Hello chào bạn,
Đã bao lâu rồi bạn mới có cảm giác ĐÃ khi đọc xong một nội dung nào đấy?
Đã bao lâu rồi bạn mới có cảm giác ĐƯỢC THÔI THÚC để làm một điều gì đấy, trở lại?
Tuần vừa rồi, sau khi ngấu nghiến đọc một bài viết dài thượt trên Substack, chỉ độc nhất một bức ảnh mở đầu, toàn bộ những nội dung bên dưới là chữ và chữ. Nhưng lạ lùng thay, mình không hề ngán ngẩm, càng đọc lại càng mê li say đắm với từng con chữ lời văn. Càng đọc, mình lại càng thấy nhớ nhung - nhớ một phần văn thơ chữ nghĩa tràn lan của mình cứ tuôn trào.
Trong bài viết đấy, tác giả nói về việc học, sự học. Những câu chuyện từ thuở thiếu thời cho tới khi cô đi làm rồi lại học lên cao ở một vùng đất khác. Đan xen những mẩu chuyện đấy là những hội thoại đời thường. Và nó thật sự rất cuốn, rất đời.
Mình còn nhớ hôm đọc bài đấy là tối muộn, lúc đó mình đã vắt não chạy hết công suất cho chuyện công ty và chuyện kinh doanh cá nhân. Chữ nghĩa cũng nhiều đấy, cơ mà nó là kiểu chữ nghĩa gãy gọn và thẳng thớm. Logic khoa học, dẫn dắt từng bước, hình ảnh minh họa. Đó là thế giới của mình cho những ngày gần đây.
Có lẽ thế, sau một ngày dài đằng đẵng, định bụng tắt lap đi ngủ, vớ phải một bài văn xuôi, với những đoạn văn dài thoòng hơn 10 dòng có lẽ, mình vẫn mải mê đọc tới cùng ... thì bản thân phải giật mình thôi.
Nhận ra rằng 'Hình như là lâu lắm rồi, mình không xem một thứ gì đem lại cảm giác thỏa mãn như thế. Cảm giác rất đã đời. Đầu óc thật sự được bay bổng và chu du với con chữ. Là hình là thanh là cảm xúc là trồi sụt tinh thần. Một bài viết có hồn, chứa đựng bao nhiêu kí ức trải nghiệm của một cuộc đời sống thực đang hiển hiện trước mặt mình đây. Ôi chao nó đã.'
Giật mình lần hai là mình bị thôi thúc viết một thứ gì đó cũng tương tự như thế. Đã đời, trôi chảy, thoai thoải, cứ để con chữ dẫn dắt và tâm trí được ngao du. Chả lẽ bản thân đã quên những năm tháng miệt mài ngồi viết, viết như rút hết ruột gan, như thể không viết cho nhanh cho mau thì mọi thứ sẽ cứ tan biến hết đi ngay lập tức. À đấy, quên thật rồi, lâu dần đọc xem mãi những thứ ngắn gọn dễ nuốt, tâm trí cũng chả màng quan tâm tới cái chuyện bay cùng chữ nghĩa là gì nữa.
Cơ mà lần này thì nó lại trồi lên. Trên đời này thật là quý hóa quá, có những con người có cái năng lực truyền cảm hứng sâu sắc tới độ, khi cái sáng tác của họ được đưa ra thành hình, cái phần hồn không chỉ chạm một mảnh linh hồn bạn, nó còn đứng đấy khiêu khích cổ vũ cái kiểu là 'Này ấy làm gì đi chứ. Bao lâu rồi không thử, không cho mình cảm giác phê pha như thế. Chả nhẽ cứ chờ cứ đợi để được khích lệ mãi như thế sao? Đã từng làm được thì bây giờ vẫn làm được đó thôi, mà.'
Đấy là cái năng lực truyền động lực nhỉ. Vừa truyền cảm hứng động cơ, vừa tạo ra hành động. Kiểu thế.
