Hello hello,
Chào bạn. Những ngày này lịch sinh hoạt và làm việc của mình có một số xáo trộn nên tần suất và đăng bài cũng bị ảnh hưởng theo. Rất xin lỗi vì sự chậm trễ này.
Một tuần trôi qua, kể từ khi mình chia sẻ về bản đồ đồng cảm - Empathy Map, mình cũng nhận được một số câu hỏi về chữ đồng cảm khá nhiều. Trong đó, có một trường hợp đã chia sẻ với mình như sau:
“Em cảm thấy bài mình viết cứ bị nông nông, không được sâu sắc. Mặc dù mọi người ai cũng khen ngợi các nội dung mà em đưa ra. Em không biết làm như thế nào để nó sâu và chạm được cảm xúc của độc giả hơn chị ạ. Biết là cần có sự đồng cảm đấy, nên khi đọc nội dung chị chia sẻ về Empathy Map, em cứ thấy nó như một cú vả vào mặt mình vậy; có lẽ vì trước giờ em không có sự đồng cảm với độc giả của mình chăng?”
Không biết có bạn nào cũng nhìn thấy mình trong những chia sẻ ở trên không? Câu chuyện viết hoài viết mãi nhưng không sâu có nhiều lý do, không nhất thiết là do thiếu sự kết nối. Một nội dung chưa đủ sâu có thể được nhìn ở nhiều góc độ:
Về mặt chuyên môn chưa đủ sâu: như các nội dung liệt kê phủ trên bề mặt theo dạng “Nếu bạn không rẽ trái thì nên rẽ phải” vậy
Về mặt đối tượng: như các nội dung không có chủ đích sẽ phục vụ cho một nhóm người nào cụ thể, trúng ai cũng được
Về mặt cảm xúc: như các nội dung không thấy được tính chủ quan và khách quan của người viết. Thường là dạng nội dung mà AI viết, bạn sẽ thấy rất ít có yếu tố cảm xúc trong này
Một bài viết gọi là nông có thể được gây ra bởi nhiều lý do khác nhau. Ở cả ba yếu tố trên, có lẽ yếu tố chuyên môn có thể giải quyết được nhanh hơn các yếu tố khác nếu người viết dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng và có đam mê với chủ đề mình đang viết.
Với yếu tố đối tượng và cảm xúc, lúc này chúng ta có điều kiện cá nhân và bản sắc của từng người. Mà cái gì nói tới bản sắc, cái đó sẽ liên quan mật thiết với sự kết nối rất riêng của bản thân người làm nội dung.
Tại sao mình lại gộp cả đối tượng độc giả và yếu tố cảm xúc ở đây?
Để một nội dung có thể kết nối với bất kì một đối tượng nào đó, trước hết nội dung này phải kết nối được với chính người viết hoặc sáng tạo ra nó. Nghĩa là nội dung này cần thể hiện cảm xúc của bạn trước đã. Nghĩa là trước khi một giá trị, hành động, ý nghĩa gì đó được tạo ra cho một ai đó khác, thì nó (nội dung) phải chạm được người tạo ra nó - là bạn.
Một nội dung chuyên môn, cung cấp đầy đủ các thông tin dữ kiện hay hàng loạt mô hình sẽ hữu ích. Nhưng chính yếu tố đồng cảm mới là điểm nhấn hình thành nên tính chạm, lâu dần là bản sắc riêng của người làm nội dung. Mà để có bản sắc riêng, thì tính cá nhân cần được phơi bày. Tính cá nhân sẽ bao gồm rất nhiều thứ: từ cách hành văn, tính cách cho tới cảm xúc, trải nghiệm riêng của người viết.
Mà để lôi được bản sắc của chính mình, không có cách nào khác người viết phải chân thật với ngòi bút của mình trước đã. Và đó chính là sự đồng cảm với chính bản thân mình.
Có mâu thuẫn không khi nói đồng cảm liên quan tới việc nhìn nhận cảm xúc của bản thân?
Nếu chúng ta nói tới việc hiểu insight của độc giả là khả năng đặt mình vào vị trí của người đó để hiểu họ đang nghĩ và cảm thấy như thế nào; thì nó đồng nghĩa với việc bản thân chúng ta đang tách cái “tôi” của mình, tìm một điểm chung của cái “tôi” đó với cái “tôi” của độc giả vậy. Điều đó nghĩa là gì? Nghĩa là trước khi tìm ra điểm chung của hai cái tôi này, bản thân bạn cần hiểu bạn đang có những cái “tôi” như thế nào.
