. Nhưng tất nhiên khi đúng chủ đề và mối quan tâm, sách là một công cụ tiếp thị tuyệt vời.
Cơ mà, thú thật cái "giàu" nhất của người viết sách, mình nghĩ là chương trình độc hành với cái tôi, để mỗi người viết đối diện với chính mình, với mớ kiến thức và vốn sống mà mình có, để hiểu rằng mình đã có những gì và có thể phơi bày sẻ chia những gì với thế giới.
Mặc dù mình liệt kê rất nhiều thử thách nội tâm, nhưng mình phải công nhận viết sách là hình thức thiền tu tâm nuôi dưỡng bản thân rất tốt. Khi đã đối mặt với phần tối của bản thân, tiếp tục viết và bước tiếp, bạn sẽ được phiêu du với cái bao la của vũ trụ và soi sáng sự khôn cùng của chính mình. Lúc này, viết chính là thiền, chính là hành trình để trở về.
Tóm lại thì, viết sách, là một hành trình chuyển đổi thực sự mạnh mẽ.
Để khép lại bản tin hôm nay, xin chia sẻ với bạn một vài điều mình tâm đắc khi viết Muối và Nước. Với mình đây là hai nguyên tố thực sự quyền năng:
Nếu con người có thể tạo ra lửa, và nhờ lửa để ra uy với muôn loài thì nước chính là thứ kết nối vạn vật với nhau. Không có nước thì chắc chắn không ai có thể tồn tại được. Nhưng chẳng có ai có thể tạo ra nước cả. Tất cả chúng ta, bất kể loài gì, đều phụ thuộc vào nước mà sống. Nói cách khác, đứng trước nước, tất cả chúng ta đều như nhau, không có sự phân biệt chủng loài.

Muối lại là câu chuyện khác.
Muối vừa là cứu nhân vừa là sát thủ. Chúng ta không thể sống nếu cơ thể thiếu muối. Nhưng để tiêu diệt hoàn toàn một sự sống, người ta cũng dùng muối, như khử trùng. Xác ướp bắt buộc phải đi qua muối để không một vi khuẩn mầm mống nào, dù là nhỏ nhất, có cơ hội tồn tại và sinh sôi là vì vậy.

Sự tương phản đó làm cho hai chủ đề, muối và nước, trở nên vô cùng hấp dẫn với mình. Trong cả hai trường hợp, nước và muối đều là những yếu tố thiết yếu của sự sống. Cũng như nước và muối, mỗi người chúng ta đều có tiềm năng trở thành vị cứu tinh hoặc hung thủ của chính mình. Chỉ cần nỗ lực không ngừng, định hướng đúng đắn và dùng khả năng của mình một cách khôn ngoan, bạn hoàn toàn có thể trở thành người mang lại giá trị tích cực trong công việc và cuộc sống của mình.
Còn nhiều điều nữa về hai nguyên tố này, có dịp mình lại kể sau nhé. Cảm ơn bạn đã đọc bản tin hôm nay.
Norah VO
From Insights To Intelligence
"Bất kỳ điều gì viết ra cũng chỉ là một sự tổng hợp từ những thông tin có sẵn trên Internet, chứ không phải là một nghiên cứu sâu rộng từ chuyên gia. Mình cũng không phải chuyên gia ẩm thực, người làm nghiên cứu về hai nguyên tố này, hay các nhà sử học nắm vững các nền văn hóa trong tay. Đã nhiều lần mình tự hỏi, ruốt cuộc thông tin này có ai đọc không?"
Ha ha...thì ra ai cũng có cảm giác này nhỉ.
Tui hay nghe bà nhắc về Adam Grant, vậy trong ba cuốn sách của chú ấy, nên bắt đầu từ cuốn nào ?
Đố khó dậy chị Ngọc ơi.