Hello hello,
Chào bạn.
Chuyện là lần gần đây nhất khi đến viện kiểm tra sức khỏe, bác sỹ đã không phát hiện được bất kì triệu chứng gì ở mình cả. Có nhiều lý do để giải thích cho việc này, một là mình thực sự không có triệu chứng gì đáng nghi ngại cả, hai là thời gian chẩn đoán không đủ dài để soi rọi được hết dữ liệu của bệnh nhân. Đơn giản vì nếu bạn gặp bác sỹ lúc 11h sáng, họ đưa ống nghe lên, đo tim mạch huyết áp các thứ lúc bạn đang ngồi đối diện họ, thì bác sỹ chỉ nghe được dữ liệu lúc đó mà thôi (kiểu dữ liệu real-time ấy). Thông tin họ thu thập được thêm là từ lời khai của bạn. Còn ngoài khung giờ đó ra (trước và sau), bác sỹ cũng không tài nào biết hết được.
Vậy nên, một giải pháp để theo dõi và đo đạc toàn diện là viết nhật ký và gắn máy theo dõi. Hình thức này sẽ giúp cho người thực hiện nghiên cứu kéo dài thời gian quan sát, mở rộng phạm vi nghiên cứu trong đúng bối cảnh sinh hoạt thông thường của đối tượng hơn.
Phương pháp nhật ký hay journal là gì?
Journal hay viết nhật ký (diary) như mình mô tả ở trên là phương pháp ghi chép lại các dữ kiện sẽ xảy ra theo trình tự thời gian, do chính đối tượng được nghiên cứu viết lại. Hình thức này cực kì hữu ích khi bạn không thể kè kè bên cạnh đối tượng 24/7 nhưng vẫn có thể phần nào hình dung được các hoạt động, sự kiện và những chi tiết cần thiết để phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu.
Một chiếc nhật ký thông thường sẽ cần có các hướng dẫn về:
Sự kiện cần ghi chú
Trình tự thời gian của sự kiện
Cảm xúc khi xảy ra sự kiện đó
Các chi tiết khác như bối cảnh
Các gợi ý kiến nghị của đối tượng ghi chép v..v..
Diary hay journal là một phương pháp nghiên cứu mang hình thức định tính. Nghĩa là thông tin thu thập được mang tính chất hỗ trợ việc khám phá, theo dõi có chiều sâu và có bối cảnh. Nội dung có thể được dùng để trả lời các câu hỏi tại sao và như thế nào.
Như quyển Guidebook 7 ngày lắng để đọng Insight mà mình chia sẻ, thực ra cũng là một hình thức journaling hay viết nhật ký. Với những bạn đã chia sẻ với mình, sự chuyển đổi trong và sau 7 ngày là điều mình hoàn toàn thấy được rất rõ ràng. Từ đó, những gợi ý hoặc nội dung liên quan với từng bạn cũng dễ dàng để mình đưa ra hơn. Hiện nay, mình đang thực hiện lại chuỗi 7 ngày lắng đọng insight trên nhóm Everyday Insight (Mỗi ngày một chút Insight) trước khi mổ xẻ insight ở các chủ đề chuyên sâu hơn. Nếu muốn, bạn vẫn có thể bắt đầu với chúng mình ngay hôm nay.
Một phương pháp cũng gần giống với diary là shadowing. Tức là người làm nghiên cứu sẽ sắm vai cái bóng của đối tượng được nghiên cứu, kiểu như người vô hình đó và kè kè bên cạnh đối tượng trong một khoảng thời gian nhất định. Như là 8 tiếng hay thậm chí 24 tiếng. Mục tiêu cũng tương tự với hình thức diary: là để ghi nhận lại các hành vi, biểu hiện thực tế của đối tượng mà khi phỏng vấn sẽ khó có thông tin bao quát nhất.
Khác giữa shadowing và diary là: shadowing thì người ghi chép là người nghiên cứu còn viết nhật ký thì người ghi chép lại chính là đối tượng được nghiên cứu luôn.
Khi nào nên sử dụng phương pháp này?
Như mình có chia sẻ một phần ở trên, đa phần các thông tin cần thu thập thông qua việc viết nhật ký sẽ là dạng chuỗi các hành động, hay quá trình để thực hiện việc gì đó trong một thời gian dài mà phỏng vấn ngay tại chỗ sẽ khó mà khai thác được hết.
Thông thường nhất là việc đo lường trải nghiệm sử dụng một sản phẩm nào đó. Ví dụ như một thương hiệu đang cần nghiên cứu trải nghiệm sử dụng một dòng sữa tắm chuẩn bị ra mắt công chúng. Thì cách đo lường hiệu quả nhất là cho đối tượng tiềm năng dùng thử trong vòng 7 ngày. Mỗi ngày đối tượng có thể ghi chép lại các quan sát như:
Khi nào tắm và sử dụng sản phẩm
Khi dùng thì cảm nhận ra sao? Hương thơm?