Nhưng mình không chắc mình đã làm tốt cái phần văn vẻ ấy chưa. Nãy giờ những dòng mình viết nó lại thườn thượt dài dòng đến lạ, đôi ba chỗ lại lung ta lung tung cả lên. Chuyện là khi đọc về sự học của chị nhà báo ấy, mình nhớ về cái sự học của chính bản thân mình rất nhiều.
Mình còn nhớ quyển có-chữ đầu tiên mà mình đọc hết một lèo là truyện cổ Andersen. Đó là một mùa hè của những năm cấp 1. Mặc dù có tiếng là biết nhiều truyện trên trời dưới đất lắm rồi, nhưng trước khi cầm được quyển này lên và tự đọc thì con chữ nó đi vào đầu mình bằng con đường rất hưởng-thụ =).
Thời đó, lúc còn nhỏ xíu, đa phần truyện mình 'đọc' là kiểu ba mở ra rồi đọc, kể mình nghe trước khi đi ngủ. Hai cha con cuối tuần nào cũng đi nhà sách rồi cứ lựa thêm sách truyện về đọc cho mình. Lâu lâu đổi vị ba mình sẽ lại mua mấy cái băng cassette kể truyện cổ tích ngày xưa. Thế là ông cứ bật băng lên rồi mình cứ thế mà nghe. Mình nghe nhuyễn tới mức, khi giọng cô kể chuyện phát lên tựa đề, là mình tự điền vào chỗ trống các câu tiếp theo. Thời nay cái này mọi người hay gọi là repetition khi học tiếng Anh ấy nhỉ, kiểu cứ nhai đi nhai lại thì thành ra phản xạ tự thân. Chuyện cũng không có gì, nếu như trong cái cuộn băng truyện cổ ba mình lựa cho nghe, không có một mẩu chuyện trùng khớp với câu chuyện được đem đi dự thi bé khỏe bé ngoan.
À đây, chắc đây là drama đầu tiên trong cuộc đời mình, trong cuộc đời thi thố và sự nghiệp các thứ. Năm đó mình học lớp lá, lớp mình các bạn đều được đưa đi thi bé khỏe bé ngoan. Cuộc thi cũng không cam go gì, vốn dĩ từ nhỏ mình đã là em bé cũng ổn, học hành chơi đùa văn thể mỹ gì cũng làm được theo yêu cầu. Mấy bài tập thể dục cơ bản rồi là chọn hình vuông - tròn - tam giác các thứ đấy. Nó quá là đơn giản mà, làm sao mà không làm được, đúng không?
Đã thế, trước hôm đi thi mấy tuần, ba mình còn ôn luyện các kiểu: nào là học qua các câu chuyện mà cô đã dạy em, nào là các bài hát thiếu nhi, nào là nhận diện hình khối vân vân trên trời dưới đất. Hai cha con kiểu tâm đầu ý hợp, tự tin lắm. Hôm đi thi, ba mình đưa tới cổng còn bảo "Chiều ba rước về. Tự tin lên nhé. Hai cha con tập dượt kĩ lưỡng lắm."
Hôm đấy, cuộc thi diễn ra rất nhịp nhàng. Bạn nào cũng có phần, từ từ mà trả lời từng câu. Các cô giáo đều là người quen, lâu lâu có vài cô từ trường nào khác qua chấm thi. Nhưng mình chả sợ. Kiểu 'tôi học hành đàng hoàng gồi'. Vòng nào mình cũng qua, và tới cái vòng mình yêu thích nhất, 'thi kể chuyện'. Bóc phiếu ra, thấy ngay cái chuyện trúng tủ mà ngày nào ở nhà cũng nghe đi nghe lại, mòn cả tai, mình còn luyên thuyên hơn cả cái cô kể chuyện trong băng cassette.
Bé Minh Ngọc bước lên khán đài, cầm micro, dong dõng kể. Mở màn rất nhịp nhàng, nhìn xung quanh gương mặt các thầy các cô rất hài lòng, cười vui hân hoan lắm. Song, gần tới 3/4 câu chuyện, tới plot twist của cái chuyện đó rồi, mình đang cao hứng quá cứ luyến thoắn. Nhưng bỗng dưng ngó xuống dưới hàng khán giả, những nụ cười ban đầu giờ đây thành ... cười gượng. Ơ hay, không hiểu tại sao nhỉ? Mình kể quá đúng bài rồi còn gì nữa? Chả nhẽ ngưng kể lại. Chả nhẽ làm ngơ. Chả nhẽ hỏi ban giám khảo bị cái gì vậy?
Quyết định thần tốc. Tin tưởng vào những gì mình biết và chuẩn bị, càng tin tưởng là mình chả có gì sai. Cứ làm cho xong. Mình ngừng lại một đoạn vài giây, sau đó là kể nốt phần còn lại. Kết thúc buổi kể chuyện, các thầy cô cảm ơn rồi đưa nhận xét. Nào là giọng kể biểu cảm, gương mặt biểu cảm, mọi thứ tick tick và tick. Nhưng mà ... 'em lấy chuyện này ở đâu ra thế?'
Ủa alo?! Lâu lắm rồi mình chả nhớ mình đã phản ứng kiểu gì. Nhưng mình nhớ 'Ơ, chả phải chuyện Tích Chu là như vậy sao? Em còn có cả băng cassette ở nhà kể chuyện này nữa. Nên không thể nào sai được đâu.'
Trong tâm hôn non nớt của con trẻ, cứ Tích Chu là nó sẽ được kể như thế. Nhưng nào ai có ngờ, Tích Chu mà cô kể nó khác với Tích Chu mà băng cassette kể. Ôi trời ơi.
Chiều hôm đó, cô giáo đưa mình ra gặp ba. Hai người nói nói cái gì với nhau. Xong ba mình kiểu gật gù ra chiều hiểu biết lắm. Tối đó ba xin lỗi mình, ba bảo lần này là lỗi của ba rồi, chọn đúng ngay cái băng cassette có câu chuyện y chang chuyện cô kể, ai ngờ là hai cái cốt truyện nó khác nhau.
Drama đầu đời của mình trong việc thi cứ là thế. Thế là năm đó, mặc dù mọi thứ xuất sắc, nhưng mình đã không giành được danh hiệu Bé khỏe bé ngoan cấp Thành Phố. Mình 'chỉ' đạt chuẩn cấp Quận thôi.
Và đó, mãi sau này nghĩ lại, có lẽ nó là một trong những thôi thúc khiến mình muốn đọc học hiểu tường tận cái mà người-ta-nói là cái gì. Không phải nghe qua ai đó, một bên thứ ba nào hết. Cái gì mình muốn biết, thì nhất định bản thân phải ngồi nghiền ngẫm và đọc cho tường tận.
Những năm sau đó, khi mình bắt đầu ghép được vần chữ, ngay cả khi vẫn phải đọc to lên thì mình đã cầm sách trên tay để đọc. Và cuốn sách đầu tiên mình đọc hết trọn vẹn đã đời là quyển Truyện cổ Grim (mình đoán vậy vì quyển truyện đã bị nước mưa tạt ướt, rách bìa, rách hết mấy trang đầu và cuối, chỉ chừa lại phần ruột, đóng lại bằng chỉ trắng thành tép). Lần đó, khi phát hiện ra một cuốn sách có chữ, có nội dung mà bản thân đọc và cũng hiểu, kích thước lại nhỏ gọn trong lòng bàn tay, mình đã hí hoáy dành cả mấy buổi trưa hè ngồi đọc cho bằng hết.
Và lần đó cũng là lần đầu thế giới mới được mở ra trong mình. Có ngày thì mình theo chân hai anh em lạc vào một khu rừng Châu Âu nào đó. Băng qua những con suối, những đoạn đồi, lại vớ phải mụ phù thủy nào đấy và bị dụ. Tim thót lên vì sợ vì lo, tay thì vẫn mân mê đọc giở từng trang để xem tiếp. Cảm giác như mình đã nín thở thật sự khi đọc ấy, cho tới khi hai anh em được hoàn toàn giải thoát thì con bé mấy tuổi đầu năm nào mới bình tĩnh mà thở trở lại.