Có lẽ đoạn vừa rồi sẽ khó hiểu với một số bạn. Mình lấy ví dụ nhé. Nếu bạn đang trả lời một thắc mắc trăn trở của một học sinh cấp 3, chẳng phải nội dung của bạn sẽ đặt trong bối cảnh của em đó hay sao?
Nếu đó là một học sinh cấp 3, bạn sẽ cần diễn đạt theo phong cách cấp 3, với lời văn, hình ảnh minh họa và ví dụ gần gũi với học sinh cấp 3. Lúc này, chẳng phải bạn đang dùng một phần trải nghiệm cấp 3 của mình để kết nối với lối tư duy, cảm xúc hoang mang của một em cấp 3 đang trên hành trình chọn trường, chọn ngành trước khi vào Đại Học hay sao? Đó phải là tâm lý hoang mang, nôn nóng với rất nhiều mơ hồ và quá nhiều thông tin không rõ ràng. Bạn của những năm cấp 3 lúc đó thực sự cần điều gì?
Như vậy, sẽ tùy vào ngách và đối tượng độc giả, mà bạn sẽ có đâu đó một vài lần “revisit” (ghé thăm lại) cảm xúc của chính mình để diễn giải, bắc cầu với độc giả. Nếu viết về làm cha mẹ, sẽ có những lúc bạn đối mặt với cảm xúc mình từng khổ sở thế nào khi chưa có giải pháp với con cái giai đoạn ẩm ương, tính khí thất thường. Nếu viết về xây dựng thương hiệu cá nhân, sẽ có những lúc bạn đối mặt với chính tiếng nói chỉ trích bên cạnh mình và những nỗi sợ bị phán xét.
Tại sao lại cần đối diện với những cảm xúc có phần tiêu cực này nhỉ?
Tại vì hầu hết những gì chúng ta đang tạo dựng nên đều nhằm giải quyết một nỗi đau, khó khăn nào đó của đối tượng khách hàng hay độc giả mà?
Và chỉ có cảm xúc thực của bạn về một nỗi đau nào đó mới có thể bắc cầu và kết nối với nỗi đau tương tự của người khác mà thôi. Chính vì vậy, việc viết nên một điều gì đó, ngoài yếu tố chuyên môn, cần rất nhiều sự đồng cảm và thấu hiểu. Mà người cần được thấu hiểu trước nhất, chính là bạn. Chỉ khi nào bạn thành thật với chính mình, bạn mới có thể nhìn thấu bản thân bạn. Chỉ khi đó, mảnh ghép của những “nỗi đau” sẽ tìm thấy tiếng nói chung, giao thoa và tạo nên những cú chạm tự nhiên mà sâu lắng.
*Thành thật với chính mình cũng góp phần đem lại sự công bằng cho chính bạn. Một ví dụ về việc chân thật với bản thân và kỳ vọng của bản thân khi đón nhận feedback từ người khác trong bài đăng sáng nay của mình trên Facebook. Mình nhận được khá nhiều bình luận thú vị như bên dưới, nếu thích bạn có thể đọc tại đây.
Tóm lại thì
Simon từng nói một câu như thế này “Không có điều gì kết nối con người ta hơn là tình thế cùng lâm vào hoạn nạn. Một ngư dân trong cơn bão bị đắm thuyền, được một tàu của ngư dân khác là kì phùng địch thủ của mình vớt lên, đã ngay lập tức phát triển mối liên hệ tình cảm nhanh như thế nào. Cơ bản vì cả hai cần vượt qua cơn bão lớn trên biển khơi, để sống sót mà trở về.”
(Mình không nhớ đã nghe từ podcast nào, nhưng ý tứ tóm gọn như vậy).
Cho nên là, một khi nỗi đau có tiếng nói chung, thì sự đồng cảm sẽ tự nhiên được thiết lập. Mà để bạn đồng cảm với nỗi đau của người khác, bạn cần chấp nhận mình cũng có nỗi đau và đồng cảm với chính bản thân mình. Thì những gì bạn viết, bạn làm, bạn tạo dựng mới thực sự có linh hồn.
Và đó là bản sắc của bạn, của chính bạn mà thôi.
Vậy đó, chuyên môn kiến thức có thể học, tham khảo hay thậm chí dùng AI để thỏa lấp. Nhưng đồng cảm với độc giả và có bản sắc riêng thì cần nhiều dũng khí, để đối mặt với tính người của chính mình, thì mới có thể sâu sắc và kết nối với những con người khác được.
Norah VO
From Insights To Intelligence
Bài này rất hay, giống sự thấu cảm của người coach, chị nhớ có câu nói đại loại rằng "Muốn thấu cảm với nỗi đau của người khác, bạn phải kết nối với nỗi đau của mình trước, đó là một sự dũng cảm."