Case study cách mình phân tích để hiểu usp của bản thân và chọn khách hàng tiềm năng cho ngách
Kèm gợi ý chiến lược hành động cho newbie vs. solo có kinh nghiệm
Thông báo: Hiện tại mình và Hân Phi đang ra mắt chương trình kèm cặp 3 tháng sát sao group mentor cho các bạn edupreneur có mong muốn tối ưu hóa cách áp dụng insight để bán hàng hiệu quả.
Hằng tuần, tụi mình sẽ cùng nhau phân tích usp bản thân, insight khách hàng tới cách đóng gói định giá sản phẩm. Cuối cùng, mình cùng bạn thiết kế các điểm chạm cho hành trình khách hàng riêng, dựa vào đó chúng ta lên kế hoạch marketing bán sản phẩm. Bọn mình còn nhận được 1 bạn, sẽ khai giảng ngày cuối cùng của tháng 08.
Hello chào bạn.
Khi bước trên hành trình làm solo kinh doanh chuyên môn vào khoảng 2 năm trước, mình quả thực không nghĩ việc chọn lựa một ngách hay một thế mạnh riêng có của bản thân, lại quan trọng đến như thế. Chưa kể, khác với một công việc fulltime, bạn sẽ tự định đoạt danh tính cho chính mình, là expert (chuyên gia) kiểu gì? Là hàm advisor, instructor, practitioner hay mentor.
Hiện tại, mình chọn Insight Educator làm định danh cho công việc này. Chỉ là 2 chữ đơn giản, nhưng nội hàm của nó đòi hỏi phân tích, chiêm nghiệm và thử nghiệm để phù hợp với danh xưng mà mình chọn.
Hôm nay, mình sẽ chia sẻ cụ thể cách bản thân đã:
phân tích chính profile của mình
nhìn ra điểm mạnh riêng có (hay usp)
và đi đến kết luận đâu là tệp khách hàng tiềm năng (ngách và thị trường tiềm năng)
Đây cũng là lý giải cho danh xưng Insight Educator mà mình chọn cho tới hôm nay. Cùng lượt qua con đường hành nghề của mình nhé.
1. Kinh Nghiệm Học Hành Và Kinh Nghiệm Sống Thực Tế:
Bản thân mình đã tự mình tìm hiểu và nộp đơn cho con đường du học từ năm 16 tuổi. Đúng rồi, bạn không đọc nhầm đâu, mình đã nghiên cứu, tìm hiểu và lên kế hoạch thực hiện việc này một mình. Kinh nghiệm đằng đẵng của hơn 10 năm không chỉ giúp mình phân biệt các hệ thống giáo dục trên thế giới, cách tuyển sinh của các trường Đại Học nước ngoài; mà còn là tâm lí của người có nguyện vọng đi du học. Sau này là tâm lí hành vi của du học sinh. Kỹ năng tìm kiếm, đặt câu hỏi, chắt lọc tổng hợp thông tin cũng là điểm cộng trong kinh nghiệm này.
Mình tốt nghiệp Thạc Sỹ chuyên ngành Phát triển quản trị chiến lược doanh nghiệp tại Phần Lan. Có thể mình không đi theo con đường chiến lược gia tại các tập đoàn Big4, nhưng mình hoàn toàn biết bắt đầu từ đâu để phân tích business, lựa chọn phân khúc nào, nhóm sản phẩm nào, với nguồn lực ra sao. Nguyên lý kinh doanh là giống nhau.
Toàn bộ hành trình du học của mình là một hành trình đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và khả năng tự định hướng – những phẩm chất cần thiết để mình tụ lèo lái con đường làm business riêng. Trước khi làm solo biz, mình đã cố vấn cách phân tích kinh doanh ở góc độ founder. Và sau khi làm solo 2 năm, mình có cái nhìn sâu sắc về vận hành business một mình nhạy bén hơn.
2. Kinh Nghiệm Làm Việc Đa Ngành:
Trước khi ra nước ngoài, mình được đào tạo bài bản với kinh nghiệm quản lý trực tiếp các dự án nghiên cứu thị trường và thu thập insight người tiêu dùng ở Việt Nam. Một điểm thú vị là mình bén duyên với hầu hết lĩnh vực như công nghệ, ô tô, bất động sản - những ngành hàng liên quan tới đặc thù khách hàng trung và cao cấp.
Ngoài làm nghiên cứu insight, mình cũng góp tay vào hoạt động marketing, từ viết nội dung catalogue thiết kế nội thất tới hoạt động chào bán dự án bất động sản cao cấp. Tất cả những lần đi field, tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và chuyển thành nội dung truyền thông là một trải nghiệm quý báu.
Kinh nghiệm trong khoảng thời gian này giúp mình hiểu sâu sắc hành vi người tiêu dùng, biết cách phân tích dữ liệu, chuyển hóa nó thành insight giá trị và chứng kiến tận mắt sự thành hình của insight bằng dòng xe tung vào thị trường Việt Nam, các quảng cáo trên TV hay hiệu quả từng đợt mở bán căn hộ.
3. Kinh nghiệm tư vấn cho one-person business
Mình chưa bao giờ nghĩ sẽ lái cuộc đời sang freelancer và đi tư vấn dạo. Cho tới khi mình buột phải chọn vì đó là con đường duy nhất lúc đó. Ở vị trí tư vấn doanh nghiệp chưa có thương hiệu riêng, không có đội ngũ thu thập insight bài bản, mình học cách tự làm hết tất cả mọi thứ.
Học về ngách kinh doanh của khách hàng, về sản phẩm của họ, về thị trường. Và tự học cách làm email marketing, chạy quảng cáo, viết content, chọn insight để lên kế hoạch tiếp thị v..v.. Mình làm tất.
Và mình hiểu thật sự khó khăn của một người làm kinh doanh một mình, một cách sâu sắc. Nguồn lực hạn hẹp, từ thời gian, tiền của, kiến thức chuyên môn v..v.. Giai đoạn đó, thu thập dữ liệu online cũng không dễ dàng như bây giờ. Đó lại là cái khó của thông tin.
4. Sự Tập Trung Vô Tình Vào Lối Sống Và Giáo Dục:
Mình là người thích trải nghiệm, là "chân đi" từ nhỏ và rất khó để mình cam kết một thứ gì đó lâu dài. Tuy nhiên, khi nhìn lại toàn bộ hành trình sống và làm việc, các pattern (xu hướng) chính trong lát cắt sự nghiệp của mình lại rơi đúng vào ô Lối Sống và Giáo Dục Bậc Cao.
Có lẽ nào là một sự ngẫu nhiên?
Thực tế là không, nghề chọn người, và người đi theo tiếng gọi của đam mê, một cách tình cờ. Hai chủ đề trên, giờ đây, không chỉ là chuyên môn mà còn là minh chứng cho đam mê thực sự của mình. Việc tập trung vào nhóm những lĩnh vực này đã giúp mình xây dựng một lợi thế cạnh tranh cực tốt.
Cạnh tranh về mặt thời gian.
Dữ liệu thì nhan nhản, thu thập không còn khó như trước. Nhưng đọc được dữ liệu, chuyển hóa nó thành insight đắt, đòi hỏi kiến thức trong ngành.
Và từ insight để biết nên làm sản phẩm kiểu gì, marketing truyền thông ra sao và chọn business model gì, chắc chắn lại là một lớp kinh nghiệm chuyên trị theo loại hình doanh nghiệp và tính chất thị trường.
Kết quả phân tích bản thân để ra USP
Tất cả những điều trên, khi đánh giá thật kĩ, mọi thứ dẫn tới kết quả con đường mà mình đi hôm nay:
một người đồng hành dẫn dắt về Insight, trong việc phát triển kinh doanh và tiếp thị ở ngách LỐI SỐNG và GIÁO DỤC. An Insight Educator.
Đây là kim chỉ nam giúp mình chọn lọc Mentee cũng như Khách hàng để tư vấn đồng hành.
Nhưng nếu tôi muốn làm một thứ gì đó không dính dáng tới quá khứ của mình?
