Gợi ý 6 mô hình kinh doanh theo lộ trình thương hiệu
Chọn đúng mô hình kinh doanh phù hợp cho từng giai đoạn của thương hiệu
CREATE: là chuỗi nội dung chia sẻ về cách làm từ sáng tạo nội dung, đến cách thu thập insights và kinh doanh tiếp thị hiệu quả.
Hello, chào bạn.
Khi giới thiệu về chương trình One-year Insight Membership, có khá nhiều bạn thắc mắc tại sao lại gọi là Membership? Nó khác gì các khóa học mà mình đã từng tuyển sinh? Và tại sao mình lại chọn hình thức này?
Membership là một mô hình kinh doanh mà mình sẽ phân tích chi tiết trong bài này, kèm gợi ý với các mô hình khác theo từng nấc lộ trình phát triển thương hiệu.
Nhưng trước tiên, hãy bắt đầu với mô hình hầu như ai cũng trải qua: mô hình làm công ăn lương.
Bản chất của người “làm công ăn lương” cũng là đi bán, mĩ miều hơn là bán chất xám và bán thời gian cho doanh nghiệp. Lợi nhuận mỗi tháng là bản lương. Nếu tháng nào có thêm hoa hồng hay công ty làm ăn phát đạt thì có thêm thưởng vân vân các thứ.
Mô hình của người làm công ăn lương sẽ như sau:
Sản phẩm: số giờ cố định + chuyên môn + kỹ năng mềm/cứng
Giá trị của bạn: dựa trên kinh nghiệm chuyên môn, số lượng dự án đảm nhận (khối lượng công việc), và danh tiếng các tổ chức bạn có kinh nghiệm với … → nôm na đây là các thành phần hình thành nên giá trị thương hiệu cá nhân của bạn đó
Mô hình thu nhập: một tổ chức trả tiền hằng tháng. Tóm lại là một nơi đổ tiền về.
Tại sao mình lại chia sẻ mô hình thu nhập ở đây?
Bởi vì nếu chúng ta không rõ ràng đâu là thứ chúng ta sẽ bán, chúng ta sẽ rất mông lung trên con đường sáng tạo hay kinh doanh online.
Ở thời điểm hiện tại, những ngày cuối của năm 2023, câu hỏi quan trọng nhất mà mình (và bạn), những người kinh doanh chuyên môn, cần trả lời trước khi vẽ kế hoạch 2024 và tập trung viết nội dung là: kiếm tiền kiểu gì cho năm sau?
Ví dụ: bạn có chuyên môn về tâm lý hành vi và kinh nghiệm giảng dạy. Vậy câu hỏi tiếp theo, sản phẩm của bạn có thể bán là gì?
Câu trả lời phổ biến mình nhận được từ các cuộc phỏng vấn: sáng tạo nội dung về chuyên môn này và đẩy lên nền tảng số.
—> Như vậy, nội dung = sản phẩm.
Vậy làm sao bạn kiếm ra tiền từ sản phẩm này? Và nền tảng số là nền tảng nào?
Hôm nay tụi mình tách ra thành từng phần, từ nền tảng miễn phí tới trả phí, để xem các mô hình thu nhập sẽ như thế nào nhé.
1. Các nền tảng bên thứ 3 (third-party platform)
Đây là nơi mà nền tảng trở thành sân chơi cho người dùng. Họ tạo ra không gian và điều kiện thuận lợi để người dùng có thể sử dụng các tiện ích miễn phí. Bù lại, chính dữ liệu của người dùng sẽ trở thành sản phẩm để nền tảng kiếm lời thông qua việc bán quảng cáo cho các thương hiệu có nhu cầu mua.
Nếu như Youtube đã cung cấp gói không quảng cáo mấy tháng trước, thì mới mấy ngày nay thôi, Facebook (hay Meta) đã bắt đầu tung ra gói này: lướt feed không đụng quảng cáo thì trả tiền hằng tháng.
Những năm gần đây, khi niềm tin với thương hiệu lớn giảm, thay vào đó người tiêu dùng lựa chọn theo dõi các cá nhân sáng tạo nội dung (content creator), một mô hình thu nhập mới cũng ra đời. Lúc này đây, nền tảng sẽ kiếm cách chi trả lợi nhuận cho content creator bằng hình thức revenue-sharing. Cụ thể là việc tặng sao trên Facebook, hay tạo nút “tặng quà” trên Youtube chẳng hạn.
Quay lại ví dụ trên, nếu xác định kiếm tiền nhờ bán nội dung trên nền tảng, sản phẩm chính của bạn sẽ là nội dung xoay quanh tâm lý hành vi, các cách ứng dụng thực hành v..v…
Điểm mấu chốt trong phương pháp này là mức độ sản xuất nội dung đều đặn và liên tục. Xịn xò hơn nữa là nắm được thuật toán và viral. Đây là cách làm phổ biến của các influencer.
*Chia sẻ cá nhân: là một người đi làm full-time, xem việc tạo nội dung là một phần của quá trình tiếp thị, mình biết bản thân không đi theo con đường bán nội dung như sản phẩm chính trên nền tảng được. Hoặc chí ít, nếu có, con đường hái quả sẽ xuất hiện sau một thời gian rất dài. Đặc biệt khi môi trường cạnh tranh gay gắt, ai ai cũng làm nội dung liên tục và hàng loạt. Những con chim sớm như Chi Nguyễn của The Present Writer hay Giang ơi làm mình chột dạ.
2. Được thương hiệu (khách hàng) thuê trả tiền
Mô hình này đơn giản và khả thi hơn mô hình trên. Thử hỏi bạn xem một kênh Youtube mấy năm liền, bao nhiêu lần bạn bấm vô nút donate/tặng quà cho người ta?
Nên cách thứ hai, được thương hiệu trả tiền ít ra bạn biết mặt mũi thương hiệu và nhắm được nhu cầu thể loại nội dung hay tệp khách hàng mà thương hiệu đó nhắm tới.
Với người đã có danh tiếng, như KOL (Key Opinion Leader, nhóm celeb) hay thậm chí KOC (Key Opinion Consumer, nhóm người tiêu dùng siêng review sản phẩm) với hàng triệu tới chục nghìn followers, việc thương hiệu booking là lẽ thường tình. Tất nhiên khi mới bắt đầu, không ai ngăn cản chúng ta mơ cao. Nhưng chạm đất cho hiện tại cũng là điều cần thiết.
Vậy thì với người chưa có miếng, chưa có nhiều tiếng; khả năng để nội dung được trả tiền sẽ đi như thế nào?
Bạn có thể thực hiện các cách sau: