Dữ liệu và Insight khác nhau như thế nào?
Một ví dụ đơn giản về việc thu thập và phân tích insight bạn có thể làm thử ngay
CREATE: là chuỗi nội dung chia sẻ về cách làm từ sáng tạo nội dung, đến cách thu thập insights và kinh doanh tiếp thị hiệu quả.
Hello chào bạn,
Long time no see. Lâu quá không gặp. Trong thời gian ngưng ra bản tin, mình có một số ngẫm nghĩ về những câu hỏi bản thân tự đặt ra, cũng như bản thân nhận về, với chủ đề insight và con đường phát triển kinh doanh chuyên môn. Mình sẽ đúc kết và chia sẻ dần trong những ngày tới đây.
Khoảng 1 tháng trước, mình có lời mời thu một tập podcast với chủ đề Giấc Ngủ. Đây là cuộc trò chuyện trước khi ngủ giữa mình và Hân Thái, aka cô Hai Hân, (chủ kênh Cô Hai Podcast).
Kết luận sau buổi trò chuyện là: Giấc Ngủ là một cách phản ánh chính xác mức độ bạn hiểu về bản thân của mình như thế nào.
Mình kết luận điều này dựa vào điều gì?
Mọi thứ trên cuộc đời này, trước khi bạn đưa ra kết luận, bạn đều phải có bằng chứng. Chúng là quan sát, là sự ghi chép, so sánh, đúc kết và nhận diện một xu hướng nào đó.
Nếu lấy giấc ngủ làm ví dụ nhé, bạn có biết:
khung giờ nào bạn thường đi ngủ, khung giờ nào bạn thường thức giấc?
một giấc ngủ ngon, với bạn, sẽ có những điều kiện gì? Bạn có bao nhiêu giấc ngủ ngon trong một tuần qua?
v..v..
Một ví dụ từ báo cáo Life At Home của IKEA 2023, 33% sẽ thấy dễ ngủ nhất nếu có nhiệt độ phòng phù hợp và 28% chỉ ngủ ngon nếu phòng hoàn toàn tối.
Nếu bạn trả lời thật tường tận về các câu hỏi ở trên, điều đó nghĩa là bạn có hiểu biết khá tốt về giấc ngủ của mình đó. Đơn giản mà, phải không? Chuyện đi ngủ, ngày nào cũng làm, làm sao mà không biết được.
Thực tế là không. Mỗi ngày có 24 giờ, có những sự kiện sẽ lặp đi lặp lại mỗi ngày, như việc thức dậy, vệ sinh cá nhân, làm việc, ăn uống, và đi ngủ. Nhưng nếu bạn lấy kính lúp soi từng ngày, bạn sẽ thấy chúng có những biến số (các yếu tố thay đổi), ví dụ như:
ngày đó có phải chạy deadline không?
ngày đó tâm trạng, nhìn chung, như thế nào?
ngày đó có sự kiện gì khác ngoài những sự lặp đi lặp lại?
. . .
Cho nên, bạn thấy đó, same same but different. Nhìn thoáng qua thì ngày nào cũng như ngày đó, nhưng thực tế mỗi một ngày bạn sẽ trải qua các sự kiện khác nhau. Để rồi, tùy thuộc vào cảm xúc đọng lại vào cuối ngày hôm đó, nó sẽ quyết định bạn sẽ có một giấc ngủ ngon hay không.
Bạn không tin mình? Vậy hãy thử track (theo dõi) chuyện này xem, hãy lấy một tờ giấy:
chia một cột (thời gian bạn đi ngủ) và chừa trống để viết cảm xúc trước khi ngủ
một cột thời gian bạn thức giấc và cảm xúc khi thức dậy
Đây là bảng ghi chép mà mình đã giản lược sau một tháng thử nghiệm với các tiêu chí cầu kì hơn. Tuy nhiên, nếu mục tiêu chỉ để bắt đầu theo dõi thói quen ngủ thì các nội dung trên là vừa đủ.
Thử theo dõi nó trong 2 tuần liên tục, để xem bạn có kết luận giống mình không. Đó là "Nếu trước khi đi ngủ, bạn hài lòng về ngày hôm đó, thường bạn sẽ dễ chìm vào giấc ngủ và có một giấc ngủ ngon."
Dữ liệu vs. Insight có khác nhau?
"Tốt nghiệp chuyên ngành marketing, rồi cũng làm marketing, nhưng mình vẫn không phân biệt được sự khác nhau giữa dữ liệu và insight. Chúng có khác nhau không? Khác nhau cái gì?"
Hân đã hỏi mình câu trên. Câu hỏi này, mình đoán, nhiều bạn cũng thắc mắc.
Nhìn lại cái bảng phía trên mình vừa gợi ý bạn ghi chép xuống, bạn sẽ thấy "giờ đi ngủ" là một điểm dữ liệu (data point). Nếu bạn liên tục chép xuống trong 14 ngày, bạn sẽ có:
giờ đi ngủ ngày 1 - điểm dữ liệu 1
giờ thức dậy ngày 1 - điểm dữ liệu 2
giờ đi ngủ ngày 2 - điểm dữ liệu 3
giờ thức dậy ngày 2 - điểm dữ liệu 4
. . .
Khi bạn kết nối chúng lại với nhau, bạn sẽ vô hình chung ra được các kết nối khác nhau. Ví dụ như hình này,
Lúc này, có phải bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy một vài mô-tuýp như:
nếu tôi đi ngủ lúc 21h30 - 22h30, khả năng là tôi sẽ thức dậy lúc 6h00 - 7h00
nếu tôi đi ngủ vào 23h00 - 0h00, tôi vẫn có thể thức dậy lúc 6h30 - 7h00 nhưng thường mệt mỏi và thiếu năng lượng
nhưng nếu tôi đi ngủ vào 23h30-0h00 mà phấn chấn vui vẻ, tôi có thể thức dậy lúc 5h30 ngày hôm sau
Các kết luận ở trên chính là insight. Bạn dựa vào dữ liệu thực tế của chính mình để nhìn thấy các mô-tuýp đã diễn ra. Từ đó, bạn có một phán đoán về những gì có thể xảy ra trong tương lai, hoàn toàn dựa vào fact (sự thật) của riêng bạn.
Với insight này, nếu bạn đang mong muốn cải thiện sức khỏe, lối sống hay xây dựng thói quen cho cá nhân, bạn biết mình cần làm gì rồi đó.
Tại sao là 14 ngày?
Bất kì một dữ liệu nào, khi ghi chép lại, hay bạn quan sát thấy, đều là một dạng nguồn thông tin. Mà với nguồn thông tin, chúng ta luôn cần xem xét mức độ đáng tin cậy của nó. Trong trường hợp này, chúng ta thu thập dữ liệu về giấc ngủ trong 14 ngày, một ngày có 2 điểm dữ liệu (lúc đi ngủ và sáng hôm sau thức dậy).
14 ngày = 2 tuần, trong đó bao gồm (5 ngày trong tuần + 2 ngày cuối tuần)x2
Tức là bạn có ít nhất 2 lần đánh giá thói quen ngủ vào Thứ Hai hay Thứ Bảy.
Tức là bạn có cơ sở để so sánh. Và nếu có trường hợp đặc biệt nào xảy ra, như một hôm bị sếp dí gấp thì còn có dữ liệu ngày hôm khác để back-up (sơ cua). Phân tích của bạn vì vậy mà không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Nhìn chung, khi chúng ta nói tới việc thu thập dữ liệu, số lượng ngày càng lớn, bạn sẽ càng thoải mái để phân tích và ít bị sai số hơn.
Mở rộng thu thập insight để thiết kế cuộc sống
Bạn cũng có thể theo dõi bản thân mỗi ngày, đặc biệt nếu muốn check nhanh về thói quen hay cảm xúc mỗi ngày, thì format bên dưới là phiên bản mình đang thiết kế cho bản thân. Mỗi ngày mình sẽ note ra “một điều bản thân làm tốt”, và 3 cột bên phải có biểu tượng với những thói quen hay tiêu chí mà mình muốn thiết lập như Quản lý cảm xúc bản thân.
Cuối cùng, tặng bạn một chiếc chart minh họa một ngày của các Danh Nhân. Bạn sẽ thấy sự thú vị trong cách sinh hoạt, lối làm việc của mỗi người.
Một câu đố vui nhé: Nếu nhóm thành các phân khúc (kiểu lối sống theo cách sinh hoạt như làm việc, ăn, ngủ, thể thao), bạn sẽ chia làm bao nhiêu nhóm? Tại sao?
Norah VO
From Insights To Intelligence
À, nếu quan tâm về buổi trò chuyện của mình và Hân Thái, bạn có thể nghe podcast tại đây nhé