Hay tôi vẫn chưa nhìn thấy được điểm riêng thế mạnh của bản thân do trải nghiệm chưa đủ, thì làm sao?
Đây chắc là trăn trở của nhiều bạn, không chỉ ở Việt Nam mà những người bắt đầu con đường làm riêng.
Gợi ý xác định USP và ngách phù hợp
Nếu chưa làm, thì có hai gợi ý sâu xát về USP và ngách như sau
Xác định điểm mạnh riêng có của mình (USP):
Liệt kê tất cả kinh nghiệm và kỹ năng của bạn
Tìm điểm giao thoa giữa các lĩnh vực bạn đã làm việc
Xác định những lĩnh vực mà bạn có passion (đam mê) và expertise (chuyên môn)
Chọn ngách phù hợp:
Dựa trên điểm mạnh đã xác định, chọn ngách thị trường mà bạn có thể tạo giá trị độc đáo
Đảm bảo ngách này có đủ nhu cầu và tiềm năng phát triển
Một lưu ý nhỏ nhưng có võ: usp (điểm đặc biệt của mình) và ngách là hai chữ ám ảnh rất nhiều người trên con đường kinh doanh. Nhưng nếu chưa chắc chắn với usp hay ngách, thì hãy chọn một, cái mà có sự trùng lắp nhất với ví dụ ở trên của mình, để bắt đầu.
Vì sao?
Vì con đường làm kinh doanh chuyên môn luôn là một con đường chuyển hóa. Thế giới luôn thay đổi, chúng ta sẽ luôn bị ngập lụt với thông tin, cảm thấy cái gì cũng cần học, cần làm, cần lưu trữ, insight/idea gì cũng quý hết.
Cuối cùng tầm nhìn của người khác bạn rất rõ, nhưng tầm nhìn (vision) của riêng mình càng ngày càng bị nhạt nhòa.
Vậy chúng ta cần làm gì?
Hãy xem mình đang ở khúc nào của con đường này và chọn cái để tập trung.
Chiến lược hành động cho newbie vs. người có kinh nghiệm kinh doanh độc lập
Khi bạn là newbie, bạn sẽ có chiến lược khác với khi bạn đã có kinh nghiệm cỡ 2-3 năm. Sau con đường làm solo hơn 2 năm, mình xin tặng bạn gợi ý và đúc kết của riêng bản thân mình:
Chiến lược cho Newbie Solo
Tập trung vào điểm mạnh riêng có của mình: Lúc bắt đầu thì dễ nhất là lấy cái gì mạnh x riêng có để làm nền tảng bệ phóng cho chuyên môn. Dựa vô đó, bạn cứ đơn giản hóa sản phẩm/dịch vụ ban đầu để tránh bị phân tán.
Chọn ngách: Điều này ai cũng biết, nhưng vì cái usp ở trên mà cứ lòng vòng tự hỏi phải usp của mình không. Để đi tiếp, ngoài usp (do bạn dự đoán + thử nghiệm nhiều lần), hãy siêng làm bài tập nghiên cứu thị trường. Tập trung vào một phân khúc khách hàng cụ thể. Có insight, có cơ sở, có đà để hiểu cách định giá dịch vụ, và thậm chí cải thiện nâng lên dần. Chọn một ngách cũng giúp bạn tránh bị quá tải.
Bắt đầu với dịch vụ: Tận dụng kỹ năng hiện có bằng cách cung cấp dịch vụ như tư vấn hoặc coaching trước khi chuyển sang các nguồn thu nhập thụ động khác hoặc giảng dạy rộng ra. Vì bạn chưa có nhiều insight để biết ai cần gì và mình làm được gì.
Với solo đã bán được rồi, thì lúc này bạn cần:
Tận dụng công nghệ: Sử dụng công cụ tự động hóa, quản lý khách hàng và marketing online để tối ưu hóa quy trình làm việc và tăng hiệu quả. Nói chung là cần có hệ thống để còn gia tăng hiệu quả, bớt mệt.
Sắp xếp hệ thống sản phẩm: Lúc này bạn có rất nhiều kiểu spdv khác nhau. Hãy ngồi rà soát lại để biết cách chọn cái nào là key, cái nào là râu ria. Hệ thống được thì mọi thứ mới flow được.