Chắc đó là chuyến du lịch xuyên lục địa đầu tiên trong đời mình. Một chuyến đi ngắn ngày, có mấy buổi trưa hè, nhưng thật giàu hình ảnh, sống động và có cái gì đó thật màu nhiệm. Mình học về thế giới phương Tây cũng từ đây. Và sau này, tới mãi sau này, khi là sinh viên Cao học, bắt đầu dành dụm được ít tiền và đi đây đó Châu Âu, mình mới thực sự chạm vào kí ức của tuổi thơ. Cái cảm giác tìm về những tưởng tượng trong thế giới không nhìn-được và đối diện soi chiếu nó với thực tại, ở nơi mà nó bắt đầu, là một loại cảm giác say mê lắm.
Trong chuyến nghỉ đông đầu tiên, tụi mình chọn đi Odense, Đan Mạch cũng bởi vì chuyện này. Odense là một khu làng cổ, và đặc biệt hơn nó là nơi sinh ra của nhà văn Adersen. Tụi mình tới đây vào dịp Noel, nên toàn bộ cảnh vật lúc đó giống hệt như những gì mình đã tưởng tượng trong truyện cổ tích vậy. Những con đường lát đá nhỏ nhắn đầy màu sắc, những ngôi nhà nho nhỏ xinh xinh với mấy ô cửa cổ cũng nhỏ thó bằng gỗ, sơn phết màu sắc nhã nhặn - dù đã phết màu sơn mới nhưng cái kiểu cửa đấy, cái ổ khóa đấy và tất tần tật những thứ bao trùm không gian đấy đều đưa bạn về một thời kì của thế giới truyện cổ tích.
Mình nghe nói là chính phủ đã bảo dưỡng và duy trì toàn bộ khu làng này như nó vốn là, như chính cái vẻ đẹp cổ tích của truyện cổ Grim. Họ còn khéo léo dẫn dắt bạn qua một vài địa điểm đặc trưng đã xuất hiện trong truyện cổ nữa, thông qua bản đồ khu làng. Ồ, nói chung, cứ tưởng tượng bạn đứng giữa con đường trải dài đầy sỏi và đá nhỏ nhiều màu, đi một tẹo qua hết các ngôi nhà nho nhỏ xinh xinh là sẽ tới một bìa rừng. Ngoảnh lại phía sau, toàn bộ không gian phủ trắng tầng tầng lớp lớp của tuyết, nhìn lên trên tuyết vẫn còn rơi phảng phất. Chụp lại khoảnh khắc đấy, bạn cứ nghĩ mình đang ở trong một trang của câu chuyện cổ năm nào. Là vậy đó.
Uầy, bài này mình định chấm phá một chút về cảm giác thèm viết dài và muốn kế lại hành trình của sự học và con chữ với mình. Nhìn lại thì nó đã quá dài rồi nhỉ. Thôi thì mình sẽ để bụng kể tiếp phần sau vậy, về những cuộc ngao du tâm tưởng trong thư viện - một chốn yêu thích nhất của mình khi đặt chân tới bất kì nơi đâu trên hành tinh này.
Còn bạn thì sao? Lần gần nhất bạn cảm thấy đã là khi nào? Và lần gần nhất có một thứ gì đó thực sự chạm và khiến bạn phải làm một cái gì đó là khi nào? Là điều gì?
12.07.2025
Norah VO (Minh Ngọc)
P.S: Bài này mình không chỉnh sửa biên tập, cũng không tạo thành từng phần hay chèn ảnh minh họa gì cả. Mình đoán sẽ thử thách lắm với thói quen nghe đọc thông tin ngày nay của tụi mình. Thế nên nếu bạn đọc được tới đoạn PS này thì mình thật sự rất cảm kích. <3