Cái chuyện "đặt mình vào vị trí người khác" tất nhiên không phải nói "đặt" cái là làm được. Mà nhất là những ngành cần hiểu trải nghiệm & insight khách hàng, cái vụ đặt đặt này chắc nhiều lắm he. Và đây là mấy cái mình đúc rút được - cũng từ đồng cảm mà ra.
Thực sự mà nói, mình nghĩ đây là một khả năng. Bạn có thể được sinh ra với khả năng này, bạn cũng có thể luyện tập để phát triển khả năng này. Đồng cảm là một loại cảm quan, sử dụng hết 5 giác quan còn lại của con người, để giúp ta liên tưởng và kết nối với thế giới xung quanh, từ trong ra ngoài, và ngược lại.
Ngày nào bạn còn cảm xúc, ngày đó bạn còn khả năng đồng cảm.
Còn việc cảm một cái gì đó nhanh hay chậm, sâu hay nông, nó phụ thuộc vào bản năng và thời gian rèn luyện. Khi quen dần, bạn sẽ thấy đó là một năng lực tối thượng cho rất nhiều thứ trong cuộc sống này. Bởi chúng ta, con người, là giống loài sống bầy đàn, không cảm được thế giới, sẽ không có chốn cho tâm hồn mình dựa vào, và ta cũng cần có người khác cảm ta để mà nâng đỡ, phải không?
Sau vô số lần “cảm” với nhiều người khác nhau và đúc rút từ chính thực tế cuộc sống, mình chia chữ này làm 3 nấc thang.
1. NHẬN THỨC hay BIẾT
Có những thứ bạn không trải qua nhưng bạn biết nó sẽ như vầy … Ví như, mình chưa bao giờ hút thuốc, nhưng mình đọc tài liệu, xem thông tin báo chí; mình biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe. Mình biết nó sẽ liên quan đến phổi, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng thở của người hút. Những người xung quanh sẽ có khả năng bị các di chứng còn cao hơn nữa như hen suyễn, khó thở, chậm phát triển v..v.. vì hít chung một bầu không khí khói thuốc.
Lúc mình còn nhỏ xíu 10 tuổi, mình biết Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe vì mình xem TV và mình nghe ông mình nói vậy.
2. ĐỒNG CẢM XÚC hay HIỂU
Cái gì “đồng” có nghĩa là có điểm chung rồi. Nên khi bây giờ, có kinh nghiệm bị ảnh hưởng khói thuốc, mình hiểu cái cảm giác “Không thở được vì khói thuốc lởn vởn”. Với những bạn có dị ứng các loại “mùi” khác như nước hoa, hay dị ứng lông chó/mèo v..v.. mà hắt xì liên tục; mình sẽ hiểu được cái cảm giác dị ứng, khó thở là như thế nào. Mặc dù lý do dẫn đến cái hắt xì hơi có khác nhau, nhưng ở đây mình có sự đồng cảm một chút vậy.
3. THẤU CẢM hay CẢM/THƯƠNG
Thấu thì rõ ràng là bạn phải “thẩm thấu” một loại cảm xúc nào đó mới đạt được mức độ này. Phải cảm rõ tường tận bạn mới có cái sự cảm, cái sự thương mà ngọ nguậy hành động, đúng không? Với nhóm trải nghiệm này, mình nghĩ sẽ ít có cảm giác 100% thấu cảm được với nhiều đối tượng. Vì đa phần, bạn đã là người trải qua chính xác trải nghiệm đó rồi và đối tượng bạn đang quan tâm, là một người có vị trí đặc biệt với bạn.
Lấy ví dụ: ba mình là một người nghiện thuốc từ lúc mình còn bé. Mình không hiểu được cảm giác nghiện thuốc của ba vì mình không hút, nhưng mình hiểu nghiện thì khó bỏ (như mấy bạn nghiện Facebook, nghiện cafe) có thương ba chứ. Thương nên tìm mọi cách để “thay thế” thói quen hút thuốc này.