Độ bọt? Cảm giác trên da v..v…
Từ ngày 1 tới ngày 7, cảm nhận mỗi ngày hoặc cảm nhận sau mỗi lần dùng
Và kết quả sau 7 ngày thì đánh giá như thế nào?
Tất nhiên, loại hình nghiên cứu này cũng có thể dùng cho các mục tiêu nghiên cứu khác nữa: như hành trình chuyển đổi tư duy, hành trình ra quyết định cho một việc gì đó v..v.. Tất cả sẽ cần có sự dẫn dắt (các câu prompt) được thiết kế sẵn trên nhật ký.
Hoặc đơn giản nhất là trường hợp của mình: viết lại chi tiết 1 ngày hoạt động để bác sỹ hình dung các sự kiện trong ngày của mình, kèm thêm thông tin được máy ghi nhận lại về nhịp tim và các chỉ số sức khỏe. Để cuối cùng, một kết luận tổng quan nhất có thể được dựng nên.
Lưu ý gì nếu bạn muốn thu thập thông tin qua biện pháp journal?
Việc viết nhật kí hay journal không phải là điều gì cực kì mới mẻ, đặc biệt cho những người thích ghi chép, xây dựng tài liệu cho riêng mình. Thậm chí, Havard Business Review còn chỉ ra rằng “Người càng giữ vị trí cao bao nhiêu, thì thói quen journal càng cần thiết bấy nhiêu.” Bởi vì các dữ kiện khi được ghi chép lại tỉ mỉ, sẽ giúp chính bạn hình dung được bối cảnh, diễn biến sự kiện hay vấn đề, cách hành xử của bạn lúc đó, và kết quả. Cho dù kết quả có thành công hay thất bại, thì đó đều sẽ trở thành bài học chỉ ra:
Suy nghĩ lập luận của bạn lúc đó
Các yếu tố xung quanh chủ đề cần phân tích
Các nhân (yếu) tố dẫn đến kết quả sau cùng
Áp dụng điều này cho phương pháp thu thập thông tin bằng nhật ký, bạn cũng sẽ vẽ được một chuỗi các yếu tố liên đới nhau cho chủ đề mình cần nghiên cứu. Chỉ có điều lúc này, người viết lại nó không phải là bạn. Do vậy, để có thể thu thập được các thông tin bổ ích cho mục tiêu nghiên cứu của mình, bạn cần:
Xác định và làm rõ đối tượng của mình (nếu muốn nghiên cứu thói quen việc tạo lập thói quen thiền trước khi ngủ thì đối tượng phải đâu đó có nhu cầu thiền, và có quan tâm tới phương pháp/app của bạn trước khi ngủ)
Có mục tiêu nghiên cứu rõ ràng: nghĩa là sau khi người đó viết xong nhật ký 7 ngày thì bạn sẽ thu thập được gì?
Xác định các câu hỏi gợi mở, các chỉ dẫn cụ thể để đối tượng biết trả lời như thế nào là đủ
Cuối cùng là mức độ lợi ích của người được nghiên cứu
Yếu tố cuối cùng cũng là yếu tố rất quan trọng trong tất cả các loại hình nghiên cứu. Chỉ khi nào người cung cấp thông tin cảm thấy họ sẽ nhận về một quyền lợi nào đó thì dữ kiện thu về mới chính xác.
Ví như với người không có nhu cầu khám phá các kiểu nấu nướng qua nồi chiên không dầu, thì bạn có đưa nồi chiên cho họ, đưa tiền để họ trải nghiệm sản phẩm của bạn thì cũng khó lòng nào có được nhận xét trung thực. Và đó cũng là lý do xác định được đối tượng khách hàng phù hợp ngay từ đầu (hay chân dung khách hàng) sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức cho bạn ở hầu hết các khâu về sau của việc thiết kế và phát triển sản phẩm của mình.
Nói tóm lại, phương pháp nhật ký hay journal thực ra không mới nhưng nó luôn là một trợ thủ đắc lực trong việc nghiên cứu một quá trình chuyển đổi nào đó. Nó cũng thay thế sự có mặt của người nghiên cứu để ghi nhận bể dữ kiện “đời thực” hơn so với việc phỏng vấn nên rất hiệu quả trong việc tiết kiệm thời gian và chi phí. Tuy nhiên, dùng như thế nào và làm sao để có thể dùng tốt nhất thì vẫn cần nắm rõ mục tiêu và đối tượng khách hàng.
Cám ơn bạn đã đọc bài chia sẻ hôm nay. Mình hy vọng nó hữu ích.
Chúc bạn một ngày giữa tuần nhiều năng lượng.
Norah VO
From Insights to Intelligence