Đa dạng hóa nguồn thu nhập: Đây là ý bổ sung cho ý trên. Khi đã biết vai trò của từng spdv, insight khách hàng thì bạn sẽ bắt đầu mở rộng/thử các cách khác, dựa trên hệ thống có sẵn. Vd: online course tự động.
Đầu tư vào nhân sự: Xem xét thuê trợ lý ảo hoặc cộng tác viên để tập trung vào công việc quan trọng.
2 chiến lược bắt buộc làm xuyên suốt
Xây dựng thương hiệu cá nhân: Chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm. Level nào thì nói level đó. Nhưng phải thật là của mình nhé. Có nói ra thì người ta mới biết mình là ai, làm được gì.
Lắng nghe khách hàng: Thu thập phản hồi để cải thiện sản phẩm/dịch vụ và đáp ứng nhu cầu thị trường. Cái này thì lúc nào cũng phải làm. Càng làm nhiều, phản tư nhiều, càng có độ nhạy trong việc thiết kế biz của mình.
9 gạch đầu dòng này rất hiển nhiên so với mình của mấy năm trước. Nhưng vì nó quá hiển nhiên mà mình đã bỏ lơ không làm sâu và cặn kẽ hơn. Có lẽ mình đã đi nhanh hơn?
Tuy nhiên, va vấp là kinh nghiệm sống để có chuyện mà kể cho mentee vậy. Tất cả những ý liệt kê trên này mình sẽ cầm tay gửi gắm trong group mentor, do mình và Hân Phi đồng mở trong chương trình Từ Insight tới Bán Hàng Hiệu Quả.
TẠM KẾT
Bước vào con đường kinh doanh chuyên môn, kiểu nào bạn cũng cần nắm kiến thức kinh doanh + vững chuyên môn.
Khi chọn mentor hoặc xác định ngách để trở thành mentor cho ai đó, điều quan trọng nhất là tập trung vào những lĩnh vực mà bạn có kinh nghiệm sống thực tế và có chuyên môn. Như chính case study của mình, việc kết hợp kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực và tìm ra điểm giao thoa (trong trường hợp này là lối sống và giáo dục) có thể tạo nên một lợi thế cạnh tranh riêng.
Nếu có một lời khuyên cho người mới, bạn nên tìm kiếm những mentor có kinh nghiệm phong phú và đa dạng trong lĩnh vực bạn quan tâm. Đồng thời, khi bạn phát triển để trở thành mentor cho ai đó (nghĩa là chọn khách hàng), hãy tập trung vào việc xây dựng và chia sẻ những insight riêng dựa trên kinh nghiệm thực tế của mình.
Trong thế giới số và AI ngày nay, dữ liệu nhan nhản, thu thập thông tin cũng không còn khó như trước. Kỹ năng quan trọng hơn cả là việc đọc hiểu dữ liệu để từ đó chuyển hóa nó thành insight đắt.
Nhớ rằng, việc làm về insight không chỉ dừng lại ở việc xử lý dữ liệu. Nó đòi hỏi khả năng định hướng, sự thấu hiểu hành vi con người, hiểu biết về tình hình doanh nghiệp, và khả năng kết hợp tất cả những yếu tố này để đưa ra những giải pháp và chiến lược hiệu quả.
Hãy luôn tự hỏi bản thân: Đâu là điểm mạnh độc đáo của mình? Làm thế nào để tận dụng nó để tạo ra giá trị cho người khác? Đó chính là chìa khóa để xây dựng một sự nghiệp kinh doanh riêng thành công và bền vững.
Cám ơn bạn đã theo dõi. Chúc bạn một cuối tuần an.
Norah VO
From Insights To Intelligence
Nay em bắt đầu lật lại hành trình viết tự do vừa qua để xác định ngách và đối tượng cụ thể hơn.
Em nhớ tới kênh của chị và bài này đầu tiên luôn :D
Cảm ơn chị vì bài viết bổ ích ạ ^^
Hay, ngon, ngầu, và rất hữu ích 👍