Nhưng thấu cảm thì lại là dành cho mẹ, mình hiểu khó chịu vì khói thuốc là như thế nào. Và hiểu luôn cảm giác có người thương nghiện thuốc là như thế nào. Thương cho cái cảm giác khó chịu bức bối của mẹ và thương cho ba với thói quen xấu của mình.
Vậy còn dạng tình cảm thương mà chưa chắc hiểu thì sao như kiểu mẹ thương con?
Mẹ mình ít nói nhưng chắc nhiều mẹ khác hay nói “Tao đẻ ra mày chả nhẽ không hiểu tánh mày?”. Mối quan hệ ruột thịt hiểu-thương có thể bị đánh tráo cấp bậc; vì có khi mẹ không hiểu mình đang trải qua cái gì đâu (mẹ mình có phải đi họp khách hàng đâu) nhưng chắc chắn nếu hỏi có thương mình không thì mình nghĩ là có chút chút. Vì thương mà không muốn con đói, mình có mệt cũng ngồi dậy nấu cho nó ăn chẳng hạn. Và đó là loại năng lực đặc biệt cho một vài đối tượng đặc biệt trong cuộc đời này thôi.
4. Vậy làm sao để cảm rồi viết hay giao tiếp khi chưa có trải nghiệm?
Thì mình phải biết loại trải nghiệm đó là như thế nào bằng việc tìm tòi đọc, học và hỏi những người đã kinh qua. Rồi mình kiếm cách hiểu ít nhất cái cảm giác đó là như thế nào đã. Khi dừng ở mức hiểu là mình đủ khả năng để viết hay có cảm xúc để truyền tải rồi, không nhất thiết phải thương cảm đâu.
Mình từng nhớ một video clip một người cha, đặt con của mình vào chiếc rổ (như giỏ mua hàng siêu thị á). Ông bật TV lên với chiếc clip tàu lượn siêu tốc, ông bật quạt thật to, rồi cứ vậy mà lái chiếc rổ theo màn hình tàu lượn trên TV. Với một đứa nhóc 2-3 tuổi, đó là loại cảm giác “hiểu” sự phấn khích khi ngồi ghế tàu lượn là như thế nào. Và chắc chắn có ai đó hỏi, nó sẽ kể cho bạn nghe cảm giác “tim đập nhanh, rung lắc, gió thổi phù phù ngang tai” là sao.
Nên mình nghĩ, với người viết hay làm công việc với cảm xúc, cái độc giả hay người cần nghe không phải là “Tôi đã leo lên đỉnh Everest” mà họ muốn nghe “Cảm giác háo hức khi chuẩn bị, leo núi vất vả mà thích thú thế nào, tập luyện để leo ra sao v..v..” Từ cái cảm giác đó, bạn quy lại những hoạt động khác tương tự để hiểu đã rồi bạn sẽ diễn giải nó súc tích thôi.
Và mình thường dừng ở giai đoạn hiểu để viết hoặc phản hồi. Có hiểu thì mới truyền tải cảm xúc được. Mà cảm xúc, đơn giản hóa, nó cũng là phấn khích, thất vọng, yêu, ghét, giận, hạnh phúc v..v.. chứ có gắn thêm tiền tài địa vị gì đâu, phải không?
Còn thấu cảm thì lại là câu chuyện khác, hôm nào khác mình sẽ chia sẻ tiếp. Thực sự thì, chỉ cần bạn cố gắng chủ động chọn hiểu cảm xúc của người khác, tăng khả năng đồng cảm, là cuộc sống của bạn và những người xung quanh đã tràn ngập năng lượng tích cực, giao tiếp dễ dàng hơn rất nhiều rồi. Không cần tới thấu cảm đâu
Norah Vo
From Insights To Intelligence
tương thông thế, hôm nọ đi học khoá học về tư duy tổng hợp khi nói và viết, cô giáo cũng nói nhiều về cái này, tuỳ từng đối tượng và cảm xúc của họ mà sẽ có cách nói chuyện/viết khác nhau dù nội dung chính vẫn vậy, chứ viết theo cách của mình thôi chưa đủ