Hello hello,
Chào bạn. Còn vài ngày nữa là kết thúc tháng 04, cũng là bắt đầu một kì nghỉ lễ dài ngày ở Việt Nam. Dù bạn có nghỉ lễ hay quyết định làm việc suốt lễ, mình hy vọng những ngày sắp tới sẽ thật tròn đầy với bạn.
Trước đây không lâu, giai đoạn Tết vừa rồi, mình có chia sẻ một chút câu chuyện về góc nhìn. Hôm nay, mượn ngày lễ lộc sắp tới, mình muốn giới thiệu với bạn một sự tình cờ thú vị mà mình cực kì tâm đắc, trong suốt thời gian làm nghiên cứu về năng lực học tập.
Trong rất nhiều học thuyết của ngành quản trị chiến lược, chuyên ngành mà mình theo học bậc Thạc Sỹ tại Phần Lan, có một khái niệm gọi là Dynamic Capabilities. Ý tứ của nó nói một cách dễ hiểu là, những kỹ năng và khối kiến thức cực kì linh động (dynamic) trong bối cảnh thị trường thiên biến vạn hóa mỗi ngày. Và một tổ chức hay một cá nhân nào càng đề cao và rèn luyện được nhiều nhóm khả năng, kỹ năng cực kì nhạy bén và linh động theo nhịp đập của thời đại, thì khả năng cạnh tranh trên thị trường (competitive advantage) mới thực sự bền vững.
Đó là bối cảnh của chữ Capability (khả năng) mà trước giờ mình luôn hiểu và định nghĩa nó như vậy. Cho tới một hôm, mình phát hiện ra rằng KHẢ NĂNG cũng còn có lát cắt khác nữa.
ĐỀU LÀ KHẢ NĂNG nhưng Capability vs. Capacity khác nhau cái gì?
Nếu bạn nào học tiếng Anh thì sẽ biết rằng hai chữ mình vừa nêu Capability và Capacity đều ám chỉ KHẢ NĂNG một ai đó có thể làm một điều gì đó hết.
Tuy nhiên, nếu Capability nhấn mạnh vào khả năng bạn CÓ THỂ LÀM TỐT một hoạt động, một đầu việc nào đó
thì Capacity lại ám chỉ vào khả năng bạn CÓ THỂ NHẬN VÀ LÀM TỐT một đầu việc gì.
Một cái tập trung gần như vào kỹ nghệ, một cái tập trung vào khối lượng. Nó như kiểu một cái là khả năng uống được rượu, và một cái là khả năng uống được nhiều rượu mà không quắc cần câu vậy đó (tửu lượng).
Mình vẫn chưa kiếm được cách nào dịch mà ưng ý hẳn. Bạn nào có cách dịch hay ho hơn hãy gợi ý với mình nhé.
Phân biệt hai thứ này (Capability vs Capacity) để làm gì?
Để chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về giới hạn nguồn lực của bản thân mình. Một ngày cho dù ta có tài giỏi đến đâu, ta vẫn sẽ có bao nhiêu đó năng lượng và bấy nhiêu đó thời gian mà thôi.
Vì vậy, mặc dù bạn có thể nảy ra 100 ý tưởng tuyệt đỉnh cú mèo, bạn chỉ có thể biến 1 vài ý tưởng trong đó thành hiện thực mà thôi.
Thêm nữa, khi có sự phân biệt rõ ràng hai loại khả năng này, thì ta cũng biết chuyện gì:
nên làm
nên bỏ hoặc sử dụng quyền trợ giúp
Như ví dụ mình nêu trong ảnh, một giám đốc marketing chắc chắn có thể thiết kế được chiếc post đó, cũng có thể dành thời gian để viết ra các dòng copy tagline cuốn hút người theo dõi.
NHƯNG liệu người giám đốc đấy có nên làm chuyện này không?
Không! Thay vì thời gian làm những chuyện đó, thì người này có thể đầu tư cho những đầu việc phù hợp hơn với khả năng chuyên môn, trong khuôn khổ thời gian của mình. Thì giá trị mới thực sự được tạo ra một cách bền vững và hiệu quả.
Nói tóm lại, nên hiểu rõ sự hạn chế của mỗi người chúng ta để có cái nhìn đúng đắn về sự ưu tiên. Thì công việc, các mối quan hệ hay cuộc sống sẽ chất lượng hơn.
Chủ nhật vừa rồi cũng là bữa học cuối cho khóa học Live-training đầu tiên của mình hướng dẫn nhập môn vào khả năng research & tìm kiếm Insight. Trong suốt quá trình khóa học diễn ra, mình nhận thức sâu sắc hơn về sự giới hạn của thời gian và khả năng tiếp nhận thông tin. Nên cho dù bản thân muốn trao nhiều hơn nữa kinh nghiệm đã đúc kết được, một bức tranh chi tiết, thì mình cũng đã quyết định tập trung ưu tiên những điều thực sự quan trọng và cốt lõi cho học viên.
Có lẽ vì vậy, học viên dù đang làm marketing lead hay chưa hề có kinh nghiệm với truyền thông, đều tiếp nhận đúng cái họ cần khi đăng kí tham gia. Tập trung vào điều quan trọng luôn luôn nên được ưu tiên là vì vậy.
Vậy đó, bài viết hôm nay khá ngắn nhưng hy vọng nó hữu ích với bạn.
Chúc bạn những ngày cuối tháng 04 thật insightful.
Norah VO
From Insights To Intelligence
Hay quá Ngọc ơi! Thích nhất câu “hiểu rõ sự giới hạn để nhìn nhận đúng đắn về sự ưu tiên”.
Ngoài lề chút ha ^^ Đọc bài này tự nhiên nhớ tới bà chị. Bà ý có năng lực uống rượu không giới hạn, và uống được nhiều thể loại từ độ cồn thấp như cocktails tới độ cao như whiskey k say. Cơ mà rớ vô bia, loại nồng độ cồn thấp hơn nhìu, thì rất dễ say. Vầy là wine-in-take capacity cao mà beer-in-take capability thấp hả 🤔 Xàm tí, vì tự nhiên nghĩ tới case này, hổng trả lời cũng được nha 😅