Hello hello. Chào bạn.
Bạn khỏe không? Một tuần qua của bạn thế nào?
Mình đã biến mất trên bản tin một tuần rồi. Sự biến mất ban đầu là do vô tình, nhưng sau đó là một sự cố ý. Trong một tuần này, ngoài việc dùng nó để “take a break” thì mình cũng quan sát và nhận ra một số thứ liên quan tới việc hình thành thói quen.
1. Tốc độ và nhịp độ là một yếu tố cá nhân
Sáng nay mình đọc được một câu thế này “Don’t measure your success with someone else’s ruler” (Đừng đo thành công của bạn bằng thang đo của người khác). Nhận định này không mới lạ gì cả, đặc biệt với những bạn theo đuổi tính độc đáo của mỗi con người. Hiểu mình để làm việc với mình tốt hơn.
Thang đo thành công khi chẻ nhỏ ra, chúng ta có những nấc thang dạng như thành quả đạt được (là outcome), trong thời gian bao lâu v..v.. Nếu bỏ vào làm công thức, nó hệt như bài tập vật lý của những năm cấp 2, câu chuyện quãng đường bao xa và một người cần đi với vận tốc bao nhiêu m/s để đến đích trong t đồng hồ phải không?
Và thường chúng ta sẽ có xu hướng đồng hóa các yếu tố đó lại giữa mình và những đối tượng gần giống, để so về mặt thời gian và quãng đường. Dễ thấy nhất trong chuyện so đo là vận tốc. Viết mỗi ngày, tập thể dục mỗi ngày, đi ngủ trước 9h mỗi ngày hoặc dậy sớm 5h sáng mỗi ngày v..v.. Tất cả đều là một dạng vận tốc trong một quãng đường, mà thường là 23 ngày để tạo lập một thói quen mới.
Có lẽ nhiều người đã thành công trong việc hình thành thói quen mới nhờ vào việc duy trì đều đặn mỗi ngày theo vận tốc và khung thời gian trên. Nhưng với bản thân mình thì không. Việc kéo giãn khung thời gian ra và làm chậm vận tốc lại thực ra dễ thở hơn và giúp bản thân vẫn chạm đích.
Đơn cử như một thử thách viết của mình trên nhóm Everyday Insight trong vòng 10 ngày. Thực chất thử thách đã có thể kết thúc rất lâu rồi, nhưng vẫn còn bạn tham gia viết. Và những người vừa kết thúc cũng mất gần 2 tuần là ít để hoàn thành, bao gồm cả người ra đề là mình. Có nhiều thứ để quan sát được trong quá trình thử thách này. Bạn đầu tiên bắt đầu, cho dù có dừng lại ở một số ngày, nhưng cũng là bạn đầu tiên kết thúc. Có một số bạn đã bắt đầu sớm, nhưng cũng ngừng một thời gian khá lâu, và lại quay trở lại viết tiếp. Và viết liên tục. Nhưng cũng có một số bạn chia sẻ bài viết cách 2-3 ngày, và cũng kết thúc.
Mẫu số người tham gia viết mặc dù không nhiều, nhưng khi ghép quan sát từ chính mình và các bạn, rõ ràng câu chuyện My Race My Pace (Đường đua của tôi, Vận tốc của tôi) vẫn đúng. Điểm thứ hai là có những người sẽ cần nhiều khoảng nghỉ giữa đường, nhưng miễn sao lúc nào mong muốn đi tiếp và kết thúc hành trình vẫn còn, thì tâm thế của họ vẫn còn trên đường đua. Cho dù sự hiện diện đó có được thể hiện ra trước công chúng hay không.
Nói một cách khác, ngày nào người chạy vẫn còn nhớ về nó, thì đường đua vẫn còn tồn tại. Nên chọn xuất hiện lại để chạy tiếp, hay biến mất mà chạy một con đường khác nhanh hơn, luôn luôn là quyết định của cá nhân người chạy.
2. Bản năng vs. Phản xạ
Tuy nhiên, tất nhiên có lý do để chúng ta vươn theo huyền thoại tạo lập thói quen trong xx ngày? Vì một số thí nghiệm hoặc các quan sát tập thể cho thấy nếu ta liên tục làm một điều gì đó, thì tâm trí sẽ bắt đầu biến nó thành một dạng phản xạ có điều kiện.
Nếu bạn có biết tới thí nghiệm về chú chó, thoạt đầu người ta đánh chuông, và sau đó đổ thức ăn vào hộp đựng cho chú chó này. Thì sau xx ngày, cứ nghe tiếng chuông, là chú chó sẽ tự hiểu theo phản xạ rằng đồ ăn đã sẵn sàng.
Bỏ qua chuyện phản xạ của chú chó, nếu nhìn vào con người chúng ta, bạn có tự hỏi tại sao mình cần thiết lập một thói quen mới không? Hoặc ít ra thiết lập một hành động không suy nghĩ (phản xạ) không?
Là có những thứ chúng ta cần đưa bản thân mình vào khuôn, vì nó đi ngược với bản năng của con người. Và vì bản năng con người (bình thường) rất ưa sự thuận tiện: cái lười.
Điều này lý giải cho hàng loạt các cải tiến về cải thiện trải nghiệm người dùng: từ các app tóm tắt nội dung sách để thỏa mãn nhu cầu nạp thông tin nhanh hơn, tới việc chúng ta sẽ sẵn sàng dời một đầu việc gì đó nếu được, sang ngày hôm sau. Đó là bản năng vốn dĩ của con người: sự lười biếng.
Tất nhiên không phải bản năng nào của con người cũng xấu xí như vậy, mình sẽ chia sẻ phần naỳ sau. Nhưng khi nhận diện một đặc tính bản năng đi ngược với mong muốn của mình, chúng ta thường sẽ lên một kế hoạch để đào tạo cơ thể, tâm trí vào một chiếc khuôn. Thực hiện nó để nắn bản thân quen dần với các thao tác đó. Lâu dần nó trở thành một phản xạ, từ có điều kiện thành không có điều kiện.
3. Auto-pilot làm theo quán tính
Đây là thành quả cuối cùng khi chúng ta bắt đầu làm một việc quá thuần thục mà bộ não không cần suy nghĩ quá nhiều để gỡ bỏ từng block cản trở. Quay lại ví dụ của mình, việc thực hành chia sẻ nội dung ra công chúng đã từng rất rất khó khăn (bây giờ thì còn một chữ rất thôi). Sau một thời gian vượt qua cái lười, nhắm mắt làm ngơ với một số tiêu chuẩn quá cao mà bản thân đặt ra v..v.. , mình dần quen với việc viết lách và đưa nó con chữ suy nghĩ của mình ra bên ngoài.
Có những bản tin hoặc những dòng nội dung hoàn toàn không có nhiều suy nghĩ hay chuẩn bị từ phía mình. Bắt đầu là một ý tưởng, đặt tay lên bàn phím gõ và các con chữ cứ tuôn tràn ra như một lẽ tự nhiên. Cũng tương tự, sau gần mấy bản tin bỏ lửng không chia sẻ nữa, cơ thể và tâm trí cũng quen dần với việc “không viết bài cũng không sao”. Một ngày, hai ngày, … mười ngày, mười lăm ngày … sẽ sớm thành một trăm ngày không chừng.
Nhưng may quá vì mình chỉ tạm nghỉ chứ không quẹo sang đường khác. Tuy vậy, những khúc nghỉ nhìn nhận một quán tính cũng quan trọng không kém việc kiên trì, nhất quán theo đuổi mục tiêu. Đặc biệt khi mục tiêu và con đường đang khác nhau quá. Tặng bạn một câu quote của Grant về việc thay đổi con đường.
Cho nên là, sau giai đoạn này, mình một lần nữa tin vào sự adapt - tính thích ứng của con người. Khi bắt đầu một thứ gì đó, chúng ta sẽ tự nhiên có nhiều vướng víu không tự nhiên; nhưng nếu hiểu được cách thức chiêu dụ và rèn luyện cơ thể, suy nghĩ của bản thân; ta sẽ nắn được và tạo ra một thói quen gì đó mới. Nhưng nếu không tiếp tục duy trì nó hoặc một mai lý do hình thành thói quen không còn đủ ý nghĩa nữa, thì lối cũ ta về, ngựa quen đường cũ cũng là chuyện bình thường.
Suy cho cùng, chúng ta đều là con người. Và con người khi được sinh ra, đã có trong mình những bản năng nhất định rồi.
Mình từng nghĩ “Nếu một ngày bản tin này không tiếp tục nữa, thì có sao không?”. Mình chưa có câu trả lời, nhưng rõ ràng trong những ngày không viết, bản thân có một sự xốn xang kì quặc.
Chào bạn lần nữa. Và hẹn gặp lại.
Norah VO
From Insights To Intelligence